Điện ảnh Việt Nam còn thiếu vắng phim đề tài về xây dựng
Hội Điện ảnh Việt Nam vừa tổ chức Đại hội đại biểu khóa IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhiều ý kiến cho rằng phim Việt Nam sản xuất còn ít những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao phản ánh thành tựu xây dựng kiến thiết đất nước trong đổi mới.
Đại hội đại biểu Hội Điện ảnh Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày từ 19/9 – 21/9/2020, với 500 đại biểu đại diện cho 1.900 hội viên toàn quốc. Đại hội bầu Ban chấp hành khóa mới gồm 15 người. Đại hội báo cáo hoạt động xây dựng Hội, kiểm điểm kết quả sáng tác tác phẩm của tác giả là hội viên nhiệm kỳ qua; tham luận xây dựng công tác Hội và hoạch định hoạt động nghề nghiệp trong chặng đường mới.
Ý kiến tham luận trên nghị trường và bên hành lang Đại hội đánh giá cao về các thể loại phim Việt Nam đang phát triển, có triển vọng hội nhập nền điện ảnh quốc tế. Nhưng điện ảnh Việt Nam cũng còn tồn tại sáng tác theo xu hướng thị trường, thiếu sự cân đối giữa tích cực với tiêu cực. Tác phẩm điện ảnh nước ngoài du nhập và các phim sản xuất trong nước với các đề tài kinh dị, bạo lực, trụy lạc, hôn nhân ngang trái... đang lấn sân các điển hình tiên tiến, làm lu mờ nhân cách con người mới, một nền nghệ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trên màn ảnh còn thiếu vắng các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về đề tài xây dựng nông thôn mới, xây dựng kiến thiết đất nước trên chặng đường mới.
Đại hội đại biểu Hội Điện ảnh Việt Nam lần này có nghĩa cử cảm động, các đại biểu dành một phút tưởng niệm hội viên, đồng nghiệp quá cố. Nhiều người bồi hồi nhớ lại những tác phẩm của hội viên người đã ở tuổi hạc và người không còn nữa, nhưng vẫn để đời các tác phẩm kinh điển như phim “Nước về bắc Hưng Hải” của đạo diễn Bùi Đình Hạc; “Đường dây lên sông Đà” của đạo diễn Lê Mạnh Tích... đạt huy chương Vàng liên hoan phim quốc tế và nhiều tác phẩm giáo khoa để đời.
Gần đây, sự thiếu vắng các bộ phim hay về đề tài xây dựng đất nước, phần vì thiếu đội ngũ nghệ sỹ có tâm có tài, phần vì nghệ sỹ điện ảnh thiếu thực tế cơ sở và do tác động không đồng bộ của cơ chế mới. Các bộ, ngành và địa phương có chiều hướng cuốn theo phim ảnh thông tấn, không chú trọng đến giá trị nghệ thuật điện ảnh; Thiếu sự kết nối giữa điện ảnh với các bộ, ngành và địa phương. Các trại sáng tác thường niên chủ yếu là tạo môi trường yên tĩnh cho hội viên sáng tác, chưa gắn được chương trình sáng tác nghệ thuật điện ảnh với thực tế vận hành nền kinh tế ở cơ sở.
Các nghệ sỹ, nhà làm phim gửi gắm niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Ban Chấp hành Hội Điện ảnh khóa mới có nhiều đổi mới, kết nối Hội nghề nghiệp này với thực tế sôi động ở cơ sở. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo nghệ thuật phù hợp với hoàn cảnh mới. Đổi mới hình thức hỗ trợ sáng tác, nên chăng đấu thầu đầu tư các kịch bản, tác phẩm lớn để có những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao về đề tài xây dựng nông thôn mới, xây dựng kiến thiết đất nước.