Điểm tựa của ngư dân trên tuyến biển Tây Nam

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn thực hiện tốt công tác hỗ trợ ngư dân và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, thực sự là 'điểm tựa' của ngư dân trên tuyến biển Tây Nam.

Vùng 5 Hải quân được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển, đảo Tây Nam từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc với hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ, giáp ranh với vùng biển các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Đây là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; đồng thời cũng là khu vực đánh bắt truyền thống của ngư dân nước ta. Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã luôn sát cánh, đồng hành cùng người dân, thực hiện tốt công tác hỗ trợ ngư dân và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 689 của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 11 của Đảng ủy Quân chủng Hải quân về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo, hằng năm, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Vùng 5 đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn về các biện pháp phòng tránh, ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn… sát với tình hình thực tế, nhiệm vụ của đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân kéo tàu cá Kiên Giang ra khỏi nơi mắc cạn

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân kéo tàu cá Kiên Giang ra khỏi nơi mắc cạn

Cùng với đó, Vùng 5 Hải quân cũng thường xuyên luyện tập các phương án ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn… Nhờ đó, Vùng 5 Hải quân luôn chủ động xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Ông Phạm Văn Chiến, ngư dân ở xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, thuyền trưởng tàu KG 8778 TS xúc động nhớ lại, cách đây chưa lâu, trong khi đang đánh bắt hải sản ở vùng biển Tây Nam, cách đảo Phú Quốc khoảng 5 hải lý thì bất ngờ tàu bị thủng, nước biển chảy vào khoang. Trên tàu có 7 ngư dân. Nhận được tín hiệu đề nghị hỗ trợ của ngư dân, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã điều động 1 tàu, 2 xuồng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ làm dây cứu kéo tàu cá gặp nạn. “Ngư dân chúng tôi luôn biết ơn cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã đồng hành, giúp đỡ bảo vệ tính mạng, tài sản để bà con yên tâm vươn khơi, bám biển” - ông Chiến chia sẻ.

Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, xác định phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, mỗi cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân địa phương với tinh thần “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”. Trong 10 năm trở lại đây (2014-2024), Bộ Tư lệnh Vùng 5 đã điều động trên 9.200 lượt cán bộ, chiến sĩ, 145 lượt phương tiện tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn 146 vụ; kịp thời dập cháy hơn 200 ha rừng, hàng chục nhà dân bị hỏa hoạn; cứu vớt được 43 lượt ngư dân, 55 phương tiện gặp nạn trên biển. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Chủ động, trách nhiệm trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân không chỉ góp phần quan trọng trong khắc phục hậu quả thiên tại, thảm họa; bảo đảm đời sống, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường đoàn kết quân - dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”.

Phát huy những kết quả đã đạt, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng; chủ động chuẩn bị tốt con người, phương tiện, vật chất hậu cần, kỹ thuật; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan chức năng… ứng phó hiệu quả với các sự cố, thiên tai, thảm họa, không để xảy ra mất an toàn trong mọi hoạt động. Đồng thời, thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời đề nghị cấp trên biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, góp phần cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Dinh - Văn Định (dangcongsan.vn)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161556/diem-tua-cua-ngu-dan-tren-tuyen-bien-tay-nam