Điểm tựa cho người yếu thế

Không phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì người ta mới nhận ra tầm quan trọng cũng như sự thiếu hụt nhân lực của ngành công tác xã hội. Nhưng vào thời điểm đại dịch lan rộng với số người yếu thế cần được trợ giúp tăng vọt, hình ảnh các nhân viên công tác xã hội tận tụy, kịp thời 'đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng' thêm một lần nữa khẳng định, chỉ khi đội ngũ này được bổ sung đầy đủ thì công tác an sinh xã hội mới được đảm bảo.

Trong hoàn cảnh đó, có thể ví, công tác xã hội như chiếc “phao cứu sinh”. Và, trong nhiều năm tới, nạn nhân của đại dịch vẫn tiếp tục cần đến sự trợ giúp của những người làm công tác xã hội.

Khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già, những người theo nghề công tác xã hội cũng sẽ… khó mà thất nghiệp. Theo dự báo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2036. Là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, điều này khiến nước ta đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu” do hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, thu nhập trung bình thấp. Chính khi đó, nghề công tác xã hội với sứ mệnh giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến đời sống con người, chăm sóc, hỗ trợ những người kém may mắn, hoàn cảnh đặc biệt, không có khả năng tự chăm sóc bản thân sẽ là nghề “hot”.

Tại Gia Lai, công tác xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức khi toàn tỉnh hiện có hơn 38.800 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, phần lớn là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người bị bệnh tâm thần, người khuyết tật nặng không còn khả năng lao động. Theo đánh giá, các cơ sở trợ giúp xã hội tuy ngày càng được củng cố, kiện toàn nhưng cơ sở vật chất, trang-thiết bị còn thiếu; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội còn hạn chế, số được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, sự chênh lệch về mức sống giữa vùng nông thôn, thành thị; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, học đường; tình trạng ly hôn, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng gia tăng... đang là những khó khăn, thách thức đối với công tác xã hội trong thời gian tới.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25-3-2010 phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 185 người được đào tạo trình độ sơ cấp nghề công tác xã hội, 48 người trình độ trung cấp và 72 người trình độ đại học. Nguồn nhân lực này hiện công tác tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn.

Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1840/KH-UBND về thực hiện chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 đạt 50% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Trong đó, ít nhất 1-2 nhân sự thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội với mức phụ cấp hàng tháng tối thiểu bằng mức lương cơ bản do Chính phủ quy định. Đồng thời, có ít nhất 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội; tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục… trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so với năm 2020.

Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội, được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.

Tầm quan trọng của nghề công tác xã hội đã được khẳng định. Tuy nhiên, trên thực tế, nghề này chưa được nhiều người lựa chọn do đặc thù công việc nhiều áp lực, khó khăn, đòi hỏi chuyên môn vững vàng, sự kiên nhẫn và tình thương rất lớn dành cho các đối tượng yếu thế. Tuyên truyền, giáo dục về giá trị cao quý, nhân văn, cấp thiết của nghề là điều quan trọng trước mắt, giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác này. Đây cũng là giải pháp góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, nhân văn.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/diem-tua-cho-nguoi-yeu-the-post243540.html