Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 15/5
Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 15/5/2025.
Nga sẵn sàng đàm phán, sẽ chờ phái đoàn Ukraine tại Istanbul ngày 15/5: Ngày 13/5, phát biểu trên chương trình “Moscow. Kremlin. Putin” phát sóng trên kênh truyền hình Russia 1, Người phát ngôn của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov cho biết, phái đoàn Nga sẽ có mặt ở tại Istanbul và sẽ chờ phía Ukraine.
Ông Peskov cho biết, Nga vẫn tiếp tục các công tác chuẩn bị cho cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 tại Istanbul. Ông cũng lưu ý rằng các bước chuẩn bị vẫn đang được tiến hành tích cực và phía Nga giữ nguyên lập trường sẵn sàng đối thoại.
Ông Zelensky gây áp lực lên ông Putin thế nào trong đàm phán Nga - Ukraine?: Chớp lấy đề xuất đàm phán ban đầu của Tổng thống Nga Putin và sự ủng hộ từ phía Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Ukraine Zelensky đã nâng đề xuất đàm phán lên cấp tổng thống, tạo ra áp lực mới với nhà lãnh đạo Nga.
Tổng thống Zelensky nói với phóng viên vào hôm 13/5: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để điều này xảy ra. Nếu như ông Putin thực sự sẵn sàng gặp gỡ không chỉ trên truyền thông mà còn trong đời thực. Khi đó, ở cấp lãnh đạo, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để nhất trí về một lệnh đình chiến. Vấn đề đang nằm ở bên phía ông ấy, do ông ấy quyết định”.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Đòn kép của Nga sau đề nghị đàm phán với Ukraine và khả năng ông Putin tham dự: Giới quan sát cho rằng bằng việc đề nghị đàm phán trực tiếp với Ukraine nhưng không đồng ý với lệnh ngừng bắn, Nga đang tung đòn kép kết hợp áp lực ngoại giao với sức mạnh quân sự.
Khi Nga đề xuất đàm phán mà không đi kèm với việc ngừng bắn, ông Alexander Baunov cho rằng: “Quân đội Nga sẽ tiếp tục tấn công trên tiền tuyến và ném bom vào các vị trí hậu phương của Ukraine, qua đó kết hợp áp lực ngoại giao với sức mạnh quân sự".
Đồng thời, động thái này có thể nhằm xoa dịu cả phe cứng rắn trong nước lẫn các bên quan sát quốc tế hoài nghi.
Ông Trump muốn tăng vị thế khi muốn tham gia trực tiếp vào hòa đàm Nga-Ukraine: Giữa lúc chiến sự Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đề xuất tham gia hòa đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Istanbul đang tạo ra một ván cờ ngoại giao mới, nơi các bên vừa dò ý đối phương, vừa toan tính chiến lược, trong một tiến trình hòa bình đầy rủi ro và mong manh.
Giữa khung cảnh bom đạn và mỏi mòn ngoại giao, sự nhập cuộc của ông Trump trở lại được xem là một canh bạc lớn với cả Kiev lẫn Moscow khi ông bày tỏ ý định có thể tham gia hội nghị đàm phán tại Istanbul. Điều này đã tạo nên làn sóng ngoại giao gấp gáp từ châu Âu đến Trung Đông, trong bối cảnh phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép buộc Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nga có thể trao đổi vấn đề lãnh thổ với Ukraine trong cuộc đàm phán ở Istanbul: Phát biểu với báo giới ngày 13/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, nội dung mà Nga muốn đưa ra tại cuộc đàm phán sắp tới với Ukraine về cơ bản không thay đổi so với các lần trước, tập trung vào các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
“Các chủ đề này luôn nằm trong chương trình nghị sự, đó là làm sao để đạt được một giải pháp ổn định và bền vững, trước hết phải giải quyết tận gốc rễ của cuộc xung đột; bao gồm vấn đề phi phát xít hóa chế độ Kiev, cũng như công nhận thực tế mới – cụ thể là việc các vùng lãnh thổ mới đã gia nhập Liên bang Nga”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18 nhằm gia tăng áp lực lên Nga: Ủy ban châu Âu có kế hoạch duy trì áp lực trừng phạt đối với Nga với việc chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18 sau khi thông qua gói thứ 17. Dự kiến, gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga sẽ được Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào ngày 20/5 tới.
Đặc phái viên Mỹ tiết lộ kế hoạch triển khai binh sĩ NATO tới Ukraine: Phát biểu trên kênh Fox Business ngày 13/5, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Keith Kellogg cho biết các lực lượng từ Pháp, Đức, Anh và Ba Lan có thể sẽ tham gia lực lượng triển khai tới Ukraine mà ông gọi là E3 theo một thỏa thuận hậu xung đột.
“Lực lượng này được gọi là E3, nhưng hiện tại thực chất là E4 – gồm Anh, Pháp, Đức và cả Ba Lan”, ông nói. Ông Kellogg cũng cho biết các binh sĩ sẽ được triển khai ở phía Tây sông Dnipro, tức là “nằm ngoài vùng tiếp xúc trực tiếp”.
“Ở phía Đông, cũng sẽ có một lực lượng gìn giữ hòa bình, với sự tham gia của một bên thứ ba. Như vậy, chúng ta có thể giám sát lệnh ngừng bắn; kế hoạch đã được chuẩn bị khá kỹ”, ông nói thêm.