Điểm tựa để kích cầu

ĐBSCL đang sở hữu những điểm mạnh của du lịch miệt vườn, sông nước, biển đảo phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch sau dịch Covid-19, mở ra khả năng kết nối các tour, tuyến du lịch, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng và TP HCM.

Hàng loạt các sự kiện hội nghị, hội thảo, truyền thông quảng bá đã được tổ chức xúc tiến nhằm phục hồi du lịch. Nổi lên là vai trò của TP HCM - trung tâm du lịch quốc gia, cửa ngõ đón nhận và chuyển khách, là địa bàn đứng chân của hầu hết các thương hiệu du lịch nổi tiếng cả nước đang tăng cường liên kết với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Những ngày này, đi đâu cũng nghe bàn chuyện kích cầu du lịch, giảm giá thu hút khách. Nhưng muốn kích có lực, có hiệu quả phải chọn được điểm tựa. Du lịch là kinh tế tổng hợp, đã hình thành một chuỗi liên hoàn các dịch vụ từ lữ hành, vận tải, điểm đến, lưu trú, các sự kiện và dịch vụ ẩm thực, tham quan, vui chơi giải trí. Lợi ích của mỗi tác nhân trong chuỗi được chia sẻ và phải gắn kết với nhau. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đã trải qua thời gian giãn cách xã hội, nay cần phải tăng cường liên kết chặt mạnh mẽ và chặt chẽ hơn. Liên kết cần được xác định là điểm tựa để kích cầu hiệu quả.

Nhưng muốn kích có lực, có hiệu quả phải chọn được điểm tựa. Có điểm tựa rồi, phải cần có lực để kích cầu. Các đơn vị du lịch đã trải qua trạng thái "ngủ đông", chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Doanh nghiệp không chỉ mất nguồn thu mà còn phải gồng gánh nhiều chi phí, nay cần được trợ lực để tạo ra lực mới. Việc kích cầu du lịch, giảm giá, không giảm chất lượng và không cắt giảm dịch vụ cần được trợ lực từ nhà nước để có sản phẩm mới và làm mới sản phẩm du lịch. Ngành du lịch gặp khó trong đại dịch thì ngành khác cũng khó và túi tiền quốc gia cũng khó, nên khó mong chờ và cũng không nên hỗ trợ bằng tiền. Nhưng xem xét giảm, giãn thuế, miễn thuế, phí cho doanh nghiệp du lịch có sản phẩm mới là việc nên làm. Chương trình khuyến mại quốc gia đã được triển khai, một chương trình kích cầu du lịch bài bản, hiệu quả, có nguồn lực và khơi gợi nguồn lực trong dân cũng cần được triển khai.

Việc kích cầu du lịch cũng không chỉ bằng giảm giá mà còn nhiều phương thức kinh doanh hiện đại khác như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khuyến mại tăng dùng như mua 1 tặng 2 tour du lịch, lưu trú 2 trả tiền 1, thay vì chỉ là giảm giá đơn thuần.

Việc liên kết hiệu quả cũng giảm được chi phí, tăng kích cầu. Một người không làm nên chợ. Chuỗi giá trị du lịch không thể gói trong không gian hành chính của một tỉnh do tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao của nó. Một chương trình liên kết vùng, liên vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng "lợi thế dùng chung" và ưu thế khác biệt tạo ra sản phẩm du lịch "đặc thù, an toàn, hấp dẫn". Liên kết vùng không chỉ những hoạt động ký kết hợp tác, các cuộc phát động rầm rộ, hay chỉ là các liên kết giữa chính quyền địa phương với nhau, mà quan trọng hơn là tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân làm du lịch, tạo ra các chuỗi giá trị ngành du lịch phát triển bền vững.

TS TRẦN HỮU HIỆP

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/diem-tua-de-kich-cau-20200703221658506.htm