Điểm vỡ vô hình
Kể cả khi phải ngụp lặn dưới đáy cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đầu thập niên này, nền kinh tế Hy Lạp cũng chưa từng bộc lộ những dấu hiệu đáng lo ngại như hiện tại. Bởi vậy, sự 'ốm yếu' đó sẽ không chỉ là một chỉ dấu chứng minh xu hướng giảm mạnh của các tiến trình phát triển kinh tế trong quý 2 và quý 3 năm 2020 tại Liên minh châu Âu (EU), mà còn là tiếng chuông cảnh báo gay gắt về những căn bệnh trầm kha chưa bao giờ được giải quyết triệt để.
Chưa phải điều tồi tệ nhất
Quả vậy, nhưng cũng hoàn toàn chẳng có gì tươi sáng, nếu không muốn nói là ngược lại.
Ngày 3-9, Cơ quan Thống kê Hy Lạp (ELSTAT) công bố những số liệu mới nhất. Theo đó, nền kinh tế dưới chân đỉnh Olympus đã giảm 14% trong quý 2 so với quý 1 - mức suy giảm hằng quý cao nhất suốt 25 năm qua, đe dọa san bằng những thành tựu mong manh vừa mới xuất hiện sau cả một thập niên gắng gỏi “thắt lưng buộc bụng”. “Xứ sở các vị thần”, một lần nữa, nhìn thấy vực thẳm ở không xa trước mắt.
Đó vẫn chưa phải là mức suy giảm kinh tế kinh khủng nhất ở cựu lục địa, nếu so với rất nhiều quốc gia khác đã, đang và sẽ còn bị tàn phá bởi đại dịch suy hô hấp toàn cầu COVID-19. Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo nên những nỗi bất an trầm trọng. Nếu còn tiếp tục lao dốc, nền kinh tế này sẽ không thể tránh khỏi vũng lầy khủng hoảng.
ELSTAT chỉ ra: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp bị triệt tiêu tới 25% quy mô trong quãng thời gian 2010-2018. Thế nhưng, trong giai đoạn ấy, tỷ lệ sụt giảm kinh tế tồi tệ nhất trong quý 1-2009 vẫn ở mức tương đối khi so với quý 2 vừa qua khi chỉ giảm 4,7%.
Như để làm rõ hơn những nguy cơ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: Tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Hy Lạp sẽ còn giảm tới 10% trong năm 2020 do tác động xấu của đại dịch COVID-19, trước khi có cơ hội phục hồi tăng trưởng lên 5,5% trong năm 2021 (nếu tình hình chung của kinh tế thế giới được cải thiện nhờ hoàn thành các nghiên cứu bào chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2). Và Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cũng dự báo: Nền kinh tế nước này sẽ giảm tăng trưởng 5,8% trong năm nay.
Tất cả viễn cảnh u tối này thậm chí còn có thể mù mịt hơn nữa nếu Hy Lạp không quyết định mạo hiểm, mở cửa lại các địa điểm phục vụ du lịch, văn hóa, giải trí - nguồn thu chính của đất nước - từ ngày 15-6-2020.
Gánh nặng từ quá khứ
Nợ nần có thể hủy diệt cuộc đời một con người. Cũng vậy, ở một quy mô phóng đại, nợ nần thậm chí còn có thể tước đi phẩm giá của cả một quốc gia.
Giới quan sát quốc tế còn chưa thể quên, những năm 2012-2014, trên đường phố Athens tiêu điều trong cơn khủng hoảng nợ công, liên tục xuất hiện các cuộc biểu tình cùng các biểu ngữ đầy tính phản kháng của người dân Hy Lạp dành cho EU. Thủ tướng đương nhiệm khi ấy - Alexis Tsipras, một chính trị gia dân túy điển hình - gieo vào đầu họ những suy nghĩ viển vông rằng mọi chuyện đều sẽ ổn, nhằm đổi lấy những lá phiếu.
Cho nên, họ xuống đường để phản đối các yêu cầu của EU đòi hỏi Hy Lạp thực hiện các biện pháp khắc khổ. Họ đòi duy trì mức sinh hoạt rất cao trước khủng hoảng. Và, họ căng những tấm biếm họa hay những biểu ngữ mà ở đó, Thủ tướng Angela Merkel của nước Đức - nền kinh tế điểm tựa của cả châu Âu, cũng là quốc gia giàu tiềm lực tài chính nhất để có thể quyết định việc có cho Hy Lạp cơ hội nhận các gói cứu trợ không - bị chỉ trích là “cư xử như một thứ chủ nợ đích thực” hoặc cực đoan hơn, bị vẽ thêm hàng ria mép không thể nhầm lẫn của trùm Quốc xã Adolf Hitler.
Tất cả những điều đó nhanh chóng trở thành vô nghĩa. Hy Lạp, để được nhận 3 gói cứu trợ “sinh tử” nhằm tránh cảnh vỡ nợ, buộc phải cam kết siết chặt chi tiêu công, theo những điều khoản hà khắc, trái ngược với những gì Alexis Tsipras từng hứa hẹn. Không vỡ nợ nhưng Hy Lạp vẫn đang là một con nợ, với tỷ lệ thất nghiệp cũng như đói nghèo tăng vọt (mà lại không thể triển khai các gói hỗ trợ xã hội).
Năm ngoái, 2019, Tsipras xuống đài, nhường chỗ cho tân Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis. “Tân quan tân chính sách”, nhà lãnh đạo mới cố gắng thuyết phục các chủ nợ nới lỏng những mục tiêu tài khóa, để có thể theo đà đó “cởi trói” bớt cho nền kinh tế bằng cách giảm nhẹ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.
Nhưng, các chủ nợ - tiêu biểu là Euro Group (Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu) kiên quyết nói: “Không!”. Họ khẳng định: “Cam kết là cam kết, nếu phá vỡ các cam kết, điều đầu tiên mất đi là sự tín nhiệm. Điều đó sẽ gây ra sự thiếu hụt lòng tin cũng như các nguồn đầu tư”.
Euro Group cũng chỉ ra cho thủ tướng Hy Lạp mới đắc cử Mitsotakis thấy: Nợ công của Hy Lạp trong năm 2018 là 335 tỷ euro, nghĩa là 180% GDP. Khối nợ công khổng lồ đó sẽ rất khó được bảo đảm thanh toán nếu không tiếp tục duy trì được cam kết đạt thặng dư ngân sách ở mức 3,5% GDP trong mỗi năm cho đến năm 2022 và 2,2% GDP đến năm 2060.
Cam kết như vậy, Athens mới nhận được các gói cứu trợ. Cam kết như vậy nên ở bậc thềm của năm 2020, ngày 24-12-2019, Cơ quan Quản lý nợ công Hy Lạp vẫn dự kiến phải xin vay thêm từ 4-8 tỷ euro trong năm 2020 để phục vụ các nhu cầu phát triển.
Đó là thời điểm tất cả vẫn còn tràn đầy tươi sáng, khi nền kinh tế ấy đạt được mức tăng trưởng 2% trong năm 2019 và sẵn sàng hướng tới mục tiêu 2,8% cùng thặng dư ngân sách đạt 3,6% GDP trong năm 2020.
Nhưng rồi, COVID-19 ập đến.
Bộ Tài chính Hy Lạp dự báo, vào đầu tháng 5-2020: kinh tế Hy Lạp sẽ suy giảm khoảng 4,7% trong năm nay. Con số ấy thấp hơn các dự báo của IMF hay Ngân hàng Trung ương Quốc gia nhưng bù lại, tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 20%.
Những vết rạn
Đó là những vấn đề nội tại của riêng Hy Lạp nhưng cũng có thể là những vấn đề sẽ tạo thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo EU, trong tình hình mới.
Không chỉ mình Hy Lạp, cả nền kinh tế cựu lục địa cũng đang phải vật vã chống đỡ với sự tê liệt mà đại dịch COVID-19 tạo nên. Vì thế, nếu Hy Lạp không chống đỡ nổi, những vấn đề từng được đặt ra cách đây gần 10 năm cũng hoàn toàn có thể quay trở lại, với tính chất trầm trọng hơn.
Hỗ trợ một thành viên trong khối luôn là điều cần thiết nhưng hỗ trợ như thế nào để bảo toàn được tính đồng thuận và sự gắn kết từ các thành viên còn lại mới thực sự là nan giải. Trong chu kỳ suy thoái kinh tế trước, việc giúp đỡ những trường hợp như Hy Lạp cũng chính là nguyên nhân đáng kể dẫn đến việc phần đông dư luận người Anh nhất trí với tiến trình Brexit, khi cho rằng phần trách nhiệm mà nước Anh phải cáng đáng là quá lớn.
Phân bổ các phần trách nhiệm cũng như nguồn tài chính cho việc hỗ trợ các nền kinh tế lụn bại bởi COVID-19 (đặc biệt là một nền kinh tế vẫn còn đang bị bao vây bởi nợ nần như Hy Lạp) đã là chuyện phức tạp, song EU - với những giá trị châu Âu cổ điển luôn được đề cao - lại cũng không thể quá “riết róng” mà bỏ qua chuyện số lượng những người dân Hy Lạp bị bần cùng hóa ngày một gia tăng. Sự chênh lệch về thu nhập cũng như hố ngăn cách giàu nghèo giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác là những phương trình mà bất cứ lực lượng chính trị nào cũng phải cố gắng tìm cách cân bằng, nhằm xoa dịu tâm trạng xã hội cũng như bảo đảm một tình thế ổn định tối thiểu.
Và hơn cả, kể từ lúc nước Anh thông báo rằng họ có ý định “ra ở riêng” đến hiện tại, khi hàng loạt quốc gia “giàu có” tiếp tục đòi hỏi EU kiểm soát chặt chẽ các gói cứu trợ tài chính, nhằm buộc các quốc gia được nhận hỗ trợ phải chi tiêu “có trách nhiệm” với tiền bạc của họ, câu hỏi về tiến trình cải tổ phương thức vận hành của EU vẫn chưa có lời giải trọn vẹn.
Hy Lạp hay bất cứ quốc gia nào khác vẫn có thể vỡ nợ, vẫn có thể bị buộc từ bỏ tư cách thành viên EU. Hoặc, ở chiều ngược lại, vẫn có nguy cơ những “Brexit mới” có thể diễn ra. Tất cả đều có khả năng làm phương hại đến một giấc mơ: Giấc mơ thế giới đa cực mà EU là một trong những cực đó.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/diem-vo-vo-hinh-611492/