Điểm tựa của người lao động khu vực phi chính thức - Bài cuối: Gắn kết và sẻ chia
Cuộc sống còn nhiều khó khăn, song hầu hết các Nghiệp đoàn từ nghề truyền thống đến hiện đại bằng nhiều cách làm khác nhau đã tạo được sự gắn kết, sẻ chia, động viên cùng nhau vượt khó.
Thông qua hoạt động Nghiệp đoàn, họ không chỉ nâng cao ý thức pháp luật, thích ứng linh hoạt trước tình hình mới mà còn giúp nhau về kinh nghiệm sống; đồng thời, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Vai trò người thủ lĩnh
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, vai trò của Nghiệp đoàn không chỉ bảo vệ quyền lợi mà còn kết nối, tập hợp, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Từ thực tiễn lao động việc làm, các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên của Nghiệp đoàn được tốt hơn. Nhờ đó, tổ chức Nghiệp đoàn và Công đoàn đã, đang tạo được niềm tin; ngày càng thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Vĩnh Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 1 khẳng định, việc thành lập Nghiệp đoàn đã tạo điều kiện thuận lợi để người lao động khu vực phi chính thức trao đổi, sinh hoạt, học tập; đồng thời, nâng cao ý thức, cải thiện chất lượng cuộc sống. Qua đó, nhiều đoàn viên không chỉ tích cực trong lao động, học tập và các phong trào công nhân mà còn tham gia phòng, chống tội phạm, bắt cướp, trả lại nhiều tài sản, giấy tờ cho nạn nhân. Nhiều đoàn viên tham gia học tập chính trị; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Để làm được điều này, cùng với định hướng của tổ chức Công đoàn, người thủ lĩnh Nghiệp đoàn giữ vai trò tiên phong. “Thủ lĩnh Nghiệp đoàn phải có tiếng nói khách quan, công tâm và thật sự gần gũi với đoàn viên; biết san sẻ, hy sinh, bảo vệ cái đúng, cái hay, nhất là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; cùng chung sức, đồng lòng vì màu cờ, sắc áo, hình ảnh Nghiệp đoàn”, ông Huỳnh Vĩnh Lâm chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc vác chợ Bình Tây cho biết, 5 Tổ trưởng của Nghiệp đoàn ở 5 cổng chợ không chỉ kiểm soát, quản lý tốt hơn 60 thành viên mà còn tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong và ngoài khuôn viên chợ. “Đặc biệt, nhiều đoàn viên Nghiệp đoàn đã không ít lần bắt giữ được cướp bên trong hoặc bên ngoài chạy vào chợ. Từ những bài học chuyên môn, nhiều thành viên Nghiệp đoàn đã không ngại hiểm nguy, tích cực chữa cháy, kể cả những căn hộ bên ngoài khuôn viên…”, anh Phong chia sẻ.
Từ thực tiễn hoạt động, bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều thủ lĩnh Nghiệp đoàn đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong hoạt động, có nhiều sáng tạo trong mọi công việc; đồng thời, là cầu nối quan trọng giữa người lao động với doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn. Họ là người dẫn dắt, định hướng đoàn viên tham gia các hoạt động, sinh hoạt, thể hiện sự quyết tâm, chung sức, hoàn thành mọi công việc được giao. Nhiều người không chỉ nhiệt tình, tích cực, tâm huyết với phong trào công nhân mà còn luôn quan tâm, chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống mưu sinh của người lao động.
“Ngoài người thủ lĩnh, Nghiệp đoàn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với người lao động. Nghiệp đoàn mạnh sẽ mang lại lợi ích cho người lao động, góp phần giải quyết làm việc, nâng cao đời sống và tăng thu nhập cho đoàn viên. Đối với chủ doanh nghiệp, Nghiệp đoàn hoạt động tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển doanh nghiệp”, bà Lê Thị Kim Thúy nhấn mạnh.
Chợ Bình Tây, An Đông, ga Sài Gòn hay các bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương trước đây luôn là địa điểm nhạy cảm, phức tạp về an ninh trật tự; thường xuyên xảy ra tình trạng tranh giành, chèo kéo, hư hao hàng hóa, tài sản… Tuy nhiên, từ khi thành lập các Nghiệp đoàn đến nay, những địa điểm này đã ổn định, trật tự hơn; xuất hiện nhiều gương điển hình trong bảo vệ tài sản, nhặt của rơi, tích cực trong phong trào giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương với tinh thần “bảo vệ khách hàng chính là bảo vệ cuộc sống hàng ngày của mình”.
Giúp người lao động tự tin hơn
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã thành lập 118 Nghiệp đoàn, phát triển gần 6.000 đoàn viên; nâng tổng số thành 152 Nghiệp đoàn với hơn 7.000 đoàn viên. Các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến đoàn viên Nghiệp đoàn; vận động chăm lo, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe máy; chương trình “Phúc lợi đoàn viên”; thăm hỏi, hỗ trợ khó khăn, ốm đau; tổ chức ôn luyện nâng cao tay nghề; hỗ trợ pháp lý… Công đoàn tổ chức họp mặt, tặng quà cho hơn 5.700 đoàn viên các Nghiệp đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện đón Tết; thăm và tặng quà Tết Nghiệp đoàn với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng; tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng; phát triển đoàn viên, xây dựng Nghiệp đoàn cơ sở vững mạnh…
Trải qua thời gian COVID-19 và những tác động của kinh tế thế giới, tổ chức Công đoàn, Nghiệp đoàn đã đa dạng hóa các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, nhất là người hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Qua đó, tăng niềm tin của đoàn viên, người lao động khu vực phi chính thức vào tổ chức Công đoàn.
Nhiều năm gắn bó với các Nghiệp đoàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh khẳng định, hoạt động Nghiệp đoàn đã từng bước ổn định, định kỳ họp mặt, sinh hoạt, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tay nghề chuyên môn. Đoàn viên Nghiệp đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, giúp nhau trong nghề nghiệp, cuộc sống, đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội; tham gia các phong trào tại địa phương như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Xây dựng gia đình văn hóa…
Nhìn lại hoạt động Nghiệp đoàn, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ những kết quả khả quan trong phát triển đoàn viên, các mô hình Nghiệp đoàn. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa thật sự bao phủ hết lực lượng lao động phi chính thức theo ngành nghề; chưa theo kịp xu thế phát triển kinh tế hiện nay; chưa có chính sách quản lý bởi phần lớn lao động phi chính thức là nhập cư, trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Trong khi đó, một số Nghiệp đoàn cơ sở là đơn vị ghép; việc thu đoàn phí gặp nhiều khó khăn…
Để xây dựng Nghiệp đoàn vững mạnh, ông Nguyễn Thành Đô cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, chăm lo, động viên đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động tại các Nghiệp đoàn; quan tâm sâu sát, kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nan y; mở rộng đối tượng, cách thức và chất lượng chăm lo, hỗ trợ… “Tổ chức Công đoàn cần xác định, nơi nào có người lao động sẽ tuyên truyền, vận động để họ đến với Nghiệp đoàn và thấy được sự quan tâm, bình đẳng, giúp đoàn viên khu vực này tự tin hơn. Qua đó, khẳng định Nghiệp đoàn là điểm tựa cho người lao động khu vực phi chính thức, là nơi giúp họ ổn định công việc mưu sinh, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý…”, ông Nguyễn Thành Đô khẳng định.
Công đoàn đã và đang tổ chức nhiều chương trình tập huấn, tạo điều kiện để đoàn viên Nghiệp đoàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện nâng cao tay nghề; Tổ chức tài chính vi mô (CEP) sẽ mở nhiều gói hỗ trợ học tập nâng cao tay nghề, trợ vốn cải thiện cuộc sống…
Trước đây chỉ có vài Nghiệp đoàn, nay đã được mở rộng với đa dạng ngành nghề, thu hút đông đảo người lao động tự do gia nhập. Công đoàn Thành phố đã và đang tạo điều kiện để người lao động ở khu vực phi chính thức được chăm lo, hỗ trợ; tham gia sinh hoạt, học tập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, Thành phố hiện đại, nghĩa tình.