Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 28/2
24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Nga tấn công trung tâm tình báo của Ukraine gần thủ đô Kiev và Phương Tây đưa 'tối hậu thư' cho Ukraine về đàm phán với Nga.
Ukraine thừa nhận tình hình ở Bakhmut “cực kỳ căng thẳng”: Tình hình ở thành phố Bakhmut đang “cực kỳ căng thẳng, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, Đại tá Oleksandr Syrskyi cho biết ngày 28/2.
Nga đang tìm cách cắt đứt các tuyến tiếp vận cho lực lượng Ukraine ở Bakhmut - nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất, và buộc Kiev phải đầu hàng hoặc rút khỏi thành phố này.
Điều đó sẽ trao cho Nga “phần thưởng lớn” đầu tiên trong hớn nửa năm qua và mở đường cho Moscow kiểm soát được các trung tâm đô thị cuối cùng mà Ukraine đang kiểm soát ở Donetsk.
Quan chức tình báo tiết lộ kế hoạch phản công của Ukraine ở Crimea: Theo một quan chức tình báo cấp cao Ukraine, cuộc phản công sắp tới nước này sẽ đặt mục tiêu chia cắt Bán đảo Crimea với lục địa Nga trong chiến dịch giành lại một số vùng lãnh thổ bị Moscow kiểm soát ở phía Nam.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái, cây cầu bắc qua Eo biển Kerch là cây cầu duy nhất nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga.
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Moscow sau đó đã tạo nên một "hành lang trên đất liền" tới Crimea bằng cách kiểm soát đường bờ biển, trong đó có Mariupol. Một phần của cầu Crimea đã bị tấn công vào mùa thu năm ngoái.
Điện Kremlin nói gì về việc ông Putin ra tranh cử tổng thống năm 2024? Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa thông báo liệu có tranh cử tổng thống năm 2024 hay không và hiện còn quá sớm để thảo luận về khả năng này, Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Putin đã sẵn sàng cho quyết định tái tranh cử hay chưa, ông Peskov đã trả lời rằng: "Cho đến nay, Tổng thống không có tâm trạng nói về chiến dịch tranh cử. Tổng thống Putin có nhiều việc cần phải làm. Chúng tôi chưa nghe bất kỳ thông báo gì từ ông ấy về việc có ra tranh cử hay không. Hơn nữa, hiện tại có lẽ còn quá sớm để nói về điều đó. Chúng ta phải kiên nhẫn".
DPR: Kiểm soát Berkhovka và Yagodnoye giúp Nga bao vây Bakhmut: Tình hình gần Bakhmut đã thay đổi đáng kể trong những ngày gần đây bởi việc kiểm soát Berkhovka và Yagodnoye sẽ giúp quân đội Nga bao vây thành phố này, ông Denis Pushilin, lãnh đạo của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho hay ngày 27/2.
"Trong những ngày gần đây, chúng tôi đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong khu vực này. Bakhmut hiện đang là tâm điểm", ông Denis Pushilin cho hay trên kênh truyền hình Rossiya-24.
Theo lãnh đạo DPR, việc kiểm soát Berkhovka và Yagodnoye giúp quân đội Nga có thể tiếp cận Bogdanovka và Khromovo - nhưng nơi đóng vai trò quan trọng cho thành công trong tương lai nhằm "bao vây kẻ thù và siết chặt vòng vây".
Truyền thông Đức: Phương Tây đưa "tối hậu thư" cho Ukraine về đàm phán với Nga: Theo truyền thông Đức, Ukraine có thời hạn cho đến mùa thu để giành lại các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, nếu không phương Tây sẽ gây áp lực buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.
Tờ Bild của Đức hôm 27/2 đưa tin, dẫn các nguồn giấu tên ở Washington và Berlin, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine đang xem xét việc áp đặt “tối hậu thư” với Kiev liên quan đến các cuộc đàm phán tiềm năng với Moscow.
Theo đó, với nguồn cung vũ khí mới, Mỹ và các đồng minh muốn cung cấp cho Ukraine “động lực” để cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát. Bên cạnh đó, phương Tây muốn thấy kết quả này vào mùa thu.
Nga nêu điều kiện trở lại Hiệp ước New START: Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua (27/2) cho biết, Nga sẽ không trở lại thực hiện Hiệp ước New START về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Mỹ cho đến khi Mỹ lắng nghe quan điểm của Nga.
Ông Peskov khẳng định, thái độ của các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ cần phải thay đổi với Nga. An ninh của một quốc gia không thể được đảm bảo bằng việc đánh đổi an ninh của một quốc gia khác. Theo ông Peskov, việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine cho thấy khối quân sự này không phải là đối thủ mà là kẻ thù của Nga.
Nội bộ Áo và Slovakia chia rẽ vì các biện pháp trừng phạt Nga: Tần suất các gói trừng phạt Nga tăng dần theo thời gian, song chúng được cho là không có nhiều tác động đến Moscow và thường gây tranh cãi giữa các nước thành viên EU.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, EU đã triển khai nhiều gói trừng phạt Nga trong đó nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ.
Tại Áo, các biện pháp trừng phạt Nga dường như ngày càng chia rẽ dân số, vốn đã bị chia rẽ về cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19. Trong khi người Áo nhìn chung ủng hộ các biện pháp trừng phạt, thì các cử tri của Đảng Tự do (FPO) cực hữu lại giữ vững lập trường phản đối.
Nga tấn công trung tâm tình báo của Ukraine gần thủ đô Kiev: Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/2 cho biết, Nga đã tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào một trung tâm tình báo điện tử của Ukraine ở khu dịnh cư Brovary, gần thủ đô Kiev.
Bộ này cho biết thêm, tên lửa của Nga cũng nhắm trúng trung tâm hoạt động đặc biệt của phương Tây, nằm gần thành phố Khmelnitsky ở phía tây Ukraine. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Nga tiếp tục tấn công theo hướng Donetsk, vô hiệu hóa hơn 250 binh sỹ Ukraine, cũng như hơn 10 thiết bị quân sự, trong đó có 2 xe tăng. Quân đội Nga cũng tuyên bố phá hủy một kho đạn dược gần thành phố Bakhmut và một hệ thống radar chống pháo AN/TPQ-37 của Ukraine do Mỹ sản xuất.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ bất ngờ thăm Ukraine: Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen ngày 27/2 đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ cho nước này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen đã có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky và các quan chức chủ chốt khác trong chính phủ Ukraine nhằm tái khẳng định những cam kết mà Tổng thống Joe Biden đã đưa ra trong chuyến thăm Kyiv mới đây. Hai bên cũng thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga bao gồm tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga cho nỗ lực phục hồi của Ukraine./.