Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 26/11

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 26/11/2024.

Mặt trận Kursk rực cháy, Ukraine thấp thỏm trước cuộc tấn công lớn nhất của Nga: Ngày 6/8, một lực lượng lớn của Ukraine đã bất ngờ tấn công khu vực Kursk ở phía Tây nước Nga và đến nay chiếm giữ gần 650 km2 lãnh thổ. Ngày 7/11, một lực lượng lớn tương đương của Nga đã phản công theo hướng thị trấn Sudzha dọc tuyến đường chính chạy từ Zelenyi Shylakh ở phía Tây của vùng lãnh thổ trên.

Theo Forbes, trong hơn 2 tuần giao tranh ác liệt, các lực lượng của Nga hầu như chưa đạt được bất kỳ tiến triển nào song Moscow vẫn chưa từ bỏ và cuộc tấn công lớn nhất của họ có lẽ sắp diễn ra. Điện Kremlin đã tăng cường lực lượng với 50.000 quân ở Kursk cùng các binh lính của 2 sư đoàn lính dù Nga là sư đoàn 76 và 106, cộng thêm với Lữ đoàn Tấn công trên không 83 và Lữ đoàn Bộ binh Hải quân 155.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty

Phương Tây dè chừng khi Nga trả đũa Ukraine bằng tên lửa đạn đạo mới nhất: Ngay sau khi Ukraine phóng tên lửa đạn đạo ATACMS (tầm bắn khoảng 300km) vào lãnh thổ Nga, quân đội Nga liền đáp trả bằng cách nã tên lửa đạn đạo Oreshnik (tầm bắn khoảng 3.000-5.000km) vào thành phố ở miền Trung Ukraine. Oreshnik là tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và rất khó đánh chặn.

Giới phân tích nhận định: Thông qua vụ phóng Oreshnik, Nga muốn nhắc nhở phương Tây rằng vũ khí Nga đã sẵn sàng cho một đòn tấn công hạt nhân hiểm hóc mà đối phương khó ngăn chặn được.

Nga tấn công bằng tên lửa Oreshnik vào Ukraine là “lời cảnh báo” với phương Tây: Ngày 24/11, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố cuộc tấn công vào cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa tầm trung với thiết bị siêu thanh phi hạt nhân Oreshnik là “lời cảnh báo” đối với phương Tây.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, phương Tây “đang chứng tỏ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trấn áp Nga, nhằm gây ra một thất bại chiến lược cho nước này”. Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh “phương Tây cần suy nghĩ, cân nhắc điều này, vì Nga có những vũ khí hiện đại, việc Nga tấn công hiệu quả vào cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa Oreshnik là một minh chứng”.

Nga tuyên bố bắn hạ 7 tên lửa của Ukraine ở Kursk: Thống đốc khu vực Kursk cho biết quân Nga bắn hạ 7 tên lửa và 7 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm tại vùng Kursk.

"Máy bay chiến đấu phòng không của chúng tôi đẩy lùi cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine vào đêm qua", Thống đốc vùng Kursk Alexei Smirnov viết trên kênh Telegram. Ông Alexei Smirnov không cung cấp thêm chi tiết.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng cộng 23 máy bay không người lái của Ukraine bị phá hủy trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, bộ này không đề cập đến số tên lửa thiệt hại.

Ukraine phân tích mảnh vỡ tên lửa đạn đạo siêu thanh mới của Nga: Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik mà Nga tuyên bố đã phóng vào thành phố Dnipro hôm 21/11 vừa qua. Giới chức Ukraine cho hay tên lửa Oreshnik của Nga đạt vận tốc tối đa 13.000km/h trên hành trình tấn công các mục tiêu ở thành phố Dnipro. Các loại tên lửa đạn đạo tầm trung thường có tầm bắn khoảng 5.500km.

Hiện tại, các chuyên gia Ukraine đánh giá thận trọng về tên lửa Oreshnik. Họ chỉ nói rằng đây là một loại vũ khí có quỹ đạo bay đặc trưng của một tên lửa đạn đạo.

“Đây mới chỉ là kết luận sơ bộ. Việc cung cấp thông tin chi tiết hơn đòi hỏi cần có thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng những phần còn lại của quả tên lửa”, ông Ivan, một trong các chuyên gia giải thích.

Ukraine tuyên bố tên lửa Nga Oreshnik có thể bị đánh chặn: Nga đã lần đầu tiên phóng tên lửa Oreshnik vào thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ở thời điểm hiện tại, không có hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể đánh chặn tên lửa này.

Tuy nhiên, ngày 24/11, ông Zelensky đã phản bác tuyên bố của Tổng thống Putin. "Thế giới đã có các hệ thống phòng không có khả năng chống lại những mối đe dọa như vậy. Mọi người phải tập trung vào điều này. Nga cần phải cảm nhận được rằng mọi động thái mở rộng xung đột đều phải chịu hậu quả", ông Zelensky nói.

Tiết lộ bí quyết giúp Nga đối phó hiệu quả tên lửa tầm xa của phương Tây: Theo các nhà phân tích, Nga hiện có rất nhiều loại vũ khí và cách thức để đối phó hiệu quả tên lửa tầm xa của phương Tây.

Ông Aytech Bizhev, cựu phó chỉ huy Không quân Nga cho biết, Nga có những hệ hống phòng thủ có thể phản ứng ngay lập tức với các mối đe dọa trên không. Theo ông Bizhev, việc Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa S-300V vốn là biến thể của hệ thống S-300 vào năm 1987 đã đặt nền móng cho sự cải tiến đáng kể về công nghệ quân sự. Các hệ thống phòng không ra đời sau đó, được thử nghiệm tại các bãi thử và trong những cuộc tập trận của Nga, đã chứng minh hiệu quả trong việc xử lý các mối đe dọa đạn đạo.

Lý do Mỹ tin rằng Nga chỉ tung "đòn gió" về tấn công hạt nhân: Nhiều người phương Tây cảm thấy bất an sâu sắc sau khi Tổng thống Putin ký sửa đổi học thuyết hạt nhân Nga mới đây. Tuy nhiên, một số chuyên gia và cả quan chức của Mỹ tin rằng đó chỉ là "đòn gió" của Nga vì Nga cũng gặp những khó khăn và ràng buộc nhất định.

Chuyên gia John Hardie của Quỹ Phòng vệ dân chủ (FDD, trụ sở cũng tại Washington) thì cho rằng khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tập kích tên lửa vào Nga là rất thấp. Ông Hardie nhắc lại các lần Nga đã kiềm chế khi đối phương liên tục vượt “lằn ranh đỏ”: “Khi Ukraine thực hiện tập kích bán đảo Crimea và những lãnh thổ Ukraine do Nga sáp nhập, Nga đã không phản ứng lại bằng vũ khí hạt nhân”.

Khả năng Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ nếu muốn chấm dứt xung đột với Nga: Giữa lúc xung đột Nga-Ukraine đang có dấu hiệu leo thang, ông Erik Prince - người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành của công ty quân sự tư nhân Blackwater, ngày 24/11 cho rằng Kiev nên từ bỏ hy vọng giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố chủ quyền nếu muốn chấm dứt xung đột.

"Không có kết quả tốt đẹp nào cho cuộc chiến này. Cuộc chiến này cần phải hạ nhiệt và chấm dứt. Không có cơ hội nào để Ukraine giành lại những khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập như Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia và đặc biệt là bán đảo Crimea", ông Prince nói trong lần xuất hiện trên chương trình Sunday Morning Futures của Fox News với người dẫn chương trình Maria Bartiromo ngày 24/11.

Diệp Thảo/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-2611-post1137930.vov