Điểm tựa vững chắc cho người dân, doanh nghiệp vươn lên sau bão

Cơn bão số 3 (Yagi), cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông, đã để lại những hậu quả nặng nề cho Việt Nam, đặc biệt là 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa. Sản xuất nông nghiệp, dịch vụ và du lịch chịu thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Ước tính sơ bộ, dư nợ của các TCTD bị ảnh hưởng lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, tương đương 5-7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, với gần 85.000 khách hàng chịu tác động.

Thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tuần qua, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04 về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự đồng hành của ngành Ngân hàng cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tại Chỉ thị 04, Thống đốc NHNN yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hỗ trợ tăng trưởng và ổn định thị trường. Các đơn vị thuộc NHNN được giao nhiệm vụ đánh giá tác động của bão, đề xuất các giải pháp về tiền tệ, tín dụng phù hợp, hiệu quả hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn. Đồng thời tham mưu Thống đốc chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, và xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Trong đó, Chỉ thị nhấn mạnh các đơn vị trên khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phân loại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro và ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cùng với việc xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đối với các TCTD, NHNN yêu cầu khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão để triển khai kịp thời với trách nhiệm cao nhất, khẩn trương nhất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.

Các TCTD có nhiệm vụ xây dựng các chương trình, các gói tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới theo quy định hiện hành trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ phiền hà, khẩn trương xét duyệt cho vay mới và tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người vay nhất là vấn đề tài sản bảo đảm, hạn mức tín dụng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh sau bão. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn của TCTD, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Trên thực tế, ngay sau bão các ngân hàng nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ. Hầu hết các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới dựa trên mức độ thiệt hại của khách hàng. Song song với đó, xây dựng gói tín dụng lãi suất ưu đãi với quy mô lớn. Và các ngân hàng cam kết hy sinh lợi nhuận, tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi vay, tiếp tục triển khai thêm các gói ưu đãi khác để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn sau mùa bão lũ, sớm ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành, chia sẻ của ngành Ngân hàng với người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Có thể nói, ngành Ngân hàng đang rất khẩn trương dành mọi cơ chế, nguồn lực với các giải pháp toàn diện để sớm vực dậy người dân, doanh nghiệp sau bão. Tuy nhiên để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế, nếu chỉ riêng ngành Ngân hàng vào cuộc quyết liệt là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ đồng bộ của các chính sách khác.

Để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng nhấn mạnh cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân... Đồng thời, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản;...

Với sự đồng hành của ngành Ngân hàng và các giải pháp hỗ trợ toàn diện cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp vùng bão lũ sớm vượt qua khó khăn. Những “điểm tựa” này sẽ giúp họ vững vàng hơn trên con đường phục hồi và phát triển, từng bước xây dựng lại cuộc sống và khôi phục sản xuất kinh doanh.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-tua-vung-chac-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-vuon-len-sau-bao-156146.html