Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/6
Dưới đây là những diễn biến chính đang lưu ý trong tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/6/2022.
Ukraine phản công nhằm đẩy lùi bước tiến của Nga tại Severodonetsk: Quân đội Ukraine đang tiến hành một loạt cuộc phản công ở phía Đông thành phố Severodonetsk dù Nga đã kiểm soát phần lớn thành phố này.
Ông Serhiy Hayday, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Lugansk cho biết, các lực lượng của Điện Kremlin đã không đạt được bước tiến nào vào đêm 1/6 trong một nỗ lực giành quyền kiểm soát Severodonetsk. Theo ông Serhiy Hayday, Nga đã triển khai 10.000 binh sỹ để giành thành phố chiến lược này nhưng quân đội Ukraine đã tìm cách dụ đối phương ra khỏi một số tuyến đường.
EU nhất trí thông qua gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga: Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga hôm 2/6. Gói trừng phạt trên bao gồm lệnh cấm vận đối với dầu thô Nga.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao không nêu tên nói với các nhà báo ở Brussels (Bỉ): “Có quyết định từ các đại sứ. Gói thứ 6 sẽ có hiệu lực sau khi được công bố trên Tạp chí Chính thức của EU, dự kiến là vào ngày 3/6”.
Moscow không tin Ukraine sẽ không tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ: Ngày 1/6, chính quyền Mỹ đã công bố về gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD, bao gồm các hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS và đạn dược kèm theo cho Ukraine. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow không tin Kiev sẽ không tấn công Nga bằng loại vũ khí này.
Trả lời các phóng viên, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow không tin Ukraine sẽ không tấn công lãnh thổ Nga nếu nhận được các hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa (MLRS) của Mỹ như những gì Tổng thống Zelensky tuyên bố.
Tư lệnh tác chiến mạng của Mỹ thừa nhận tấn công Nga trên lãnh thổ Ukraine: Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Paul Nakasone kiêm tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến mạng của quân đội Mỹ phát biểu vào hôm 1/6 rằng Bộ chỉ huy tác chiến mạng này đã được triển khai tới Ukraine và thực hiện các chiến dịch tấn công nhằm vào Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với Sky News, tướng Nakasone cũng tiết lộ: Lực lượng nghe lén của Mỹ đã tiến hành chiến tranh thông tin với sự trợ giúp của các hãng truyền thông như CNN.
Mỹ tính bán UAV có khả năng trang bị tên lửa Hellfire cho Ukraine: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch bán 4 máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Gray Eagle có khả năng trang bị tên lửa “hỏa ngục” để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Reuters dẫn 3 nguồn tin cho biết.
Theo các nguồn tin, việc bán UAV do General Atomic sản xuất có thể bị Quốc hội Mỹ phản đối, mặc dù Lầu Năm Góc đã xem xét kế hoạch này trong vài tuần qua.
Cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine: Mỹ, Đức đang “đổ thêm dầu vào lửa”: Mỹ và Đức cam kết trang bị cho Ukraine một số vũ khí tiên tiến mà nước này mong muốn từ lâu để có thể bắn hạ máy bay và tấn công hệ thống pháo binh của Nga. Động thái này được nhận định là đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng qua.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không lớp IRIS-T và radar phát hiện mục tiêu hiện đại.
Thụy Điển cung cấp vũ khí chống hạm và vũ khí chống tăng cho Ukraine: Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde viết trên mạng xã hội Twitter: “Thụy Điển sẽ gửi tên lửa chống hạm, vũ khí chống tăng, súng 12,7mm, bao gồm cả đạn cho Ukraine. Gói hỗ trợ thứ 4 này cũng bao gồm viện trợ tài chính cho quân đội Ukraine. Tổng số tiền gồm hơn 95 triệu euro”.
Anh sẽ gửi hệ thống rocket tầm bắn 80km cho Ukraine: Anh sẽ gửi hệ thống phóng rocket đa nòng cho Ukraine để Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết.
Anh sẽ gửi hệ thống phóng rocket đa nòng M270 có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 80km cho Ukraine. Tuyên bố của Văn phòng Đối ngoại Anh cho biết, hệ thống này sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực của các lực lượng Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đã bước sang tháng thứ tư.
Đệ nhất phu nhân Ukraine: Nhượng lãnh thổ cho Nga sẽ không chấm dứt được chiến tranh: Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với đài ABC News (của Mỹ), Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã nói về tình trạng xung đột hiện tại giữa Ukraine và Nga. Bà cho rằng vẫn sẽ không chấm dứt được chiến tranh nếu Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga.
Chiến sự Nga - Ukraine gây hậu quả chưa từng thấy ở trẻ em kể từ sau Thế chiến thứ 2: Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết, hơn 5 triệu trẻ em hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo vì cuộc chiến ở Ukraine. Theo UNICEF, đây là “hậu quả đối với trẻ em ở quy mô và tốc độ chưa từng thấy từ sau Thế chiến thứ hai”.
“Cứ 3 trẻ em thì có gần 2 trẻ em phải di tản vì chiến tranh. 3 triệu trẻ em ở Ukraine và hơn 2,2 triệu trẻ em ở các nước tiếp nhận người tị nạn hiện đang cần hỗ trợ nhân đạo. Ít nhất 262 trẻ em đã thiệt mạng và 415 trẻ em bị thương”, UNICEF cho biết trong một tuyên bố.
Trận chiến Donbass kết thúc có thể mở màn cuộc chiến tranh Nga-Ukraine khốc liệt hơn: Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine được dự báo sẽ tiếp tục dữ dội khi cả hai bên chưa giành được những chiến thắng lớn quyết định, cũng như không chịu nhượng bộ nhau. Việc Nga giành được thắng lợi ở Donbass nhiều khả năng mới chỉ là sự kết thúc của quá trình bắt đầu.
Khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine khởi động vào ngày 24/2/2022, người ta cho rằng chiến dịch này sẽ hoàn thành trong vòng 2 tuần. Nhưng hiện nay, chiến dịch đã kéo dài hơn 3 tháng và có dấu hiệu sẽ kéo dài hàng năm trời.
Nga hợp tác với Vùng Vịnh, phá thế bao vây và sức ép từ phương Tây: Cuộc gặp mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với 6 người đồng cấp của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) được cho là nhằm tìm kiếm giải pháp bù đắp cho những thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu nhất là về lương thực và giá dầu mỏ. Không chỉ chính Nga hay Ukraine mà các nước Arab, Vùng Vịnh, EU và châu Á nói chung cũng bị thiệt hại về kinh tế khi Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga. Nga và Ukraine sản xuất khoảng 30% nguồn lúa mì của thế giới. Nga là một trong 10 nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và thành viên của OPEC+./.