Diễn biến bất ngờ và phản ứng của Mỹ khi Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran

Phía chính quyền Tehran đang vô cùng bất bình trước việc tàu chở dầu của mình bị bắt giữ ở Gibraltar bởi lực lượng Hoàng gia Anh

Ngày 4/7, truyền thông thế giới đồng loạt đăng tải thông tin các cơ quan thực thi pháp luật và cảng vụ của Gibraltar – một lãnh thổ hải ngoại của Anh – với sự trợ giúp của một nhóm khoảng 30 thủy quân lục chiến Anh đã bắt giữ chiếc tàu chở dầu Grace I treo cờ Panama với lý do vi phạm chế độ trừng phạt. Chiếc siêu tàu chở dầu có chiều dài 330 m này thuộc sở hữu của Iran và được cho là đang vận chuyển dầu thô cho Syria.

Một tàu tuần tra Hải quân Anh canh giữ tàu Grace 1 ở lãnh hải Gibraltar. (Ảnh: Reuters)

Một tàu tuần tra Hải quân Anh canh giữ tàu Grace 1 ở lãnh hải Gibraltar. (Ảnh: Reuters)

Theo Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo, chính quyền Gibraltar “có nhiều lý do để tin” rằng tàu chở dầu bị bắt đang trên đường vận chuyển cho Banyas Refinery, một công ty nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với Syria.

Ngay sau khi biết tin, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết trên mạng Twitter đầy hả hê: Tin tuyệt vời: Anh đã bắt giữ siêu tàu Grace 1 chở dầu đến Syria vì vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục ngăn chặn các chính quyền ở Tehran và Damascus thu lợi từ hoạt động buôn bán bất hợp pháp này".

Phía Iran sau đó đã triệu tập Đại sứ Anh tại Tehran tới để trả lời câu hỏi về động thái trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã khẳng định trong một tweet rằng Đại sứ Anh tại Tehran đã được triệu tập tới vì "hành vi chặn tàu bất hợp pháp" của Anh.

Ông Mousavi cũng gọi đây là hành vi "phá hoại và kỳ quặc". "Điều này có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhận định trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại tối 4/7.

Quyền Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell tiết lộ rằng vụ bắt giữ được Anh thực hiện theo đề nghị từ phía Mỹ. Vụ việc bắt giữ Grace I diễn ra đúng vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa Iran với EU. Tehran đang đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vì muốn các nước châu Âu có biện pháp can thiệp nhằm bảo vệ lợi ích cho Iran trước các lệnh cấm vận của Mỹ.

Cho tới nay, các nước châu Âu vẫn tỏ ra trung lập trong cuộc đối đầu leo thang giữa Tehran với Washington. Tuy nhiên, việc Anh bắt tàu chở dầu của Iran cho thấy châu Âu bắt đầu có sự dịch chuyển lập trường.

Châu Âu phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, và đã nỗ lực để giữ cho thỏa thuận này không bị đổ vỡ. Mặc dù vậy, Iran - dưới sức ép của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Washington áp đặt - tuyên bố chỉ có thể giữ thỏa thuận nếu nhận được những lợi ích kinh tế mà châu Âu hứa hẹn.

Tuần này, Iran tuyên bố đã tích trữ lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp với khối lượng vượt ngưỡng cho phép. Tehran cũng nói sẽ nâng cấp độ làm giàu uranium từ cuối tuần này, với khối lượng tùy thích.

Bá Di (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dien-bien-bat-ngo-va-phan-ung-cua-my-khi-anh-bat-giu-tau-cho-dau-cua-iran-a440661.html