Thăm Di tích lịch sử chiến thắng Plei Me (Gia Lai): Bản hùng ca trên vùng biên giới
Cách đây đúng 60 năm, vào tháng 10/1965, giữa núi rừng Tây Nguyên, chiến thắng Plei Me vang lên như hồi chuông cảnh báo đầu tiên cho chiến lược 'chiến tranh cục bộ' của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đây là chiến thắng mang tính chất bản lề, mở đầu cho một thời kỳ đối đầu quyết liệt giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với Quân viễn chinh Mỹ ngay từ trận đầu tiên. Từ một trận đánh vây điểm diệt viện, Plei Me nhanh chóng trở thành biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh hiện đại.

Ảnh mặt trước Di tích lịch sử chiến thăng Plei Me. Ảnh: Xuân Hiền
Vị trí và vai trò chiến lược của căn cứ Plei Me
Căn cứ Plei Me (nay thuộc xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng từ năm 1963 nhằm kiểm soát tuyến đường hành lang Trường Sơn qua Tây Nguyên, ngăn chặn sự tiếp tế của cách mạng từ miền Bắc vào Nam. Nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia, cách Pleiku khoảng 40km về phía Nam, Plei Me vừa là trại biệt kích, vừa là đồn quân sự tiền tiêu, giữ vai trò chốt chặn chiến lược trên trục phòng thủ liên hoàn Kon Tum - Pleiku - Buôn Ma Thuột.
Với địa hình hiểm yếu, Plei Me trở thành mắt xích quan trọng trong thế trận kìm kẹp các lực lượng cách mạng Tây Nguyên, đồng thời là nơi xuất phát của các cuộc hành quân truy kích, phá hoại và giám sát tuyến hành lang chiến lược Đông Trường Sơn. Vì vậy, việc đánh vào Plei Me không chỉ có giá trị tiêu diệt sinh lực địch mà còn mang ý nghĩa chiến lược: buộc địch lộ diện lực lượng chủ lực, từng bước phá thế phòng ngự liên hoàn của Mỹ tại Tây Nguyên.
Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, cuối tháng 9 năm 1965, lực lượng chủ lực ta gồm Trung đoàn 32 và Trung đoàn 33 của Sư đoàn 320, phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai - Kon Tum, tổ chức một chiến dịch với hai giai đoạn rõ rệt: vây hãm Plei Me để buộc địch đưa quân viện, sau đó tiêu diệt lực lượng viện binh.
Đêm 19 rạng sáng 20-10-1965, ta đồng loạt tiến công căn cứ Plei Me. Trận đánh ban đầu chưa giành thắng lợi hoàn toàn nhưng đã làm rung chuyển hệ thống phòng ngự địch. Trước nguy cơ mất căn cứ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn II địch lập tức điều động một lực lượng lớn gồm hai tiểu đoàn của Sư đoàn 22, có cố vấn Mỹ đi kèm, tổ chức hành quân từ Pleiku xuống giải vây.
Chờ đúng thời điểm địch lọt vào trận địa phục kích, bộ đội ta lập tức tổ chức các trận đánh dọc tuyến đường 21 (nay là quốc lộ 14C) và các khu vực rừng núi phía Đông Nam Plei Me. Những đòn đánh táo bạo đã khiến lực lượng tiếp viện bị thiệt hại nặng, hàng trăm lính Mỹ và ngụy bị tiêu diệt, nhiều xe cơ giới bị phá hủy. Trận phục kích điển hình tại suối Ia Meur ngày 23-10 đã đánh trúng đoàn xe viện binh, đẩy quân địch vào thế hoảng loạn.
Lúc này, Mỹ buộc phải lộ bài: trực tiếp tung Lữ đoàn 1 Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 - đơn vị cơ động đường không hiện đại nhất thời bấy giờ vào chiến trường Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên lực lượng viễn chinh Mỹ trực tiếp đụng độ với quân chủ lực của ta trong một chiến dịch quy mô lớn. Địa điểm quyết chiến nhanh chóng được xác lập tại thung lũng Ia Đrăng, cách Plei Me khoảng 25km về phía Tây.
Từ ngày 14 đến 18-11-1965, tại thung lũng Ia Đrăng (nay thuộc xã Ia Piar, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), bộ đội chủ lực ta đã tiến hành nhiều trận chiến dữ dội với Lữ đoàn Kỵ binh bay Mỹ. Dưới làn bom pháo dày đặc, bằng chiến thuật bao vây chia cắt, kết hợp tiến công gần, đánh giáp lá cà và khóa chặt đường tiếp tế, ta đã gây tổn thất nặng nề cho đối phương.
Đặc biệt, tại trận đánh tại bãi đáp X-Ray (bãi đáp Tranh) và bãi Albany, quân ta đã áp sát đánh từng cụm quân, phá vỡ đội hình kỵ binh cơ giới, bắn rơi hàng chục trực thăng và tiêu diệt hàng trăm lính Mỹ. Những trận đánh này không chỉ khiến địch choáng váng mà còn cho thấy ta hoàn toàn có thể đánh bại lực lượng cơ động cao, trang bị hiện đại của quân đội Mỹ.
Chiến dịch khép lại ngày 26-11-1965 với thắng lợi toàn diện: ta loại khỏi vòng chiến gần 3.000 tên địch (trong đó có hơn 1.700 lính Mỹ), phá hủy 59 máy bay, tiêu diệt và làm tê liệt một bộ phận tinh nhuệ của quân viễn chinh Mỹ ngay trong lần đầu ra quân quy mô lớn tại chiến trường rừng núi.
Chiến thắng Plei Me - Ia Đrăng không đơn thuần là một trận đánh thắng lợi, mà còn là minh chứng cho nghệ thuật quân sự đặc sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là khả năng nắm chắc thời cơ, vận dụng linh hoạt chiến lược “vây điểm - diệt viện”, chọn đúng điểm đột phá chiến lược. Bằng thế trận bao vây, tập kích, phục kích liên hoàn, ta đã chủ động kéo quân địch vào trận địa ta bố trí sẵn, đánh đúng chỗ yếu nhất của đối phương.
Trận thắng này cũng chứng minh rằng quân đội Mỹ, dù hiện đại đến đâu vẫn có thể bị đánh bại nếu đối phương có ý chí chiến đấu và nghệ thuật tác chiến phù hợp. Đây là thất bại đầu tiên của quân viễn chinh Mỹ trong một chiến dịch quy mô lớn tại Việt Nam, giáng đòn mạnh vào tâm lý chủ quan của Lầu Năm Góc.
Về chiến lược, chiến thắng Plei Me - Ia Đrăng góp phần làm thất bại bước đầu chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, khiến giới quân sự Mỹ phải đánh giá lại tham vọng “tìm diệt” và nhận ra rằng Việt Nam không phải là một chiến trường dễ dàng như họ tưởng tượng. Plei Me chính là bước ngoặt chuyển sang thế phản công chủ động của cách mạng miền Nam, góp phần tạo thế và lực cho các chiến dịch lớn sau này như Vạn Tường, Đường 9 - Nam Lào, Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Di tích lịch sử chiến thắng Plei Me. Ảnh: Xuân Hiền
Âm vang bất diệt của một bản anh hùng ca Tây Nguyên
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến chiến thắng Plei Me, chúng ta lại thấy niềm tự hào to lớn trào dâng. Chiến thắng ấy không chỉ là chiến công quân sự mà còn là biểu tượng của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi ấy, giữa rừng núi Chư Prông, những người lính đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, khắc sâu trong lịch sử dân tộc bản hùng ca bất khuất.
Di tích lịch sử chiến thắng Plei Me đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 311/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Viếng thăm chiến địa Plei Me hôm nay không chỉ là cuộc hành trình trở về với một địa danh lịch sử từng ghi dấu những tháng ngày máu lửa, mà còn là hành trình trở về với cội nguồn sức mạnh dân tộc.
Di tích này không chỉ mang giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc, mà còn là biểu tượng trường tồn của lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta trong lần đầu tiên trực diện đối đầu với quân đội Mỹ: đội quân mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Chiến thắng Plei Me đã chứng minh một chân lý: Không có sức mạnh nào có thể khuất phục được một dân tộc kiên cường đấu tranh vì chính nghĩa, vì độc lập, tự do.
Chiến thắng Plei Me là niềm tự hào to lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Di tích này không chỉ là nơi tri ân những người con anh dũng đã ngã xuống vì Tổ quốc, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc tinh thần bất khuất và khơi dậy ý chí vươn lên cho các thế hệ hôm nay và mai sau.