Từ tình yêu đậu phộng Đức Hòa đến nhà khoa học của nhà nông
Chúng tôi đến nhà chú Võ Văn Út (SN 1961, ngụ ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) khi chú vừa xong buổi cày sáng. Chú mở cửa, khéo léo lái chiếc máy xới vào một góc. Thím út kể, lâu lâu lại thấy chú mua đồ về rồi cặm cụi cả buổi, bởi vậy cái kho ngày càng chật chội. Với chú, những chiếc máy kia là kế sinh nhai, là niềm đam mê, là tình thương với cây đậu phộng và người dân xứ này.
Không thương sao được khi nhờ đậu phộng mà ba mẹ chú nuôi 12 người con khôn lớn, chú được ăn học thành tài. Lúc học sư phạm ở Tân An, có khi chú ăn đậu phộng nhiều hơn ăn cơm, có khi đi học phải quảy theo một bao đậu phộng bán lấy tiền đóng học phí. Không nhờ cây đậu phộng có lẽ con đường trở thành thầy giáo dạy lịch sử của chú đã rất gian nan.
Tuy nhiên, dạy học được 7 năm, sức khỏe ba mẹ yếu dần do lớn tuổi, việc đồng áng lại "đăng đăng đê đê" nên chú quyết định rời bục giảng, trở về trồng đậu để tiện chăm sóc song thân. Ba của chú Út cũng là nông dân nhưng tư tưởng tiến bộ, quyết cho con học hành đàng hoàng. Ông cũng có nhiều sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, sau khi đoạt nhiều giải thưởng cho những sáng tạo của mình, chú Út khiêm tốn nói “chắc tui hưởng gen của ba”.
Dành nhiều thời gian cho việc đồng áng, chú Út nhìn thấy những khó khăn trong nghề trồng đậu phộng. Ngày nay, diện tích đậu phộng của địa phương ngày càng giảm, không phải dân Đức Hòa không "thủy chung" mà do chi phí sản xuất cao, lại thiếu nhân công nên buộc lòng phải chuyển sang cây trồng khác. Chú ước tính, nhổ một 1ha đậu phộng cần 30 công làm từ sáng tới tối, nông dân tốn trên dưới 12 triệu đồng. Hiện nay, công cán phải đặt trước nhưng cũng “hên xui” vì người dân đa số làm công nhân để có thu nhập ổn định hơn.
Từ thực trạng ấy, chú Út quyết tâm gỡ khó, giúp người dân giảm chi phí sản xuất để quay lại với cây đậu phộng. Trong một lần đi cùng Trung tâm Khuyến nông huyện Đức Hòa tham quan mô hình kinh tế mới, chú thích thú với các loại máy nông nghiệp. Về nhà, chú mua đồ nghề, vật tư rồi mày mò nghiên cứu. Sau nhiều lần thất bại, chú sáng tạo thành công nhiều loại máy như máy trỉa đậu, máy gieo bắp, máy gieo mè,... Thấy chú học một đằng, thành công một nẻo, nhiều người trêu “ông Út chọn sai nghề”.
Nhưng bấy nhiêu chưa làm chú Út hài lòng bởi chú biết sản xuất đậu phộng có nhiều khâu, càng ứng dụng máy móc thì người dân càng tiết kiệm nhiều chi phí. Chú tận dụng 1 hộp số dàn xới cũ, 2 bộ nhông xe tải cũ, 2 lưỡi cày tự chế, 2 sợi dây sên tải lúa của máy gặt đập liên hợp cũ. Khi vận hành 2 lưỡi cày sẽ đẩy gốc đậu nhô lên trên, sau đó thông qua hệ thống nhông xích kẹp nhổ đậu lên và xếp dãy đều trên luống theo ý muốn. Ngoài ra, hệ thống có thể điều chỉnh độ sâu cạn của lưỡi cày, tùy theo thiết kế luống trồng đậu ban đầu.
Với cách làm này, chỉ 3 giờ là chú nhổ xong 1ha đậu, giá 2,5-3 triệu đồng, tiết kiệm cho nông dân khoảng 10 triệu đồng so với nhổ thủ công. Chú nói giá này là người dân tự thêm cho chú, ban đầu chú lấy có 1,8 triệu đồng. Chú phải trồng 4 mùa đậu phộng để thử nghiệm trước khi hoàn thiện sản phẩm.
Với giải pháp này, chú Võ Văn Út được trao giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” lần 8, năm 2024, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Chú là 1 trong 56 cá nhân được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần 5 năm 2024.
Hiện tại, ngoài việc dùng các loại máy mà mình sáng tạo phục vụ người dân trong vùng, chú còn trồng lúa, cây kiểng và nuôi bò. Chú đang nghiên cứu loại máy vừa nhổ đậu, vừa lặt đậu để quy trình làm ra hạt đậu phộng được khép kín, giảm tối đa chi phí cho nông dân. Chú hy vọng những việc mình làm sẽ tiếp sức để người dân "mặn mà" với nghề trồng đậu phộng của Đức Hòa./.