'Điểm tựa' của bà con thôn Yên Phú
Tròn 10 năm được công nhận là người có uy tín, cụ Nguyễn Văn Lê (thôn Yên Phú, xã Yên Quang, huyện Nho Quan) đã phát huy vai trò cầu nối, cánh tay nối dài giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cụ được ví như 'điểm tựa' của đồng bào người Mường nơi đây.
Cụ Lê gây ấn tượng với người đối diện ngay từ lần đầu gặp bởi dáng vẻ khỏe khoắn, nhanh nhẹn, phong thái hào sảng, dễ mến. Ở tuổi ngoài 80, cụ vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, từng đảm nhận nhiều vị trí như Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi. Nhiệt tình, hết lòng với công việc, cụ được Cấp ủy, Chính quyền địa phương tin tưởng, dân làng tín nhiệm, yêu quý.
Hơn 60 năm trước, chàng trai miền xuôi Nguyễn Văn Lê kết hôn với cô gái người Mường ở thôn Yên Phú, xã Yên Quang. Từ đó, cụ Lê gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây, quen thuộc và hiểu rõ từng thói quen, phong tục tập quán. Cụ coi mình là người Mường và bà con trong thôn cũng coi cụ như người con của thôn làng.
Năm 2007, khi đang là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, cụ Lê thành lập đội kèn phục vụ miễn phí cho các đám hiếu của địa phương, đội kèn hiện vẫn duy trì hoạt động. "Việc thành lập đội kèn bắt nguồn từ việc trong thôn có một đám tang, gia quyến chật vật tìm đội kèn và phải trả chi phí rất cao trong khi đời sống bà con còn khó khăn, lúc tang gia bối rối có nhiều thứ phải lo lắng. Tôi đã tập hợp và vận động những người có tâm, có năng khiếu để tập luyện và phục vụ miễn phí cho các đám hiếu của thôn"-cụ Lê nhớ lại. Đội kèn thôn Yên Phú có 6 thành viên, cụ Lê là người lớn tuổi nhất. Dù làm việc miễn phí, thời gian linh động nhưng các thành viên đều sẵn sàng phục vụ với mong muốn chia sẻ phần nào nỗi tiếc thương với gia quyến người đã khuất.
Có năng khiếu văn nghệ, cụ Lê còn là hạt nhân đoàn kết, vận động bà con tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường; đồng thời chủ trì, tổ chức các lớp dạy hát chèo cho con, cháu trong thôn. Thôn Yên Phú trở thành điểm sáng của xã Yên Quang trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.
Thôn Yên Phú có hơn 200 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm hơn 90% dân số. Từ năm 2014, cụ Lê được bầu là già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn. Có sẵn uy tín và kinh nghiệm, cụ nhiệt tình, tận tâm đóng góp ý kiến, công sức cho thôn, tích cực tuyên truyền, vận động người thân và bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào của địa phương, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chị Bùi Thị Phương, Trưởng thôn Yên Phú chia sẻ: "Trong các cuộc họp, công việc lớn của thôn, cụ Lê đều tham gia nhiệt tình và có những đóng góp đúng, trúng, góp phần đưa thôn ngày càng phát triển. Đối với Ban Công tác Mặt trận thôn, cụ là già làng uy tín mà chúng tôi kính trọng và luôn tham khảo ý kiến. Việc khó mấy ở thôn, có cụ Lê tham gia đều giải quyết ổn thỏa. Cụ được Nhân dân yêu quý, tin tưởng bởi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào địa phương. Cụ rất gần gũi với bà con, thường xuyên đến các gia đình để thăm hỏi, trò chuyện, nắm bắt tâm tư tình cảm của mọi người, việc gì quan trọng, cần tư vấn, bà con nghĩ tới cụ Lê đầu tiên".
Cách đây hơn 10 năm, khi xã Yên Quang thực hiện chương trình nông thôn mới, thôn Yên Phú gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, cải tạo nhà văn hóa, kiên cố hóa kênh mương... Phát huy vai trò của người có uy tín, cụ Lê đã cùng với lãnh đạo thôn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Gia đình cụ đi đầu, tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí để làm đường giao thông, cải tạo nhà văn hóa.
Từ sự gương mẫu của cụ, Nhân dân trong thôn tích cực góp công, góp của để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, nhà văn hóa xây dựng khang trang với đầy đủ các trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của người dân. Thôn Yên Phú phấn đấu được công nhận khu dân cư kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Gần 50 năm tham gia công tác xã hội và 10 năm làm già làng, người có uy tín, đóng góp của cụ Nguyễn Văn Lê được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương ghi nhận. Cụ vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích công tác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhiệt tình, tâm huyết và gương mẫu, già làng Nguyễn Văn Lê chính là sợi dây nối dài, gắn kết cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quần chúng ở địa phương với bà con thôn Yên Phú. Đối với cụ Lê, tình cảm, sự yêu quý của bà con Nhân dân là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của cụ, khi "dân đã tin tưởng, ủng hộ thì bất kể việc khó cũng sẽ thành dễ".
Bài, ảnh: Hồng Minh
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-diem-tua-cua-ba-con-thon-yen-phu/d202409251418163.htm