Điểm xét tốt nghiệp THPT 2024 được tính như thế nào?
Để đỗ tốt nghiệp THPT, thí sinh phải có tổng điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên và không có môn nào xét tốt nghiệp thấp hơn hoặc bằng 01 điểm.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT 2024
Nhiều phụ huynh và thí sinh mong chờ điểm thi tốt nghiệp THPT mà quên mất điều kiện để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phải có “điểm xét tốt nghiệp THPT”.
Điểm xét tốt nghiệp THPT là tổng điểm của những bài thi cộng lại, có cộng thêm điểm khuyến khích, ưu tiên, điểm nghề và được làm tròn 2 chữ số thập phân.
Điểm xét tốt nghiệp không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà còn căn cứ trên kết quả học tập của lớp 12.
Tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm Thông tư 15/2020/TT-BHDĐT, Bộ Giáo dục đã có quy định giải đáp về thắc mắc bao nhiêu điểm đỗ tốt nghiệp THPT. Cụ thể, Điều 42 Quy chế thi tốt nghiệp quy định, thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT khi:
- Đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi;
- Tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10;
- Có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên.
Như vậy, để đỗ tốt nghiệp THPT, thí sinh phải có tổng điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên và không có môn nào xét tốt nghiệp thấp hơn hoặc bằng 01 điểm.
Khi đã biết bao nhiêu điểm thì đỗ tốt nghiệp THPT, trong giai đoạn chờ công bố điểm chính thức, thí sinh có thể tính trước điểm xét tốt nghiệp của mình để có sự so sánh, ước chừng xem mình có đỗ tốt nghiệp hay không.
Cụ thể, đối với học sinh THPT, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính theo công thức sau:
ĐXTN = {(Tổng điểm 4 bài thi tốt nghiệp THPT + tổng điểm khuyến khích)/4 x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên.
Trong đó:
– Tổng điểm 4 bài thi bao gồm: Toán + Văn + Anh + điểm trung bình của bài thi tổ hợp;
– Điểm trung bình cả năm lớp 12: Được tính bằng công thức (ĐTB kỳ 1 + ĐTB kỳ 2×2)/3
– Điểm ưu tiên gồm: Điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực.
Với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, công thức tính ĐXTN như sau:
ĐXTN = {(Tổng điểm 3 bài thi tốt nghiệp THPT/3 + tổng điểm khuyến khích/4) x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên.
Trong đó, tổng điểm 3 bài thi: Toán + Văn + điểm trung bình của bài thi tổ hợp.
Trong đó điểm khuyến khích là điểm thưởng dành cho các giải thưởng học sinh giỏi các môn văn hóa, các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Khung điểm điểm khuyến khích tối thiểu là 1 và tối đa là 2.
Đối với học sinh giáo dục thường xuyên, điểm khuyến khích tối thiểu là 1 và tối đa là 4 dành cho thí sinh có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Điểm ưu tiên áp dụng với các đối tượng chính sách như thương bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số, người ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, xã hải đảo, biên giới, người nhiễm chất độc hóa học.
Mức điểm ưu tiên từ 0,25 đến 0,5 điểm. Trong trường hợp thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không có điểm trung bình cả năm lớp 12 theo quy định chỉ dùng điểm thi của các bài thi tốt nghiệp THPT để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp.
Nếu trượt tốt nghiệp, học sinh có thi lại không?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, có 3 nhóm được miễn thi tốt nghiệp THPT gồm: Học sinh được triệu tập tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hóa; Học sinh trong đội tuyển tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực về khoa học kỹ thuật, văn hóa - văn nghệ; Người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng.
Để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải bảo đảm các điều kiện: Không bị kỷ luật hủy kết quả thi; tất cả các bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT đều đạt trên 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 trở lên.
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ căn cứ vào mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của các trường để đăng kí nguyện vọng xét tuyển.
Theo quy định hiện nay, học sinh học Chương trình GDPT 2006 sẽ thi tốt nghiệp với 3 bài thi bắt buộc bao gồm Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài tổ hợp tự chọn là Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học và bài thi Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.
Cũng theo dự thảo, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh sẽ thi 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Các môn bắt buộc bao gồm: Toán học, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Các môn học tự chọn ở bậc THPT gồm: Hóa học, Sinh học, Vật lý, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học - Công nghệ.
Với các thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024, nếu thi lại thì các em sẽ thi theo Chương trình GDPT 2018. Điểm thuận lợi là hầu hết các môn thi theo chương trình mới đều có trong chương trình 2006. Tuy nhiên, không có môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.
Chính vì vậy, thí sinh thi lại cần bổ trợ thêm một số kiến thức mới ở Chương trình 2018 cũng như tham khảo kỹ đề minh họa của Bộ GD&ĐT công bố để đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới để tránh những rủi ro không đáng có.
Với những học sinh học theo Chương trình GDPT 2006, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng. Nếu không đỗ tốt nghiệp, các bạn sẽ phải dự thi với khóa đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/diem-xet-tot-nghiep-thpt-2024-duoc-tinh-nhu-the-nao-d220032.html