Diễn biến bất ngờ tại phiên xử vụ ngân hàng ở An Giang bị lừa đảo hơn 600 tỉ đồng

Trước khi vào tranh luận, đại diện VKSND tỉnh An Giang đã đề nghị hoãn phiên tòa để làm rõ phần trách nhiệm dân sự và đã được HĐXX chấp thuận.

Sáng 26-9, TAND tỉnh An Giang tiếp tục đưa ra xét xử 19 bị cáo là giám đốc, nhân viên công ty thủy sản bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) An Giang.

Diễn biến bất ngờ tại phiên xét xử vụ ngân hàng ở An Giang bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng

Làm rõ phần trách nhiệm dân sự

Các bị cáo gồm: Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu (tổng giám đốc Công ty Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (giám đốc Công ty Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang), Lưu Bá Phúc (giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) và bị cáo khác là kế toán các công ty, cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số 19 bị cáo trên thì bị cáo Thảo và Trang (nguyên kế toán Công ty TNHH Minh Giàu) hiện đang trốn ở nước ngoài.

 Các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của ngân hàng ở An Giang. Ảnh: HD

Các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của ngân hàng ở An Giang. Ảnh: HD

Theo kế hoạch thì sáng nay tòa sẽ bước vào phần tranh luận, VKSND sẽ trình bày quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh An Giang đã đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa để làm rõ trách nhiệm dân sự đối với số tiền hơn 600 tỉ đồng.

Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để làm rõ trách nhiệm dân sự như đề nghị của VKS; đồng thời để tránh bỏ lọt tội phạm.

Theo cáo trạng, từ năm 2010-2014, Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn theo hạn mức tại Vietcombank An Giang.

Để được phát vay theo điều kiện của hợp đồng tín dụng, Thảo chỉ đạo các phó tổng giám đốc, giám đốc, kế toán, nhân viên Công ty Việt An, Công ty Minh Giàu, Công ty Bình Minh, Công ty Việt Hưng, Công ty Bách Phúc lập nhiều hồ sơ chứng từ khống (lập hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn, chứng từ giả mạo, ghi doanh số mua bán cá tra không có thực,...) để rút vốn vay tại ngân hàng.

Các chứng từ thể hiện tại 100 bộ hồ sơ rút vốn vay còn dư nợ đều là chứng từ giả mạo, hóa đơn ghi doanh số mua bán nguyên liệu cá tra, mua thức ăn thủy sản... không có thật. Tính đến ngày 21-12-2020 thì Vietcombank An Giang còn thiệt hại số tiền vốn vay là hơn 600 tỉ đồng (trong đó Công ty Việt An là gần 448 tỉ đồng).

Cáo trạng xác định trong vụ án, bị cáo Thảo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động của các công ty và chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, chứng từ khống.

Quá trình điều tra, các bị cáo khai nhận, do Công ty Việt An hoạt động không hiệu quả, không còn nguồn kinh phí và không còn hạn mức để tiếp tục vay vốn nên Thảo chỉ đạo cho các bị can Thu, Hùng, Giàu, Tuyên, Phúc chỉ đạo bộ phận kế toán và nhân viên trong công ty lập nhiều bộ hồ sơ khống để rút tiền của ngân hàng.

Không xác định được thiệt hại?

Trước đó, tại phần xét hỏi, các bị cáo Hùng, Thu và đa số các bị cáo khác thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, các bị đều cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo Thảo, không có hưởng lợi, thậm chí có bị cáo cho rằng bản thân không biết hồ sơ đã ký là hồ sơ khống... Do đó các bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

 Đại diện ủy quyền bị hại trả lời câu hỏi của các luật sư

Đại diện ủy quyền bị hại trả lời câu hỏi của các luật sư

Về phía các luật sư bào chữa cũng hỏi đại diện bị hại là Ngân hàng về vấn đề thiệt hại cũng như những quy định về hoạt động cho vay.

Cụ thể, luật sư đặt vấn đề liên quan hợp đồng 179 ngày 27-6-2011 được ký giữa Bình Minh với ngân hàng và ký phụ lục 05, 06. Dư nợ tháng 10-2012 là hơn 158 tỉ. Tới nay, hợp đồng này vẫn đang thực hiện, dư nợ đến tháng 09-2024 còn 83 tỉ. Cáo trạng truy tố Hùng và công ty Bình Minh đã làm thiệt hại cho ngân hàng 101 tỉ. Vậy VCB có thiệt hại 101 tỉ không. Lúc này, đại diện ngân hàng trả lời không xác định được số tiền bị chiếm đoạt mà chỉ xác định được khoản nợ quá hạn, việc xác định thiệt hại thế nào là thẩm quyền của HĐXX.

Các luật sư khác cũng đặt vấn đề về việc quy định về cho vay như: báo cáo tài chính của công ty có phải là căn cứ cho vay không; bộ chứng từ không đầy đủ thì ngân hàng có phát vay không; hay căn cứ nào để ngân hàng cho công ty vay vượt quá giá trị tài sản thế chấp... thì đại diện ngân hàng từ chối trả lời hoặc trả lời không trực tiếp.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-bien-bat-ngo-tai-phien-xu-vu-ngan-hang-o-an-giang-bi-lua-dao-hon-600-ti-dong-post811957.html