Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 28/6
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý về chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 28/6.
Nga cảnh báo Ukraine chịu tổn thất to lớn nếu tiến hành cuộc tấn công mới: Ukraine có thể chịu tổn thất to lớn nếu cố gắng tiến hành một cuộc tấn công trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
"Có những thông tin cho rằng chính quyền Kiev có kế hoạch tiến hành một cuộc phản công khác trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại Washington từ 8 - 9/7", bà Zakharova nói bên lề Diễn đàn Pháp lý Quốc tế St. Petersburg lần thứ 12. Nhà ngoại giao này cho biết chính phủ Ukraine không mấy lo ngại rằng nếu họ tiếp tục thực hiện kế hoạch, tổn thất "thậm chí có thể khủng khiếp hơn những tổn thất thảm khốc mà lực lượng vũ trang Ukraine phải gánh chịu trong động thái liều lĩnh trước đó vào mùa hè năm 2023".
Kế hoạch của Nga nhằm xây dựng trật tự thế giới đa cực: Giữa khói lửa xung đột Ukraine và trong vòng vây của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nước Nga thời Tổng thống Putin kiên trì theo đuổi kế hoạch hướng tới một thế giới đa cực và nền an ninh “bình đẳng, không bị chia cắt”.
Ukraine tuyên bố thu được hơn 4000 ảnh chụp các cơ sở quân sự Nga: Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) đã thu được hơn 4.000 bức ảnh chụp các cơ sở quân sự của Nga nhờ sử dụng vệ tinh ICEYE trong gần 2 năm qua. Theo GUR, việc trinh sát từ quỹ đạo Trái Đất rất quan trọng vì nó cho phép thu thập dữ liệu từ cả các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát và cả các khu vực khác có sự hiện diện của lực lượng và tài sản quân sự Nga.
Bằng chứng cho thấy đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại: Theo một báo cáo mới của Viện RUSI, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không làm suy yếu được hoạt động sản xuất vũ khí của Nga. Đòn trừng phạt không hiệu quả một phần là do các nước phương Tây đưa ra quyết định quá thận trọng và chậm trễ trong việc chia sẻ thông tin tình báo. Báo cáo của Viện RUSI cho rằng, việc Nga mở rộng sản xuất vũ khí là bằng chứng rõ ràng cho thấy hàng nghìn biện pháp trừng phạt của phương Tây không hiệu quả.
Tình thế của Ukraine thay đổi thế nào sau khi phương Tây dỡ hạn chế vũ khí?: Một chỉ huy của Ukraine cho biết các lực lượng của Kiev đã có thể phá hủy các đoàn quân của Moscow sau khi được các đồng minh cho phép sử dụng vũ khí của họ để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Trước đây, các nhà phân tích mô tả Ukraine buộc phải chiến đấu bằng một tay bị trói sau lưng khi Nga sử dụng lãnh thổ của mình để tiếp tế cho các lực lượng và tiến hành các cuộc tấn công dồn dập bằng UAV, tên lửa và máy bay chiến đấu. Điều này đã thay đổi vào tháng 5 khi nhiều đồng minh của Ukraine cho biết giờ đây Kiev có thể sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự trên đất Nga.
Ukraine tìm ra điểm yếu khiến xe tăng mai rùa Nga gặp khó: “Người lái xe gần như không có tầm nhìn. Tháp pháo của xe tăng đã được cố định tại chỗ. Không có đạn dược và súng chính thậm chí còn không bắn được", Trung tá Ukraine Serhiy Misyura liệt kê những hạn chế của xe tăng mai rùa Nga.
Ukraine nói tình hình tiền tuyến Kharkov vẫn khó lường: Oleg Synegubov, tỉnh trưởng Kharkov, cho biết tình hình ở thành phố tiền phương Vovchansk khó lường, khi giao tranh liên tục diễn ra trên các tuyến phố.
Quan chức Ukraine nói hàng chục binh sĩ đối phương đang tập trung tại một nhà máy công nghiệp ở phía nam thành phố, dường như đề cập đơn vị bị tách khỏi lực lượng chủ lực Nga hồi tuần trước, nhưng không tiết lộ thêm thông tin. "Quân đội Nga đang tìm cách đột phá, nhưng liên tục hứng chịu tổn thất", ông cho hay.
Tác chiến điện tử tầm gần – Lớp giáp bảo vệ chiến hào Ukraine trước UAV: Cả Nga và Ukraine đều đang dựa vào tác chiến điện tử trong giao tranh. Đầu tư vào những khả năng này đóng vai trò quan trọng bởi chiến trường đầy rẫy các mối đe dọa từ UAV đến vũ khí chính xác. Một quan chức cấp cao Ukraine nhận định "mỗi chiến hào" đều cần các công cụ cho tác chiến điện tử tầm gần.