'Điểm tựa' khi về già
Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách của Đảng, Nhà nước, vì quyền lợi an sinh của Nhân dân. Trong đó, BHXH tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Khi đủ các điều kiện theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện không chỉ được hưởng lương hưu hằng tháng, góp phần ổn định cuộc sống khi tuổi già, mà còn được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động, người thân được nhận chế độ tử tuất khi người tham gia không may qua đời. Lương hưu hằng tháng khi về già giúp người cao tuổi có "điểm tựa” về kinh tế, ổn định cuộc sống, không bị phụ thuộc vào con cháu.
Tham gia BHXH tự nguyện, người dân được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực. Theo đó, người tham gia được hưởng lương hưu hằng tháng khi đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo quy định, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH. Mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng, thời gian đóng BHXH, nghĩa là mức đóng BHXH càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn. Không những thế, người tham gia còn được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của mình.
Là lao động tự do, trước đây, chị Bùi Thị Thanh, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) chưa biết đến BHXH tự nguyện. Thông qua hoạt động truyền thông về BHXH tại địa phương, chị đã mạnh dạn tham gia. Chị Thanh chia sẻ: Lúc đầu chưa hiểu rõ về BHXH tự nguyện tôi cũng khá băn khoăn, cân nhắc nhiều, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ, tôi nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Khi tham gia, tôi được hưởng quyền lợi, chế độ, lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với điều kiện của bản thân nên tôi thấy thuận tiện, hợp lý. Mỗi tháng, tôi dành một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện. Đổi lại khi về già, tôi yên tâm khi có lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe.
Để các chính sách BHXH tự nguyện được lan tỏa rộng khắp đến từng khu dân cư, gia đình, công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục được BHXH tỉnh đẩy mạnh bằng hình thức phong phú, thiết thực. Riêng trong tháng 9/2023, toàn tỉnh tổ chức 121 cuộc tuyên truyền theo nhóm nhỏ, gặp trực tiếp trên 1.100 người; tổ chức 35 hội nghị truyền thông với gần 1.900 người tham dự, trên 1.800 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở... Qua đó, nhận thức của người dân về BHXH tự nguyện không ngừng được cải thiện. Đồng thời, công tác chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng được ngành BHXH tỉnh thực hiện đầy đủ, an toàn; quyền lợi, chế độ, chính sách đối với người tham gia BHXH được đảm bảo, thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Theo đồng chí Nguyễn Duy Thường, Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh), đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 78.864 người tham gia BHXH bắt buộc và 12.734 người tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT không ngừng được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương, từng nhóm người tham gia. Công tác truyền thông đã trở thành cầu nối đưa thông tin, chính sách bảo hiểm đến với người dân. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn; đưa chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/307/183527/diem-tua-khi-ve-gia.htm