Điểm yếu cố hữu của du lịch Việt
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương, trao đổi về những việc cần làm để đẩy nhanh đà phục hồi của du lịch Việt Nam.
Là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, ông cảm nhận thế nào về đà phục hồi của du lịch Việt Nam năm nay?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Các số liệu được công bố gần đây cho thấy sự tươi sáng, như Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm và dự kiến đến hết năm có thể đạt con số 12 - 13 triệu lượt, vượt mục tiêu đề ra.
Các địa phương là thị trường du lịch lớn đều báo cáo sự tăng trưởng ấn tượng khi so sánh số lượng khách du lịch năm nay tăng cao hơn nhiều so với năm trước.
Nhưng, kể từ khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế trở lại, tôi liên tục đi qua các nước láng giềng để kết nối thị trường, xúc tiến khách quốc tế về Việt Nam, dẫn các đoàn khách là đại diện các công ty lữ hành quốc tế đến khảo sát các điểm du lịch chính từ Bắc tới Nam, nhiều đối tác của công ty tôi có cùng tâm trạng là du lịch phục hồi vẫn yếu, không như mong đợi.
Lượng du khách quốc tế tăng hơn năm trước nhưng vẫn kém xa so với trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch như nhà hàng, khu mua sắm, điểm tham quan “mọc lên như nấm” trong hai năm gần đây, nên lượng khách dù tăng cũng chẳng khác nào “muối bỏ bể”. Công suất cho thuê phòng khách sạn thấp cũng là điều dễ hiểu.
Một số cơ sở lưu trú phải “thở oxy” vì ít khách, thậm chí, tôi biết có khách sạn ở miền Trung bị cắt điện vì không có đủ tiền thanh toán tiền điện.
Có khách sạn bị ngân hàng phát mãi nhưng dù đã giảm giá sâu cũng không tìm được người mua vì tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.
Đối với thị trường khách nội địa, các điểm du lịch chính hoạt động khá ổn vào mùa hè. Tuy nhiên, khi mùa du lịch trong nước kết thúc vào cuối tháng 8, các điểm này cũng rơi vào tình trạng “sập nguồn”.
Theo ông, liệu du lịch thể phục hồi nhanh hơn được không?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Giữa tháng 5 năm nay, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nhưng chúng ta có đi nhanh và bền vững được không còn phải xét tới bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn. Xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn, gây tác động sâu rộng tới Nga và các nước Đông Âu, một trong những thị trường du lịch chính của Việt Nam.
Thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng còn nhiều hạn chế “vô hình” khi chính phủ nước này vẫn khuyến khích du lịch nội địa và du lịch nước ngoài dần trở thành nhu cầu xa xỉ.
Những diễn biến này cũng trùng khớp với đánh giá gần đây của Tổ chức Du lịch thế giới khi cơ quan này cho biết du lịch thế giới mới phục hồi được 84% so với thời điểm trước Covid-19 và khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi thấp nhất, ở mức hơn 60%.
Bức tranh du lịch cũng có thể nhìn nhận qua các chuyến bay quốc tế thời gian qua.
Tần suất bay tới những thị trường đông dân nhất thế giới và nhiều tiềm năng như Ấn Độ đã bị cắt giảm còn 28 chuyến/tuần trong khi đường bay kết nối trực tiếp với Trung Quốc cũng thưa thớt.
Các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ chưa có nhiều đường bay trực tiếp tới Việt Nam và các đường bay quá cảnh cũng không nhiều.
Trong bối cảnh đó, chúng ta muốn thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh cũng là thách thức không nhỏ.
Chúng ta có thể làm gì để có thể đẩy nhanh đà phục hồi của du lịch trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Muốn có thêm nhiều khách du lịch, thị thực là vấn đề cần quan tâm. Chúng ta cần mở rộng miễn thị thực tới nhiều thị trường và nhiều đối tượng hơn nữa, đặc biệt là những đối tượng khách có độ tin cậy cao.
Bên cạnh đó, cần khắc phục điểm yếu cố hữu là công tác quảng bá du lịch ở nước ngoài vẫn yếu, yếu ở cả cấp độ quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.
Tôi từng tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Đông Nam Á và thấy rất ít sự xuất hiện của gian hàng du lịch Việt Nam. Trong các diễn đàn kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng không xuất hiện nhiều đại diện của ngành du lịch Việt Nam.
Nhiều nước đang đẩy mạnh quảng bá với hệ thống xúc tiến du lịch hùng hậu, như Thái Lan dự kiến chi tới 16 triệu USD trong thời gian cao điểm từ quý cuối năm nay tới quý đầu năm sau và ngành du lịch của nước này có tới gần 30 văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Cần khắc phục điểm yếu cố hữu là công tác quảng bá du lịch ở nước ngoài vẫn yếu, yếu ở cả cấp độ quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Sơn Thủy
Nếu chúng ta không có hệ thống văn phòng du lịch tại các quốc gia thì mạng lưới ngoại giao cần đảm trách vai trò này rõ ràng hơn. Tôi thấy rằng, chúng ta vẫn chưa kích hoạt mạnh mẽ kênh đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước ngoài để hỗ trợ quảng bá du lịch thông qua các hoạt động chuyên đề, sự kiện chuyên nghiệp về du lịch.
Ở cấp độ địa phương, bản thân tôi cũng thấy chạnh lòng khi chủ động liên lạc các địa phương để làm xúc tiến du lịch ra nước ngoài nhưng nhận được phản hồi khá thờ ơ.
Không chỉ vậy, khi tổ chức mời các đoàn lữ hành quốc tế đi khảo sát các địa phương, chúng tôi cũng đón nhận các sắc thái thái độ khác nhau từ những người quản lý ngành du lịch.
Có địa phương rất năng nổ, nhiệt tình đón tiếp, nhưng cũng có địa phương tìm nhiều lý do khó khăn để từ chối hỗ trợ, cho dù mình chỉ cần họ bỏ chút thời gian ra đón đoàn tại sân bay cũng đã rất khó khăn.
Tôi thấy nhiều địa phương tổ chức các chương trình nghệ thuật tốn kém chi phí như là một cách quảng bá, nhưng không mang lại nhiều hiệu quả, đặc biệt là hầu như không có tác dụng thu hút khách nước ngoài.
Để thúc đẩy nhanh sự phục hồi du lịch, cần phải có đội ngũ quản trị điểm đến tầm quốc gia, đảm bảo lãnh đạo, triển khai các kế hoạch hành động một cách đồng bộ, nhất quán và quyết liệt hơn.
Muốn dịch chuyển ngành du lịch đi lên cần phải có “lực kéo” từ các mạng lưới xúc tiến du lịch ở nước ngoài, đồng thời, bên trong phải tạo “lực đẩy” bằng các sản phẩm du lịch đặc trưng, lao động lành nghề, chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.
Ông có nói về điểm yếu của doanh nghiệp trong xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài, cụ thể như thế nào?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Nhiều năm qua, tôi chứng kiến không ít doanh nghiệp quá lạc quan với định hướng kinh doanh của mình, vay tiền ngân hàng và huy động của khách hàng để đầu tư cho các dự án bất động sản du lịch.
Đồng thời, các địa phương tăng cường cấp phép mà không có một định hướng hay cảnh báo nào về rủi ro khi tình hình kinh tế vĩ mô thay đổi, kinh tế thế giới suy sụt, bệnh dịch thường trực, thị trường thất bại.
Chính vì thế, khi dịch bệnh xảy ra, kinh tế thế giới khó khăn, khách du lịch quốc tế sụt giảm, nguồn cung bất động sản du lịch vượt quá nhu cầu, một số dự án xây dựng dở dang thì dừng và không biết lúc nào mới tái khởi động lại được.
Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhiều chủ đầu tư có thể bỏ hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư các công trình phục vụ du lịch đồ sộ, nhưng lại không muốn bỏ vài chục triệu đồng cho nhân sự tham gia hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế.
Đây cũng là quan điểm, cách nhìn nhận, cách làm khác nhau giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp thương hiệu quốc tế tại Việt Nam.
Theo ông, thị trường khách quốc tế nào còn nhiều tiềm năng mà chúng ta nên tập trung xúc tiến quảng bá để thu hút trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Sơn Thủy: Ấn Độ hiện là một thị trường khá tốt mà chúng ta có thể hướng tới. Đây là thị trường rất tiềm năng và đã có sự sẵn sàng đi du lịch.
Dòng khách này có một số đặc thù. Khách Ấn Độ thường dành trung bình 6 - 8 ngày khi đi du lịch ở khu vực Đông Nam Á và cũng dành nhiều thời gian cho Việt Nam, đi nhiều vùng, nhiều địa điểm.
Phần lớn họ lưu trú ở dòng khách sạn 4 - 5 sao và mức chi tiêu cho ăn uống, nhà hàng của họ cũng cao, không kém gì những thị trường khách truyền thống của Việt Nam.
Tuy nhiên, một điều rất tiếc là năm vừa rồi, Ấn Độ không cấp nhiều suất bay cho Việt Nam. Trong số 28 chuyến một tuần, các hãng bay của Ấn Độ cũng được ưu tiên hơn, do đó phía nước ta có những khó khăn nhất định.
Ngoài ra, do số lượng chuyến bay ít nên họ tập trung nhiều vào hai điểm đến là Hà Nội và TP. HCM, trong khi trước đây có tới 5 chuyến bay mỗi tuần tới Đà Nẵng.
Khách Ấn Độ có phản hồi rất tốt về Đà Nẵng cũng như miền Trung. Mới đây, theo báo cáo về xu hướng du lịch của Skyscanner, Đà Nẵng là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trên trang Skyscanner Ấn Độ, với tổng số lượt tìm kiếm tăng mạnh nhất trong những năm qua với tốc độ hơn 11 lần, gấp đôi mức tăng của thành phố đứng thứ hai trong bảng xếp hạng.
Vì thế, cần xúc tiến thương mại để có được đường bay và lượng khách ổn định hơn từ các thị trường đã có sự sẵn sàng như Ấn Độ hay thị trường gần như các nước khu vực Đông Nam Á.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/diem-yeu-co-huu-cua-du-lich-viet-1699754855537.htm