Điểm tựa của con!

LTS: Với tình cảm đặc biệt, Thiếu tá QNCN Nguyễn Hương Lan, điều dưỡng viên Khoa Phẫu thuật và Điều trị theo yêu cầu (Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã viết nên những dòng cảm xúc dạt dào yêu thương dành cho bố. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu cùng bạn đọc.

Mẹ là giáo viên, bố là bộ đội, cuộc sống gia đình tôi ngày ấy khó khăn vô cùng. Mẹ là người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó. Mẹ lần lượt sinh 3 anh em chúng tôi, trong khi bố cứ xa nhà biền biệt, đến nỗi các con đều lạ lẫm, không theo mỗi khi bố được về phép thăm nhà.

Tôi may mắn hơn anh chị bởi được sinh ra khi kinh tế gia đình phần nào tạm ổn, bố cũng không phải đi chiến trường, xa nhà biền biệt cả năm như trước nữa.

Là con gái út trong gia đình có 3 anh em, sức khỏe lại không tốt, thời gian nằm viện nhiều hơn nằm nhà nên từ nhỏ, tôi được cả nhà dành cho sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Mẹ kể rằng, khi tôi lên 5 tuổi thì bị hen phế quản, phải đi cấp cứu tại bệnh viện, tưởng không qua khỏi. Bố tôi vắng nhà, một mình mẹ vừa lo việc cơ quan, bảo ban anh chị học hành, chăm sóc tôi đau ốm, nhưng mẹ tuyệt nhiên không một lời than vãn.

Mỗi khi bố về thăm nhà, không khí gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc. Mẹ giấu nhẹm mọi vất vả để bố yên tâm công tác. Dù mẹ không kể nhưng bố tôi vẫn thấu hiểu những vất vả của mẹ, thiệt thòi của các con. Từ ngày được công tác gần nhà, bố dồn mọi yêu thương cho gia đình, nhất là cho cô con gái út là tôi.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những đơn vị nơi bố từng đóng quân. Cứ đến dịp nghỉ hè, bố lại cho tôi khi thì vào Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1); lúc lại đến Trường Quân chính (nay là Trường Quân sự Quân đoàn 1); Trường Sĩ quan Lục quân 1. Cũng không biết từ khi nào, tôi thấy yêu đến lạ bộ quân phục bố mặc, thích ngắm ngôi sao trên chiếc mũ đã ngả màu thời gian của bố. Và như một thói quen, mỗi khi bố về nhà, tôi lại thích được khoác lên người chiếc áo rộng thùng thình của bố, đội lên đầu chiếc mũ vải mềm có ngôi sao 5 cánh, soi mình trong gương, ngắm nghía cả tiếng đồng hồ.

 Tác giả bài viết và bố (tháng 8-2017). Ảnh: TRUNG HIẾU

Tác giả bài viết và bố (tháng 8-2017). Ảnh: TRUNG HIẾU

Tôi thầm ước lớn lên sẽ đi theo con đường binh nghiệp của bố. Mỗi khi tâm sự với bố điều đó, bố thường bảo: "Con cố gắng học cho giỏi, có kiến thức rồi mới giúp ích được cho Quân đội". Năm 2002, với ước mơ cháy bỏng được trở thành nữ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng sự định hướng, động viên của bố, tôi quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày lên đường, mẹ ôm tôi vào lòng, dặn dò đủ thứ. Mẹ thương cô con gái út sắp phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách phía trước. Lúc đó, tôi quả quyết nói: “Mẹ hãy yên tâm! Con sẽ phấn đấu đạt thành tích không kém gì các bạn nam, không để bố mẹ phải lo lắng”.

Tôi nhập ngũ vào Trường Quân chính Quân đoàn 1, đóng quân ở thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Sau khi nhập ngũ, theo lời khuyên của bố, tôi quyết định ôn luyện và thi đỗ vào Học viện Quân y. Ngày tôi ra trường cũng là ngày bố chuyển công tác về Hà Nội. Cả nhà tôi được đoàn tụ trong căn hộ tập thể trên tầng 3 do cơ quan bố cho mượn, rộng vỏn vẹn 35m2. Bữa cơm gia đình hôm ấy thật đầm ấm, hạnh phúc.

Những ngày đầu đi làm, trong tôi tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, say mê công việc. Hôm nào tôi cũng kể chuyện cho bố nghe những việc mình đã làm được trong ngày, những niềm vui nho nhỏ của người thầy thuốc mặc áo lính, và cả những áp lực, khó khăn trong quá trình công tác. Chăm chú nghe tôi kể chuyện, bố trìu mến bảo: “Nghề y là một trong những nghề cao quý nhất. Những bộ phận khác của đồ dùng, đồ vật không sửa được, con có thể thay thế, riêng con người phải thực sự có tâm và có kiến thức mới cứu chữa được. Bố tin con gái bố sẽ làm được và làm tốt hơn mong đợi của bố”.

Khi tâm sự với bố rằng mình hay run, mất tự tin khi phát biểu trước đông người, bố bảo, khi bố được bổ nhiệm chức vụ Sư đoàn trưởng, bố mới 40 tuổi. Những ngày đầu trên cương vị mới, bố cũng hơi thiếu tự tin khi phát biểu. Để khắc phục hạn chế này, bố phải rèn nói, rèn viết, học trong sách vở, học ở đồng đội. Nhiều khi phải đóng cửa phòng để tập. Từ sự hướng dẫn của bố, tôi dần tự tin và chững chạc hơn khi phát biểu trước các cuộc họp hay hội nghị lớn, nhỏ.

Bố tôi vẫn thường bảo, bộ đội gian khổ lắm. Bố mẹ lấy nhau gần 50 năm mà thời gian bên cạnh nhau rất ít. Lăn lộn khắp các chiến trường, giờ trong đầu bố vẫn còn mảnh đạn chưa lấy ra được, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức, nhưng bố tự hào vì mình đã cống hiến một phần máu thịt cho Tổ quốc, cho Quân đội, bố tin rằng con gái của bố sẽ không phụ lòng mong mỏi của bố.

Mới đó mà đã 20 năm kể từ ngày tôi bước chân vào quân ngũ, theo định hướng của bố-Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, một người lính trận mạc, một vị tướng khoa học, say mê nghiên cứu, hết mình vì công việc. Giờ đây, ngày ngày khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, tôi luôn thầm cảm ơn bố. Bố chính là điểm tựa tinh thần, truyền cho tôi nhiệt huyết, sự lạc quan và tinh thần cống hiến.

NGUYỄN HƯƠNG LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/diem-tua-cua-con-723584