Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/7

Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 2/7/2024.

Ukraine đề xuất mô hình đàm phán với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không loại trừ đàm phán hòa bình trong tương lai với Nga, nhưng các cuộc đối thoại chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian.

Phát biểu với Philadelphia Inquirer ngày 30/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, hình thức được sử dụng để dẫn tới thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen năm 2022 có thể hữu ích cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga. Khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã ký các thỏa thuận riêng với Nga và Ukraine.

Tổng thống Zelensky tuyên bố, các thỏa thuận về “toàn vẹn lãnh thổ, năng lượng và tự do hàng hải” có thể được ký kết giữa Ukraine và Nga theo hình thức tương tự. Ông đề xuất các nước khác có thể được mời làm trung gian hòa giải. Sẽ không chỉ có châu Âu và Mỹ mà các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng có thể tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu sau đó được chuyển cho Nga và Ukraine.

Ukraine khai hỏa pháo HIMARS ở Donetsk, ngày 18/5/2023. Ảnh: Getty

Ukraine khai hỏa pháo HIMARS ở Donetsk, ngày 18/5/2023. Ảnh: Getty

Nga tung đòn chính xác phá hủy trung tâm vận hành UAV của Ukraine. Ngày 30/6, một trung tâm điều khiển UAV của Ukraine ở Kherson đã bị vô hiệu hóa sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga.

Nga đã điều máy bay không người lái cảm tử vượt qua hệ thống phòng thủ của Ukraine và tung đòn chính xác để cản trở hoạt động của máy bay không người lái của đối phương trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay không người lái của Nhóm chiến đấu Dnepr đã đột nhập vào cứ điểm của đối phương ở hữu ngạn một con sông tại khu vực Kherson và phá hủy trung tâm điều khiển UAV của Ukraine, làm tê liệt hoạt động của đối phương.

Nga sử dụng đường hầm bí mật đột kích thành trì lớn của Ukraine ở Donbass. “Thành trì lớn của Ukraine ở ngoại ô phía Đông của thị trấn Kirovo (thuộc Donbass) đã bị các đơn vị thuộc Nhóm chiến đấu Tsentr của Nga chiếm giữ bằng cách sử dụng một đường hầm dưới lòng đất”, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Các binh lính đã bí mật dọn sạch và sử dụng một đường hầm dài hơn 3km dọc kênh đào Seversky Donets, sau đó tiến vào phía sau các vị trí được phòng thủ kiên cố của đối phương - nơi có các điểm khai hỏa lâu dài và hầm trú ẩn dưới lòng đất. Các binh lính đã thiết lập một tuyến tiếp tế xuyên qua đường hầm, cung cấp cho lực lượng tấn công đạn dược, vũ khí và lương thực.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh yếu tố bất ngờ giúp đơn vị thành công chiếm giữ toàn bộ vị trí. Một số binh lính Ukraine đầu hàng trong khi những người khác bỏ vị trí và rút lui.

Lý do tiêm kích Nga trở thành "mồi ngon" nhưng Ukraine không thể tấn công. Gần biên giới với phía Đông Bắc Ukraine, một số tiêm kích Su-34 của Nga nằm lộ diện trên đường băng của một sân bay quân sự khi đang chờ lệnh tiến hành cuộc tấn công tiếp theo. Căn cứ không quân Voronezh Malshevo là điểm cất cánh của các chiến đấu cơ do Trung đoàn Máy bay ném bom cận vệ số 47 của Không quân Nga vận hành.

Chỉ cách biên giới Ukraine 160km, căn cứ này dễ dàng nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất - một hệ thống vũ khí pháo binh đất đối đất có tầm bắn 300km. Tuy nhiên, Mỹ đã cấm Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng ATACMS. Kiev chỉ được phép tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ có chủ quyền, bao gồm cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Nga thả bom 3 tấn xuống New York thuộc vùng Donbass. Theo thông tin từ một số kênh Telegram vào hôm 30/6, Nga sử dụng bom khổng lồ FAB-3000 để tấn công khu New York thuộc vùng Donbass, phá hủy một trung tâm chỉ huy quân sự của Ukraine tại đó, làm tử vong ít nhất 60 binh lính, phá hủy 4 xe quân sự. Một trong các bài viết cho hay, tòa nhà trúng bom đã “biến mất không để lại dấu vết nào”.

Ukraine tuyên bố phá hủy hệ thống phòng không Nga bằng đòn tấn công chính xác. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) hôm 29/6 thông báo họ đã phá hủy thành công một loạt hệ thống phòng không Nga tại những vị trí không nêu rõ, bao gồm 4 hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M2 tiên tiến, 3 hệ thống Pantsir-S1 tầm ngắn và một hệ thống Buk tầm trung.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 30/6 cũng xác nhận đã phá hủy được các hệ thống phòng không Nga, nhưng không nói thời điểm hệ thống đó bị tấn công.

Nga lần đầu sử dụng bom lượn FAB-500T ở Ukraine. Theo Defense Express, trong tuần trước (24-30/6), lực lượng Nga đã sử dụng bom hiếm FAB-500T được trang bị mô-đun điều chỉnh và lập kế hoạch phổ quát (UMPK), trong 2 cuộc tấn công vào khu vực Kharkov. Trong cả 2 vụ tấn công, bom không phát nổ. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng bom FAB-500T trang bị mô-đun UMPK kể từ khi xung đột bùng phát.

Không giống như biến thể FAB-500M62 tiêu chuẩn mà Nga đã sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay, bom FAB-500T có trọng lượng nổ thấp hơn một chút (chỉ 260kg, trong khi biến thể tiêu chuẩn là với 300kg). Ngoài ra, nó còn có thiết kế mang lại hiệu suất khí động học vượt trội trong suốt hành trình bay. Điều đáng chý ý nhất là biến thể FAB-500T thường được triển khai trên máy bay trinh sát và tấn công như MiG-25RB có thể đạt tốc độ lên tới 3.000km/h.

Chữ “T” trong FAB-500T mang ý nghĩa “khả năng chịu nhiệt”. Những quả bom này được thiết kế để chịu được áp suất nhiệt liên quan đến việc máy bay mang loại bom này di chuyển với tốc độ lên tới 3.000km/h. Một số nguồn tin cho rằng FAB-500T, nhờ thiết kế khí động học đặc trưng, có thể lướt đi quãng đường 30-40 km mà không cần thiết bị phụ trợ.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-27-post1105053.vov