Điểm tựa giúp các hộ dân miền núi thoát nghèo
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã 'đỡ đầu' giúp nhiều gia đình vượt khó vươn lên thoát nghèo; từng bước đảm bảo đời sống, kinh tế, an sinh xã hội cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Đến với các xã miền núi thuộc huyện Hương Sơn, nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo ở xã Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Giang, Sơn Hồng được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách cấp huyện. Từ nguồn vốn ít ỏi các hộ gia đình khó khăn đã mua hươu, dê, trâu bò, lợn để chăn nuôi và làm các dịch vụ khác từng bước vươn lên thoát nghèo trở thành khá giả.
Xã Sơn Lễ một địa phương thuộc vùng khó khăn huyện Hương Sơn, những hộ nghèo ở đây nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến hộ chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Vân thôn Khe Sắn xã Sơn Lễ, cách đây hai năm gia đình chị đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng để mua hươu về chăn nuôi nay đã làm được nhà mới và gây dựng cơ sở nuôi trên 12 con hươu.
Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Khe Sắn xã Sơn Lễ nói, qua thông tin từ Chi hội Phụ nữ, gia đình chị quyết định vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nuôi 2 con hươu. Đến nay, gia đình làm thêm chuồng và nhân rộng nuôi được 12 con hươu. Hiện nay, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng nhờ bán hươu con và cắt nhung hươu.
Trực tiếp chứng kiến các buổi giao dịch tại trung tâm xã các huyện miền núi, cảm nhận những khó khăn của người nông dân lam lũ là hộ nghèo trong xã đến vay vốn về phát triển kinh tế. Nhiều người đến từ rất sớm để làm các thủ tục vay vốn với sự hưng phấn niềm vui khi được tiếp cận với nguồn vốn về phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Chị Trần Thị Thanh Hoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Lễ cho biết, đến nay tổng số vốn nhân dân trên địa bàn xã vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 31 tỷ đồng với trên 500 hộ vay. Chủ yếu các hộ vay về để phát triển chăn nuôi hươu, dê, trâu, bò và làm dịch vụ kinh doanh, đa số các gia đình vay vốn đều phát huy hiệu quả, nhiều hộ gia đình nhà nghèo, khó khăn đã thoát nghèo nhờ vay vốn phát triển kinh tế.
Huyện Hương Sơn là huyện miền núi, phía bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp huyện Vũ Quang, phía Đông giáp huyện Đức Thọ, phía Tây giáp Lào. Huyện có 25 xã, thị trấn, có 35.103 hộ; trong đó, hộ nghèo 1.461 hộ, chiếm tỷ lệ 4,16%, hộ cận nghèo 1.742 hộ, chiếm tỷ lệ 4,96%. Là huyện miền núi đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, hằng năm thường chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt nên tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo đang còn nhiều.
Thực hiện công tác an sinh xã hội, từ đầu năm lại nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Sơn đã cho vay với tổng số gần 54 tỷ đồng, cho gần 15.000 lượt người vay.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh từ đó xây dựng kế hoạch phụ hợp từng bước hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh luôn ưu tiên cho các đối tượng khó khăn ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh. Đây là các địa phương mà người dân còn gặp nhiều khó khăn, hàng năm thường gặp thiên tai, bão lụt.
Từ đầu năm lại nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh cho gần 8.000 lượt người vay vốn với tổng số tiền 427 tỷ đồng. Qua khảo sát hiệu quả nguồn vốn cho vay tại các địa phương thì người dân và khách hàng vay đều phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Thức, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân đặc biệt là hộ kinh tế gia đình, góp phần hỗ trợ xây dựng nông thôn mới thuộc các huyện miền núi.
Tại các xã khó khăn thì Ngân hàng Chính sách xã hội luôn tranh thủ nguồn vốn để giải quyết việc làm cũng như các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước thay đổi diện mạo vùng nông thôn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống ở những vùng khó khăn thuộc các huyện miền núi Hà Tĩnh.
Người dân thuộc diện nghèo, cận nghèo vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình.