Điện ảnh Việt cuối năm 2024: Chờ đợi sự bứt phá từ phim kinh dị

Sau hai cơn sốt phòng vé Mai (Tết Nguyên đán 2024) và Lật mặt 7: Một điều ước (nghỉ lễ 30/4-1/5), điện ảnh Việt lại dần trầm lắng. Đặc biệt, mùa hè được xem như 'mỏ vàng' của điện ảnh nhưng phần lớn phim Việt ra rạp trong dịp này đều không đạt doanh thu tốt. Vậy nên, các chuyên gia kỳ vọng, từ nay cho đến cuối năm 2024, điện ảnh Việt sẽ có sự bứt phá và thay đổi khi xuất hiện một loạt phim kinh dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết dân gian Việt Nam.

Đề tài chưa đủ hấp dẫn

Theo số liệu từ Box Office Vietnam, đến nay, doanh thu các dự án điện ảnh nội địa đã tăng trưởng vượt mốc 1500 tỷ đồng, với 3 dự án thành công là: Mai; Lật mặt 7: Một điều ước; Gặp lại chị bầu. Đặc biệt, hai tác phẩm của hai đạo diễn Lý Hải và Trấn Thành đã chiếm tới hơn 2/3 tổng thị phần.

Ngoài những bộ phim thắng lớn, thì trong nửa đầu năm 2024 chỉ có Đào, phở và piano đạt 20,8 tỷ và Cái giá của hạnh phúc đạt 26 tỷ, những bộ phim còn lại doanh thu đều thấp kỷ lục, thậm chí thấp nhất lịch sử phòng vé đó là phim Đóa hoa mong manh chỉ thu về được 430 triệu đồng. Hay gần đây nhất là bộ phim "Mùa hè đẹp nhất", dù trước đó được đặt nhiều kỳ vọng nhưng cũng tiếp tục đi vào vết xe đổ thất thu. Ra rạp ngày 28/6 nhưng bộ phim cũng đã phải nhanh chóng rời rạp với doanh thu hơn 4 tỷ đồng.

Phim Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải là một trong 3 bộ phim thắng lớn của thị trường điện ảnh Việt nửa đầu năm 2024

Phim Lật mặt 7: Một điều ước của Lý Hải là một trong 3 bộ phim thắng lớn của thị trường điện ảnh Việt nửa đầu năm 2024

Trong khi đó, trái ngược với thị trường điện ảnh Việt ảm đạm, thất thu, những phim ngoại đổ bộ Việt Nam công chiếu vào dịp hè này lại gây sốt. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, đến nay, doanh thu của phim ngoại đạt được thật sự ấn tượng, có thể kể đến Noobita và bản giao hưởng địa cầu đạt gần 150 tỷ; Kẻ trộm mặt trăng đạt hơn 130 tỷ; Những mảnh ghép cảm xúc 2 đạt gần 88 tỷ…

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều phim Việt thất thu, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho biết: "Sự chênh lệch về khoảng cách giữa các phim cho thấy chất lượng phim ở thị trường điện ảnh Việt Nam đang không ổn định và phát triển không bền vững. Điều này làm cho khán giả mất niềm tin vào những tác phẩm điện ảnh khác ngoài tác phẩm của hai nhà sản xuất tên tuổi Trấn Thành, Lý Hải. Vậy nên, từ đầu năm nay, chỉ có 3 phim đạt được doanh thu lớn đó là Mai, Lật Mặt 7: Một điều ước, Gặp lại vợ bầu, còn lại hầu như đều thất bại. Bởi các bộ phim như: Móng vuốt, Mùa hè đẹp nhất, Cái giá của hạnh phúc… tuy đề tài có chút mới lạ góp phần đa dạng hóa thị trường phim Việt nhưng những câu chuyện, cách khai thác chưa đủ hấp dẫn, thú vị để thu hút khán giả".

Bên cạnh đó, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt chia sẻ: "Những năm gần đây, điện ảnh Việt thường thất thu nhất là trong dịp hè. Các nhà làm phim không dám mạo hiểm đưa "đứa con tinh thần" ra rạp, bởi họ ngại đụng độ với "bom tấn" nước ngoài. Đây cũng là nguyên do khiến mùa phim này thường là sân chơi của một số nhà sản xuất trẻ với những phim có kinh phí sản xuất thấp".

Phim hoạt hình nước ngoài thắng lớn trong dịp hè tại thị trường Việt Nam (ảnh minh họa)

Phim hoạt hình nước ngoài thắng lớn trong dịp hè tại thị trường Việt Nam (ảnh minh họa)

"Đặc biệt nhìn vào doanh thu của các phim nước ngoài chiếu vào dịp hè ở Việt Nam năm nay, chúng ta sẽ thấy hầu như những phim hoạt hình đều đạt doanh thu cao, nhiều phim cán mốc trên 100 tỷ đồng. Bởi, mùa hè được coi là một kỳ nghỉ dài của các em nhỏ nên những phim hoạt hình không chỉ đáp ứng được nhu cầu giải trí của các em mà còn phù hợp với tất cả thành viên trong gia đình
Trong khi đó, thị trường điện ảnh Việt Nam trong mùa phim hè có một điểm yếu đó chính là không có phim hoạt hình. Các nhà làm phim Việt chưa đủ khả năng để sáng tạo, sản xuất ra các bộ phim hoạt hình chiếu rạp chất lượng, hấp dẫn như nước ngoài, đó là một điều rất đáng tiếc khi chúng ta đang bỏ lỡ một thị phần khán giả trong dịp hè dành cho điện ảnh" – nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt nói.

Kỳ vọng sự bứt phá từ phim kinh dị

Còn theo Nhà sáng lập Box Office Vietnam Nguyễn Khánh Dương cho biết: "Theo quan sát của chúng tôi, so với trước dịch Covid, sự quan tâm và xu hướng ra rạp của khán giả với điện ảnh Việt đã có sự thay đổi lớn. Và hai nhà làm phim Trấn Thành, Lý Hải đều là những người nắm bắt được tâm lý của khán giả rất tốt nên họ không gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra những tác phẩm phù hợp với thị hiếu chung của khán giả. Từ đó, mỗi tác phẩm của họ ra rạp đều thắng lớn. Việt Nam có rất nhiều nhà làm phim tâm huyết, mong muốn được làm phim đa dạng hóa thị trường phim Việt nhưng thị hiếu khán giả thay đổi quá nhanh nên đôi khi cách làm phim cũ của những năm trước không còn phù hợp, khó thu hút khán giả".

Phim Ma da của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng ra rạp vào tháng 8 được kỳ vọng sẽ tạo bứt phá cho thị trường điện ảnh Việt

Phim Ma da của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng ra rạp vào tháng 8 được kỳ vọng sẽ tạo bứt phá cho thị trường điện ảnh Việt

"Vậy nên, tôi nghĩ rằng, cần phải có thời gian để các nhà làm phim mới, cũng như các nhà làm phim cũ nắm được thị hiếu chung của khán giả trong giai đoạn này để có những sự điều chỉnh, thay đổi mang đến những tác phẩm hấp dẫn, phù hợp hơn với khán giả" – ông Nguyễn Khánh Dương nói.

Cũng theo ông Nguyễn Khánh Dương, dù nửa đầu năm 2024, thị trường điện ảnh Việt có phần ảm đạm nhưng từ nay cho đến cuối năm chúng ta cũng có thể kỳ vọng rằng thị trường điện ảnh Việt sẽ có sự bứt phá và thay đổi khi xuất hiện một loạt phim kinh dị được lấy cảm hứng từ các truyền thuyết dân gian Việt Nam.

"Sau thành công về doanh thu của các phim kinh dị Việt gần đây như: Quỷ cẩu, Kẻ ăn hồn, Bắc kim thang, Chuyện ma gần nhà…, các nhà làm phim Việt đang có xu hướng sử dụng chất liệu văn hóa dân gian trong tác phẩm của mình. Từ nay đến cuối năm, có ít nhất 4 phim mang màu sắc kinh dị, tâm linh sẽ ra mắt, gồm: Ma da (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng, dự kiến khởi chiếu vào 16/8), Làm giàu với ma (đạo diễn Nguyễn Nhật Trung, dự kiến khởi chiếu vào 30/8), Cám (đạo diễn Trần Hữu Tấn, dự kiến khởi chiếu vào tháng 9) và Linh Miêu (đạo diễn Lưu Thành Luân, dự kiến khởi chiếu vào 22/11). Đây là những bộ phim được sản xuất bởi các nhà làm phim đều có tên tuổi, với nhiều tác phẩm thành công, vậy nên, chúng ta có thể đặt niềm tin từ giờ đến cuối năm những tác phẩm kinh dị này sẽ có mức doanh thu ổn định, thậm chí sẽ có tác phẩm đạt doanh thu cao.

Bên cạnh đó, dòng phim chuyển thể cũng được chờ mong vào nửa cuối năm, đặc biệt những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Do đó phim "Ngày xưa có một chuyện tình" được kỳ vọng sẽ tạo tiếng vang cho thị trường điện ảnh nửa cuối năm" - ông Nguyễn Khánh Dương nói.

Phim "Ngày xưa có một chuyện tình" được kỳ vọng đem đến sự khởi sắc cho phim Việt nửa cuối năm

Phim "Ngày xưa có một chuyện tình" được kỳ vọng đem đến sự khởi sắc cho phim Việt nửa cuối năm

Trong khi đó, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho biết: "Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự bứt phá của điện ảnh Việt cuối năm, đặc biệt mùa phim tết sẽ khá sôi động bởi đến nay nhà làm phim Trấn Thành hay Tiến Luật và Thu Trang đều công bố dự án phim mới cho ra rạp vào dịp này. Nhưng để điện ảnh Việt có thể có những thay đổi đồng bộ, đồng đều hơn, các nhà làm phim cần chú trọng đầu tư hoàn thiện hơn nữa từ khâu ý tưởng, kịch bản cho đến cách quảng bá tác phẩm. Đồng thời, tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải mở thêm các cụm rạp cho để phục vụ cho các bộ phim chất lượng"./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dien-anh-viet-cuoi-nam-2024-cho-doi-su-but-pha-tu-phim-kinh-di-20240802183452038.htm