Điểm tuần: iPhone 17 Pro nâng cấp lớn, Huawei dẫn đầu làn sóng AI tại Trung Quốc

Những thông tin công nghệ nổi bật tuần qua gồm iPhone 17 Pro nâng cấp lớn, Huawei dẫn đầu làn sóng AI tại Trung Quốc, Nokia tìm đối tác mới để hồi sinh mảng điện thoại...

iPhone 17 Pro và 17 Pro Max: Camera ngang, màn hình mới, màu cam cá tính

iPhone 17 Pro và 17 Pro Max được cho là sẽ có nhiều nâng cấp đáng chú ý. Màn hình mới có lớp phủ chống trầy và chống phản chiếu giúp hiển thị tốt hơn ngoài trời. Thiết kế camera sau chuyển sang dạng ngang, cả ba ống kính đều có độ phân giải 48MP, camera selfie nâng lên 24MP và hỗ trợ quay video đồng thời trước sau.

Bốn tùy chọn màu sắc của iPhone 17 Pro và 17 Pro Max: Trắng, Cam, Xanh Navy và Đen (Ảnh: 9to5Mac).

Máy có thể có thêm màu cam mới và chuyển từ khung titanium sang khung nhôm để giảm trọng lượng. Cấu hình cũng được nâng cấp với RAM 12GB, chip A19 Pro, hỗ trợ quay video 8K và hệ thống làm mát buồng hơi.
Màn hình giữ nguyên kích thước, nhưng Dynamic Island có thể được thu gọn. iPhone 17 tiêu chuẩn sẽ tăng kích thước lên ngang bản Pro. Dự kiến, iPhone 17 sẽ ra mắt vào khoảng ngày 8 đến 10/9, nhưng bản giá rẻ iPhone 17e có thể bị lùi đến đầu năm 2026.

Chrome iOS tách biệt dữ liệu cá nhân và công việc

Google vừa cập nhật ứng dụng Chrome trên iPhone và iPad, mang đến tính năng chuyển đổi tài khoản dễ dàng hơn cho người dùng doanh nghiệp sử dụng Chrome Enterprise. Tính năng mới cho phép chuyển đổi linh hoạt giữa tài khoản cá nhân và tài khoản công việc, đồng thời tách biệt hoàn toàn dữ liệu duyệt web như lịch sử, mật khẩu và tab giữa hai tài khoản. Điều này giúp bảo đảm quyền riêng tư và tính bảo mật trong môi trường làm việc BYOD (sử dụng thiết bị cá nhân cho công việc).

Giao diện chuyển đổi tài khoản mới trên Chrome iOS (Nguồn: Google).

Google cho biết người dùng sẽ nhận được cảnh báo rõ ràng khi đăng nhập hoặc chuyển sang tài khoản công việc, bao gồm cả thông tin về môi trường quản lý thiết bị. Tuy nhiên, tính năng này chỉ áp dụng cho tài khoản do doanh nghiệp quản lý và không hỗ trợ chuyển đổi giữa hai tài khoản Google cá nhân.

Ngoài ra, Google cũng tăng cường tính năng quản trị cho Chrome Enterprise trên iOS. Các sự kiện bảo mật có thể được báo cáo về bảng điều khiển quản trị Google Admin hoặc hệ thống nhật ký Chrome. Bên cạnh đó, tính năng lọc URL cũng sẽ sớm được triển khai, giúp doanh nghiệp kiểm soát việc truy cập vào các trang web không được phê duyệt.

iPhone gập của Apple có thể dùng công nghệ màn hình từ đối thủ

Apple được cho là đang tiến gần hơn tới việc ra mắt mẫu iPhone màn hình gập đầu tiên, dự kiến có thể sản xuất hàng loạt vào năm 2026. Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo, Apple nhiều khả năng sẽ hợp tác với Samsung Display để cung cấp tấm nền màn hình không nếp gấp - yếu tố quan trọng để tạo khác biệt với các dòng máy gập hiện tại.

Tin đồn về việc Apple hợp tác với Samsung Display đã xuất hiện từ tháng 4 năm nay (Ảnh: EverythingApplePro).

Tuy nhiên, việc bắt tay với đối thủ trực tiếp là Samsung khiến nhiều chuyên gia lo ngại về rủi ro chiến lược. Bên cạnh đó, mức giá dự kiến từ 2.100-2.300 USD (khoảng 53-58 triệu đồng) cũng là rào cản lớn với người dùng.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, Apple được kỳ vọng sẽ mang đến một sản phẩm iPhone gập thiết kế tinh tế, hiệu năng mạnh mẽ, mở đường bước chân vào thị trường smartphone gập vốn đang cạnh tranh khốc liệt.

Nokia tìm đối tác mới để hồi sinh mảng điện thoại

HMD Global đang dần kết thúc mối quan hệ hợp tác với Nokia, khi các mẫu điện thoại Nokia đã bị gỡ khỏi trang web của HMD và được thay thế bằng sản phẩm mang thương hiệu riêng. Tuy nhiên, Nokia vẫn để ngỏ khả năng trở lại thị trường smartphone thông qua việc tìm kiếm đối tác mới để nhượng quyền thương hiệu.

Nokia đăng tuyển đối tác sản xuất smartphone trên Reddit (Ảnh: Reddit).

Dù từng nhượng quyền cho nhiều lĩnh vực như TV, tai nghe hay laptop, các thỏa thuận này phần lớn đã kết thúc. Về phía HMD, công ty cũng gặp khó khăn và vừa thu hẹp hoạt động tại thị trường Mỹ.

Hiện Nokia vẫn hoạt động ổn định trong mảng thiết bị mạng và viễn thông - lĩnh vực chủ lực của hãng. Tương lai của thương hiệu điện thoại Nokia vẫn chưa rõ ràng, tùy thuộc vào việc liệu hãng có tìm được đối tác phù hợp để tiếp tục phát triển di sản của mình.

Công cụ AI hỗ trợ thăm khám và chăm sóc 42.000 bệnh nhân

Cedars-Sinai Medical Network đã triển khai nền tảng CS Connect ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe 24/7 cho hơn 42.000 bệnh nhân. Nền tảng này giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm gánh nặng hành chính cho bác sĩ và nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao.

Công cụ AI của Cedars-Sinai cung cấp dịch vụ chăm sóc 24/7 cho 42.000 bệnh nhân.

CS Connect sử dụng AI để tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân, phân tích triệu chứng và đề xuất phương án điều trị. Các bác sĩ sẽ xem xét, xác nhận hoặc điều chỉnh kế hoạch này. Một nghiên cứu của Cedars-Sinai cho thấy 77% đề xuất điều trị của AI được đánh giá là tối ưu, cao hơn so với 67% của bác sĩ trong các ca tương tự, đặc biệt ở các bệnh lý như nhiễm trùng tiết niệu tái phát.

Dù còn một số hạn chế, Cedars-Sinai đang tiếp tục mở rộng hệ thống CS Connect, bao gồm theo dõi bệnh nhân từ xa và kết nối giữa khám cấp cứu trực tiếp với dịch vụ ảo, nhằm tối ưu hóa việc quản lý các bệnh mãn tính và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Huawei chuyển mình thành "ông lớn" AI Trung Quốc

Huawei, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, đang nổi lên như một "người khổng lồ AI" của Trung Quốc, không chỉ là đối trọng với Nvidia mà còn tiên phong trong việc thương mại hóa AI trong các ngành công nghiệp. Từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen và bị cắt đứt nguồn cung chip từ các đối tác như TSMC, Huawei vẫn đạt được bước tiến lớn nhờ phát triển chip AI Ascend, hệ thống CloudMatrix và phần mềm thay thế CUDA.

Từ công ty viễn thông nhỏ, Huawei vươn lên trở thành người khổng lồ AI của Trung Quốc.

Huawei trở thành biểu tượng công nghệ và trụ cột cho chiến lược AI quốc gia. Công ty xây dựng toàn bộ hệ sinh thái AI xoay quanh chip Ascend, từ phần cứng, trung tâm dữ liệu, đến các mô hình ngôn ngữ lớn như Pangu - được thiết kế riêng cho từng lĩnh vực như y tế, công nghiệp và tài chính. Huawei cũng triển khai AI vào thực tiễn, ví dụ như xe tải tự hành trong ngành khai thác than, kết hợp với 5G và điện toán đám mây.

Bên cạnh việc mã nguồn mở mô hình Pangu, Huawei đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt tại các quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường". Dù còn nhiều thách thức kỹ thuật và rào cản phát triển phần mềm, các chuyên gia cho rằng trong 5-10 năm tới, Huawei có thể tạo dựng vị thế đáng kể trong lĩnh vực AI toàn cầu, giống như cách họ từng làm với công nghệ viễn thông.

Khánh Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/diem-tuan-iphone-17-pro-nang-cap-lon-huawei-dan-dau-lan-song-ai-tai-trung-quoc-192250726151558322.htm