Điểm tựa đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp mới
Bằng cách liệt kê nhiều số liệu, trang The STAT Trade Times (Ấn Độ) nhận định Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp phát triển ở châu Á.
Mở đầu bài viết, The STAT Trade Times đánh giá Việt Nam hiện nay không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp và nền ẩm thực độc đáo. Giữa lúc các khu vực của châu Á vẫn đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.
Dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, The STAT Trade Times nêu rõ điểm sáng nổi bật của kinh tế Việt Nam là tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 ước tính tăng 8,02%, cao nhất kể từ năm 2011 và nhanh hơn nhiều nền kinh tế khác ở châu Á. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 372 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 10% so với năm trước đó.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam nổi lên là một lựa chọn phù hợp đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là về công nghệ và may mặc, nhờ sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch dẫn tới việc các công ty chuyển địa điểm sản xuất để tiếp tục và đa dạng hóa hoạt động sản xuất.
Trước hết, The STAT Trade Times cho rằng Việt Nam sở hữu lực lượng lao động trẻ. Quốc gia Đông Nam Á với 97 triệu dân đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với 70% người dưới 35 tuổi. Đây được xem là lực lượng lao động lớn cho ngành sản xuất, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Đồng thời, lợi thế chi phí sản xuất cạnh tranh của Việt Nam đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Theo hãng Statista, Việt Nam được biết đến như thị trường giá rẻ với mức lương trung bình ngành sản xuất chỉ khoảng 2,99USD/giờ, bằng một nửa so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Thời gian qua, Việt Nam đóng vai trò là nhà sản xuất công nghệ và may mặc lớn thứ hai thế giới với các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas và Samsung. The STAT Trade Times dẫn chứng rằng ngày càng nhiều công ty chuyển đến Việt Nam, trong đó điện thoại Pixel mới nhất của Google sẽ được sản xuất tại Việt Nam, còn Microsoft bắt đầu vận chuyển máy chơi game Xbox từ Thành phố Hồ Chí Minh trong năm ngoái. Nikkei Asia cho biết Apple sắp sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook tại Việt Nam lần đầu tiên. Foxconn, đối tác chuỗi cung ứng chủ chốt của Apple, đang có kế hoạch “rót” thêm 300 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất ở tỉnh Bắc Giang. Nhiều tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực điện tử và máy tính như Dell, HP, Nintendo và Lenovo cũng dự kiến xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Cùng lúc, theo The STAT Trade Times, Việt Nam có kết cấu hạ tầng vững chắc. Với vị trí chiến lược, nằm dọc bờ biển dài hơn 3.200km, Việt Nam là địa điểm vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Miền Bắc được coi như trung tâm của các ngành sản xuất nặng, dầu khí, điện tử và công nghệ cao, trong khi các ngành công nghiệp sản xuất truyền thống như may mặc và da giày được thu hút vào khu vực phía Nam. Mặt khác, Chính phủ Việt Nam đang chú trọng đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc, để xây dựng thành điểm đến du lịch hấp dẫn và đích cuối cùng là một trung tâm công nghiệp được kết nối và trang bị đầy đủ hơn.
Thêm vào đó, The STAT Trade Times khẳng định Việt Nam đã thể hiện nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại với thế giới. Thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với Liên minh châu Âu (EU), Anh và các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về mức thuế thấp hơn nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu sang các thị trường ngoài ASEAN.