Điểm tựa của người dân vùng biên

Để giúp đồng bào nơi biên giới nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, những năm qua, BĐBP Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều phong trào, hoạt động thiết thực, góp phần làm thay đổi cả về ý thức và hành vi chấp hành pháp luật của người dân, tạo ra diện mạo mới cho bản làng vùng biên nơi đây.

Đồn Biên phòng Thông Thụ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại bản Mường Piệt. Ảnh: Hải Thượng

Đồn Biên phòng Thông Thụ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại bản Mường Piệt. Ảnh: Hải Thượng

Chúng tôi có dịp được tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An tại bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Những thành viên tham gia hôm nay là phụ nữ của Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” xã Thông Thụ. Nội dung của buổi tuyên truyền là Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan. Mặc dù đang vào mùa sản xuất, nhưng chị Quang Thị Duyệt, bản Mường Piệt và các thành viên trong câu lạc bộ cũng thu xếp để tham gia đông đủ.

Theo chị Duyệt, việc được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết cho người dân là rất quan trọng, để chị em phụ nữ và bà con hiểu và chấp hành nghiêm, nếu không hiểu biết thì họ sẽ vi phạm mà không biết mình vi phạm như thế nào. Cũng qua buổi tuyên truyền của cán bộ đồn Biên phòng, chị em về nhà nói với chồng, con và các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, cùng với hoạt động tuyên truyền tập trung thông qua các hội nghị, Đồn Biên phòng Thông Thụ cũng đã cử các tổ công tác đến trực tiếp các hộ gia đình để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tham gia tuần tra đường biên, cột mốc để các thành viên của hội hiểu hơn nhiệm vụ của BĐBP, từ đó tuyên truyền đến gia đình mình. Nhờ vậy, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và giữ gìn an ninh trật tự địa bàn được nâng lên rõ rệt.

Chị Lô Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ cho biết: “Do nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ gần gũi, có nhiều nét văn hóa tương đồng, nên trước đây, có tình trạng người dân qua lại biên giới hái măng, chăn nuôi gia súc tự do mà không biết mình vi phạm pháp luật. Từ ngày Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ phối hợp với đồn Biên phòng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đã không còn người dân và chị em vi phạm hoạt động qua lại biên giới trái phép nữa”.

Đồn Biên phòng Thông Thụ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Hải Thượng

Đồn Biên phòng Thông Thụ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ tổ chức tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Hải Thượng

Ngoài việc triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, BĐBP Nghệ An cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới. Hiện nay, BĐBP Nghệ An đang tăng cường 27 cán bộ Biên phòng về các xã trên địa bàn biên giới; triển khai 579 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 2.671 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Các đảng viên Biên phòng không chỉ là cầu nối tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào nơi biên giới, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình để xóa đói giảm nghèo.

Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong nhận xét: “Các đảng viên đồn Biên phòng về phụ trách các hộ gia đình đã đến từng gia đình, giúp nhân dân nắm bắt kiến thức pháp luật và cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình để từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Năm 2012, Trung tá Hồ Xuân Tuyến được điều động về tăng cường tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Nhận nhiệm vụ ở một địa bàn còn nhiều khó khăn, anh đã tích cực tìm hiểu, nắm bắt tình hình để tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Để tuyên tuyền, vận động bà con thay đổi tư duy, tiếp thu cái hay, cái mới, Trung tá Hồ Xuân Tuyến đã tự học tiếng của đồng bào để tiện giao tiếp, đồng thời, anh trực tiếp khảo sát địa hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa bàn để vận động, định hướng cho bà con phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống của người dân từng bước thay đổi, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Cuộc sống đồng bào vùng cao biên giới đang có những đổi thay rõ rệt. Bức tranh của bản làng biên giới đang thực sự khởi sắc. Những đổi thay đó có một phần đóng góp không nhỏ của những người lính mang quân hàm xanh. Những việc làm của các anh đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Hải Thượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-cua-nguoi-dan-vung-bien-post460877.html