Điện ảnh dẫn lối phát triển du lịch
Điện ảnh có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, đặc biệt là độ phủ sóng rộng rãi, kinh phí quảng bá qua điện ảnh thấp hơn nhiều so với các hoạt động xúc tiến khác. Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, hiệu quả của quảng bá du lịch qua phim ảnh là điều dễ nhận thấy.
Điện ảnh đem lại cảm hứng du lịch
Nền điện ảnh cũng như ngành du lịch của Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt trong những năm qua. Tuy nhiên, nước ta còn thiếu những thứ khá đơn giản, như lời mời cụ thể, cách làm cụ thể với các bạn nước ngoài. Ví dụ, thành phố Nha Trang có nhiều khách sạn, cảnh đẹp, nếu chúng ta mời các bạn quốc tế về làm phim thì có chính sách giảm giá nơi ở, hỗ trợ tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể như thế nào? Làm rõ điều này, chắc chắn sẽ có sự thu hút mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ở Hàn Quốc, các nhà làm phim nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương, từ chỗ ăn ở cho đến tiền mặt. Lý do là vì, qua mỗi bộ phim giúp địa phương thu hút lớn lượng khách du lịch. Bối cảnh trong phim và sự xuất hiện của các diễn viên nổi tiếng là "lực hút" để phát triển du lịch. Lộ trình tham quan của du khách tại Hàn Quốc luôn có các điểm như: Cung điện Gyeongbokgung, đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, bến phà Abai, những địa danh từng xuất hiện trong các phim "Nấc thang lên thiên đường", "Trái tim mùa thu", "Bản tình ca mùa đông", "Nàng Dae Jang Geum", "Itaewon Class" hay "Chào mừng đến Samdal-ri"…
Tại Thái Lan, lợi nhuận hơn 4 tỷ USD/năm có được từ du lịch cũng có phần đóng góp của chiến lược quảng bá thông qua điện ảnh, đặc biệt là từ việc cho phép các đoàn làm phim nước ngoài vào Thái Lan thuê bối cảnh. Sau khi bộ phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" được công chiếu, lượng khách từ Vương quốc Anh đến xứ sở Chùa vàng tăng 10%. Trước đây, quần đảo Phi Phi thuộc Phu-ket không có nhiều du khách đặt chân đến nhưng sau khi bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi" được quay tại đây, quần đảo này trở thành điểm đến có sức hấp dẫn du khách nước ngoài… Các phim cổ trang Thái Lan cũng tạo nên trào lưu mặc trang phục truyền thống chụp ảnh tại các đền chùa, hay cố đô Ayutthaya.
Nhắc tới điện ảnh Trung Quốc, nhiều người sẽ nhớ tới các bộ phim cổ trang lịch sử hoàng tráng. "The Last Emperor" – "Hoàng đế cuối cùng" là tác phẩm vô tiền khoáng hậu khi được quay tại cung điện đặt ngai vàng trong Tử Cấm Thành. Đoàn phim xin cấp phép trước khi Bộ Văn hóa Trung Quốc ban hành quy định cấm quay phim trong các di sản kiến trúc mang tầm quốc tế. Kể từ năm 1949, đây là dự án phim nước ngoài đầu tiên được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ trong quá trình thực hiện. Sau dự án này, Tử Cấm Thành đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn các du khách nước ngoài.
Một địa danh khác nổi lên nhờ phim ảnh, đó là phim trường Hoành Điếm - "Hollywood của Trung Quốc", tọa lạc ở tỉnh Chiết Giang. Hàng nghìn bộ phim được quay tại địa điểm này, đáng chú ý như: "Vua Kungfu", "Xác ướp 3: Lăng mộ Tần vương" hay "Diên Hy công lược"... Ở Hoành Điếm, du khách có thể tham gia các chuyến tham quan làm phim hoặc thậm chí là đóng vai chính trong bộ phim của riêng mình.
Khi những thước phim đầu tiên của bộ phim truyền hình "Đi đến nơi có gió" được công chiếu, khán giả ngay lập tức muốn xách ba lô đến vùng quê bình yên, đầy gió của Vân Nam (Trung Quốc). Và thực sự bộ phim đã kích thích sự bùng nổ du lịch ở vùng quê của Vân Nam. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh Vân Nam đã thu về 38,435 tỷ nhân dân tệ doanh thu du lịch trong 7 ngày, đứng đầu trong số 21 tỉnh.
Thượng Hải trở thành địa điểm du lịch hút khách bậc nhất Trung Quốc nhờ cơn sốt từ bộ phim truyền hình nổi tiếng "Phồn hoa" của đạo diễn Vương Gia Vệ. Địa điểm xuất hiện trong phim là khách sạn Fairmont Peace đã kín khách đặt trước cho dịp Tết Nguyên Đán 2024 sắp tới. Giá phòng lên tới 16.888 nhân dân tệ một đêm (tương đương khoảng 58 triệu đồng).
Bom tấn "Fast X" cũng thu hút hàng ngàn du khách tới các địa điểm là bối cảnh của phim như Roma - Italia, Ê Rio (Brazil) đến London (Anh), từ Lisbon (Bồ Đào Nha) đến Nam Cực…
Một trong những hạn chế tại Việt Nam ảnh hưởng đến quá trình sản xuất phim là chưa phát triển mạnh mẽ nguồn lực và chiến lược quảng bá đất nước đến các đoàn làm phim quốc tế. Do đó, ít nhà làm phim quốc tế biết đến cơ hội và tiềm năng quay phim tại Việt Nam. Cùng với những quy định pháp lý khá chồng chéo, quá trình xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, công sức, gây tăng chi phí và làm chậm tiến độ của các dự án sản xuất phim.
Một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển điện ảnh với quảng bá du lịch là cần số hóa du lịch, điện ảnh bằng việc xây dựng cổng thông tin tập trung hỗ trợ đa ngôn ngữ và minh bạch giúp các đoàn làm phim trong nước, quốc tế được tiếp cận những thông tin mới nhất và bối cảnh đẹp tại Việt Nam. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tích hợp các loại giấy phép con trong một loại giấy phép lớn, liên kết đa ngành để tạo thuận lợi cho việc cấp giấy phép. Ngoài ra, cần có hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho các đoàn làm phim, chính quyền địa phương cần kết hợp với các đoàn làm phim tăng cường truyền thông địa điểm để thu hút khách.
Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim
Trong tháng 11/2023 vừa qua, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã ra mắt Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI) và được triển khai thí điểm tại Phú Yên. Bộ chỉ số thu hút đoàn phim nhằm mục đích đánh giá sự quan tâm của các tỉnh, thành phố và nâng cao sức hấp dẫn của từng địa phương.
Bộ chỉ số PAI đóng vai trò là cầu nối giữa chính quyền địa phương và ngành công nghiệp điện ảnh. Bằng cách đưa ra đánh giá dựa trên chỉ số PAI, chính quyền địa phương gửi lời mời các đoàn sản xuất phim chọn địa điểm Việt Nam làm bối cảnh.
Bộ chỉ số này được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí:
- Hỗ trợ tài chính: Đánh giá sự sẵn có của các khoản tài trợ, trợ cấp và ưu đãi của địa phương cho các nhà làm phim
- Hỗ trợ thông tin: Đo lường nỗ lực quảng bá điểm đến cho các nhà làm phim và ngành công nghiệp điện ảnh
- Hỗ trợ thực địa: Đánh giá những nỗ lực của địa phương trong việc kết nối đoàn làm phim đến các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quay phim
- Hỗ trợ thủ tục pháp lí: Đánh giá mức độ dễ dàng xin giấy phép và tuân thủ các yêu cầu pháp lý.
- Hạ tầng sẵn có: Đánh giá tính sẵn có và chất lượng của các cơ sở và nguồn lực sản xuất phim.
Cùng với Phú Yên, 9 tỉnh thành trên cả nước đã hưởng ứng tham gia, tự giới thiệu và đánh giá mức độ sẵn sàng cho các đoàn làm phim đến địa phương mình. Bộ chỉ số được xem như lời mời các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam và quốc tế để họ đưa ra quyết định chọn quay phim trên các vùng đất của Việt Nam. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra sự cạnh tranh thu hút đoàn làm phim giữa các địa phương trong nước. Trên thực tế, các đạo diễn, các NSX khi thực hiện các dự án phim ảnh ở các địa phương đều nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình.
Điện ảnh dẫn lối du lịch
Nhu cầu và xu hướng du lịch nội địa và quốc tế đang gia tăng nhanh chóng. Nếu những trào lưu du lịch phượt, trào lưu đi ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang, hoa cải ở Mộc Châu (Sơn La) đều tự phát và có thể được bắt nguồn bằng những khung cảnh của phim..., tại sao chúng ta không chủ động xây dựng chiến lược, thâm nhập vào xu hướng tiêu dùng, và chủ động tạo ra trào lưu đến những địa bàn đang có định hướng phát triển để bảo đảm việc phát triển đúng hướng và phục vụ được nhu cầu của khách?
Mới đây, "Người vợ cuối cùng" của Victor Vũ chọn hồ Ba Bể (Bắc Kạn) để dựng một ngôi làng Bắc Bộ nên thơ.
Lý Hải quảng bá nghề làm chiếu qua phim: Đạo diễn Lý Hải chọn con đường riêng khi phim "Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" của anh quảng bá làng nghề truyền thống. Đó là làng chiếu Định Yên - ngôi làng có 70% hộ dân theo nghề chiếu nhưng đang dần bị mai một. Làng nghề địa phương cũng là một phần của du lịch và văn hóa. Sau khi làm phim, Lý Hải đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh túy của làng nghề, thu hút du khách.
Chủ trương là luôn tốt và khuyến khích, song thực tế, các văn bản dưới luật hay việc thực thi các quy định thì luôn gặp khó. Trước hết là các thủ tục hành chính, rồi thuế, rồi chính sách visa cho các đonà làm phim nước ngoài hiện vẫn chưa thuận lợi. Có những đoàn làm phim chia sẻ, khi muốn quay một cảnh tại Hồ Gươm thì phải xin đến 6 loại giấy phép khác nhau, chờ mỗi giấy phép từ 3 đến 4 ngày.
NSƯT - Đạo diễn Trịnh Quang Tùng - Phó giám đốc Hãng Phim Tài liệu Khoa học TW từng chia sẻ: "Việt Nam có tiềm lực về địa thế, chất liệu, để các đoàn làm phim quốc tế đến nhưng cần phải có một cơ chế mở, vì họ sẽ mang lại nguồn lợi văn hóa dài hơi".
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dien-anh-dan-loi-phat-trien-du-lich-215312.htm