Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 24/5: Thu hồi gần 6,7 ha đất của Tập đoàn Bitexco do chậm triển khai dự án
Tạm dừng kiểm kê đất đai cấp tỉnh để chờ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính;Quảng Nam xem xét phục hồi pháp lý cho dự án Khu du lịch sinh thái Lê Phan;Hà Nội điều chỉnh, bổ sung 17 dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại quận Tây Hồ;HoREA đề xuất thí điểm chủ đầu tư tự nghiệm thu nhà ở xã hội để giảm nhũng nhiễu…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý
Thu hồi gần 6,7 ha đất của Tập đoàn Bitexco do chậm triển khai dự án
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định thu hồi khu đất rộng gần 6,7 ha tại xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, đã giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco từ năm 2006 để thực hiện dự án khu dân cư – thương mại.

Ảnh minh họa
Lý do thu hồi được nêu rõ là chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời gian được gia hạn, vi phạm khoản 8, Điều 81 của Luật Đất đai năm 2024. Mặc dù dự án đã được điều chỉnh quy hoạch vào năm 2008 và được tỉnh gia hạn thêm 482 ngày kể từ tháng 9/2023 để khắc phục khó khăn sau dịch Covid-19, nhưng đến nay, sau gần 18 năm kể từ khi được giao đất, Bitexco vẫn chưa triển khai thi công hay thực hiện bất kỳ cam kết đầu tư nào.
UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc thu hồi đất sẽ không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất. Trước đó, tỉnh đã có cảnh báo rõ ràng rằng nếu sau thời gian gia hạn, dự án vẫn không được triển khai theo đúng hồ sơ quy hoạch thì sẽ bị thu hồi theo quy định.
Theo quyết định, toàn bộ diện tích đất bị thu hồi sẽ được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai tiếp nhận và quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cập nhật, chỉnh lý thông tin vào hồ sơ địa chính, đồng thời quản lý và lưu trữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Bitexco.
Tập đoàn Bitexco được yêu cầu nghiêm túc chấp hành quyết định, khẩn trương bàn giao mặt bằng và di dời toàn bộ tài sản, thiết bị (nếu có) ra khỏi khu đất. Trường hợp doanh nghiệp không tự nguyện thực hiện, UBND huyện Nhơn Trạch sẽ tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật.
Tạm dừng kiểm kê đất đai cấp tỉnh để chờ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 23/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kiểm kê đất đai năm 2024. Đây là bước cụ thể nhằm thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nghị quyết mới của Trung ương, Chính phủ về tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Theo chỉ đạo của Bộ TN&MT, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 ở cấp xã trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính. Kết quả kiểm kê phải được nộp lên hệ thống kiểm kê đất đai của Bộ trước ngày 15/6/2025.
Đáng chú ý, Bộ TN&MT yêu cầu tạm dừng việc kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đối với cấp huyện; riêng cấp tỉnh cũng sẽ tạm dừng cho đến khi hoàn tất việc sắp xếp theo địa giới hành chính mới.
Với những địa phương đã thực hiện hoặc đang triển khai kiểm kê đất đai ở cấp huyện, tỉnh, Bộ sẽ xem xét thanh toán phần khối lượng đã hoàn thành theo quy định hiện hành.
Đồng thời, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc rà soát, thống nhất địa điểm và diện tích đất quốc phòng, đất an ninh.
Sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức kiểm kê lại số liệu đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024 ở cấp xã theo địa giới mới, hoàn thành trước ngày 31/7/2025. Kết quả kiểm kê đất đai cấp tỉnh phải được nộp về Bộ TN&MT trước ngày 20/8/2025.
Bộ TN&MT cũng lưu ý các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính đã được phê duyệt, đồng thời cập nhật dữ liệu địa giới hành chính vào hệ thống kiểm kê đất đai quốc gia.
Quảng Nam xem xét phục hồi pháp lý cho dự án Khu du lịch sinh thái Lê Phan
UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo nghiên cứu, xem xét phục hồi pháp lý đầu tư cho dự án Khu du lịch sinh thái Lê Phan tại phường Cẩm An, TP. Hội An, sau hơn 20 năm vướng mắc và từng bị thu hồi đất.

Khu du lịch sinh thái Lê Phan nằm trên phường phường Cẩm An, thành phố Hội An.
Dự án do Công ty CP Lê Phan Resort làm chủ đầu tư, được tỉnh giao và cho thuê hơn 43.000m² đất từ năm 2005. Tuy nhiên, do chậm triển khai, tỉnh đã ra quyết định thu hồi đất, dẫn đến khiếu nại của doanh nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó kết luận việc thu hồi khi chưa hết thời hạn gia hạn là chưa phù hợp quy định, buộc tỉnh phải điều chỉnh và tiếp tục gia hạn.
Đến năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã đồng ý giãn tiến độ dự án do ảnh hưởng dịch Covid-19, điều chỉnh diện tích đất thuê còn hơn 31.700m². TP. Hội An đã bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp, đồng thời điều chỉnh gần 8.000m² ra khỏi dự án để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dù vậy, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do nhiều vướng mắc. Tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình yêu cầu các sở ngành, địa phương và nhà đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tài chính và nghĩa vụ thuê đất.
Sở Tài chính được giao chủ trì hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ để làm căn cứ điều chỉnh và tiếp tục triển khai dự án. Việc tham mưu UBND tỉnh xem xét điều chỉnh dự án phải hoàn tất trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Hà Nội điều chỉnh, bổ sung 17 dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 tại quận Tây Hồ
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Tây Hồ, trong đó phê duyệt bổ sung 17 công trình, dự án với tổng diện tích khoảng 46,84 ha.
Các dự án được bổ sung chủ yếu tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, không gian công cộng, cải tạo hệ thống thoát nước và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa. Nổi bật có các dự án như: xây dựng tuyến đường Đặng Thai Mai kéo dài, tuyến dạo ven hồ Tây từ chùa Kim Liên đến khách sạn Thắng Lợi, cống hóa mương Nhật Tân - Quảng An, xây dựng cầu Tứ Liên, lắp đặt tuyến ống bổ cập nước Hồ Tây.
Ngoài ra, danh sách còn có các dự án an sinh xã hội như xây dựng nhà sinh hoạt tổ dân phố số 12, nhà ở cho lực lượng Công an nhân dân tại khu X1 phường Phú Thượng và tại ba ô đất thuộc khu đô thị Starlake (quận Tây Hồ và Bắc Từ Liêm). Một số dự án tu bổ, tôn tạo di tích như đền Dực Thánh, đền Nghĩa Dũng, đình Nghi Tàm và khu vực bảo vệ di tích Phủ Tây Hồ cũng được phê duyệt bổ sung.
Cùng với quyết định này, TP. Hà Nội cũng điều chỉnh tổng danh mục công trình, dự án sử dụng đất năm 2025 tại quận Tây Hồ từ 89 dự án (384,92 ha) lên 98 dự án với tổng diện tích khoảng 426,55 ha. Việc điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị, cải thiện hạ tầng và đảm bảo an sinh cho người dân trên địa bàn.
HoREA đề xuất thí điểm chủ đầu tư tự nghiệm thu nhà ở xã hội để giảm nhũng nhiễu
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó nổi bật là đề xuất cho phép chủ đầu tư tự nghiệm thu công trình thay vì bị kiểm tra bởi cơ quan chuyên môn như hiện nay.

HoREA đề xuất thí điểm chủ đầu tư tự nghiệm thu nhà ở xã hội để giảm nhũng nhiễu
HoREA cho rằng quy trình nghiệm thu hiện tại theo Luật Xây dựng 2014 còn hình thức, dễ gây nhũng nhiễu, kéo dài thời gian hoàn thành dự án và làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật, từ đó đẩy giá nhà ở xã hội tăng cao. Hiệp hội đề nghị giao toàn bộ trách nhiệm nghiệm thu cho chủ đầu tư, đồng thời cơ quan nhà nước chỉ kiểm tra trong các trường hợp đặc biệt khi có yêu cầu từ cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, HoREA kiến nghị tích hợp các bước thẩm định thiết kế phòng cháy chữa cháy, thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật vào thủ tục cấp giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian hành chính cho doanh nghiệp.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2021 đến tháng 5.2025, thành phố mới hoàn thành 2.745 căn nhà ở xã hội, dự kiến đến cuối 2025 sẽ có tổng cộng 5.619 căn. So với mục tiêu 100.000 căn hộ đến năm 2030 do Thủ tướng giao, TP.HCM còn thiếu hơn 94.000 căn. Sở Xây dựng cũng đề nghị đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của thành phố để đảm bảo nguồn lực và quyết tâm thực hiện.