'Điểm trúng' những vấn đề doanh nghiệp, người dân quan tâm

Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, việc lựa chọn 4 lĩnh vực chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội lần này đã 'điểm trúng' những vấn đề doanh nghiệp, người dân quan tâm. Điều quan trọng là các 'tư lệnh ngành' phải đưa ra được giải pháp cụ thể và thực thi hiệu quả.

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam:
Doanh nghiệp mong gỡ khó về nợ đọng

Khi biết Quốc hội lựa chọn xây dựng là một trong 4 lĩnh vực chất vấn tại Kỳ họp lần này, chúng tôi rất mừng vì đã “điểm trúng” vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm! Bởi lẽ, các doanh nghiệp xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến đơn giá, định mức, đặc biệt là nợ đọng.

Cụ thể, về định mức, đơn giá hiện quá lạc hậu, có những đơn giá Nhà nước đưa ra chỉ bằng 1/3 so với thực tế. Thống kê của các doanh nghiệp cho thấy hiện có 52 loại công việc cần xây dựng định mức mới và trên 70 định mức đơn giá cần sửa đổi, bổ sung. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần và Bộ Xây dựng cũng đã thể hiện sự quan tâm, lắng nghe. Minh chứng là ngày 25.10 vừa qua, Hiệp hội cùng 8 doanh nghiệp thành viên đã có cuộc làm việc với Cục Kinh tế xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng về nội dung này. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục cho biết sẽ đề xuất với Bộ Xây dựng đưa nội dung về điều chỉnh định mức, đơn giá vào chương trình kế hoạch năm 2023. Chúng tôi rất mong Bộ sẽ làm càng nhanh càng tốt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Việc công bố đơn giá dù đã có công văn nhắc nhở các địa phương song vẫn còn tình trạng tùy tiện, công bố chưa chuẩn. Tại phiên chất vấn, chúng tôi rất mong Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị sẽ nêu rõ giải pháp cũng như cam kết thực hiện, bảo đảm đơn giá công bố kịp thời và sát thực tế.

Về nợ đọng, hiện là vấn đề của hầu hết doanh nghiệp xây dựng, với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Có những doanh nghiệp số nợ đọng gấp đôi vốn chủ sở hữu, như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tổng số nợ phải thu lên tới trên 1.500 tỷ đồng; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng… Để gỡ vấn đề này phải là thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, song với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp cụ thể. Chúng tôi đề nghị điều chỉnh nội dung về hợp đồng trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu để bảo đảm sự công bằng giữa các bên.

Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, doanh nghiệp xây dựng khó tiếp cận vốn tín dụng như hiện nay, việc chậm thanh toán đã và đang đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào cảnh “sống mòn”. Nếu không sớm giải quyết, các doanh nghiệp xây dựng sẽ dần bị xóa sổ!

PGS.TS. HÀ QUANG THỤY, nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Huy động tập đoàn lớn cùng đào tạo nhân lực

Thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số đã được triển khai rất tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bị thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm triển khai. Bên cạnh đó, tình trạng cuộc gọi rác vẫn gây bức xúc trong xã hội… Do đó, việc Quốc hội lựa chọn chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Kỳ họp lần này rất được cử tri mong đợi.

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai tổng đài 156 (miễn phí) để thông báo cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ ngày 1.11.2022, song tôi cho rằng, chính các nhà mạng cung cấp dịch vụ phải chủ động trong việc này, tức phải có công nghệ, mô hình thông minh để dự báo, phát hiện và xử lý nhanh các cuộc gọi rác, tin nhắn giả. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cần tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, có chế tài xử phạt nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ để xảy ra tình trạng này.

Chúng ta sẽ không thể xây dựng thành công Chính phủ số, phát triển kinh tế số nếu đội ngũ nhân lực thiếu và yếu, đặc biệt ở vùng miền núi. Do đó, Quốc hội lựa chọn nội dung này để chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là rất trúng và đúng.

Phải khẳng định, đây là bài toán khó không của riêng Việt Nam. Hiện, các bạn trẻ, nhất là những người giỏi, người có trình độ, tay nghề cao thường ưu tiên lựa chọn nơi nào có điều kiện kinh tế tốt, có điều kiện phát triển nghề nghiệp. Do đó, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa sẽ khó thu hút họ. Tôi rất mong tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như đại diện Chính phủ sẽ có được giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Theo tôi, trước mắt, Nhà nước có thể giao trách nhiệm cho các tập đoàn lớn cùng tham gia phát triển nhân lực cho vùng miền núi, coi đó như phần đóng góp của họ cho Nhà nước. Còn về lâu dài, phát triển, đào tạo đội ngũ nhân lực trực tiếp tại miền núi, vùng sâu, vùng xa là lý tưởng nhất, nhưng phải có cơ chế để khuyến khích họ.

Ông ĐINH HỮU THẠNH, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics):
Phân định rõ thẩm quyền thanh tra chuyên ngành

Hoạt động thanh tra là biện pháp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật - nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước. Thời gian qua, triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, Thanh tra Chính phủ đánh giá đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên quan đến các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đồng tình với đánh giá này.

Tuy nhiên, còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập trong hoạt động thanh tra có liên quan đến doanh nghiệp. Thời gian các cuộc thanh tra thường kéo dài do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra còn trùng lặp, làm phát sinh các chi phí trong các hoạt động thanh tra.

Số liệu điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2021 cho thấy, 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết trong thực tế có tiếp các đoàn thanh tra. Trong số đó, 20% cho biết phải trả các chi phí không chính thức, 14% doanh nghiệp cho rằng vẫn bị gây phiền hà, 10% cho biết phải tiếp đón đoàn thanh tra nhiều hơn 3 lần/năm.

Từ thực tế đó, chúng tôi rất mong phiên chất vấn lần này sẽ làm rõ hơn những vấn đề tồn động trong lĩnh vực thanh tra, chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể để hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp đạt hiệu quả thiết thực, tránh làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần làm rõ sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ sự phân định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, tránh chồng lấn, trùng lặp.

Đ. Thanh - H. Nhung - Q. Khánh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/diem-trung-nhung-van-de-doanh-nghiep-nguoi-dan-quan-tam-i305764/