Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 29/7
Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 29/7.
Ukraine nói Nga lần đầu tiên tấn công vào Kiev sau nhiều tuần: Phía Ukraine cho biết, Nga đã tấn công tên lửa vào khu vực Kiev lần đầu tiên sau nhiều tuần và đánh cả vào khu vực Chernihiv ở phía Bắc. Theo ông Oleksii Hromov, một quan chức cấp cao Ukraine, Nga đã tấn công vào khu vực Kiev với 6 tên lửa được phóng từ Biển Đen, tấn công vào một đơn vị quân sự ở làng Liutizh nằm ở ngoại ô thủ đô Kiev. Ông cũng thông báo cuộc tấn công đã đánh sập 1 tòa nhà và phá hủy 2 tòa nhà khác trong khi quân đội Ukraine bắn hạ được một trong những tên lửa này ở thị trấn Bucha. Thống đốc khu vực Chernihiv Vyacheslav Chaus cũng xác nhận Nga đã phóng tên lửa vào đây từ lãnh thổ Belarus ở làng Honcharivska. Trước đó, khu vực Chernihiv cũng không là mục tiêu trong nhiều tuần.
Moscow lên tiếng sau bài báo Nga tổn thất 75.000 quân trong cuộc chiến ở Ukraine: Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ bài báo của New York Times về quy mô tổn thất của Nga ở Ukraine.
"Đây không phải là tuyên bố của chính quyền Mỹ mà là một bài báo. Trong những ngày này, thậm chí cả những tờ báo danh tiếng nhất cũng không tránh khỏi việc lan truyền tin giả. Và thật không may, những hành vi như vậy ngày càng trở nên phổ biển", ông Peskov cho hay.
Ngày 28/7, New York Times đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden tin là 75.000 quân Nga thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến ở Ukraine. Bài báo này dẫn nguồn tin từ một nghĩ sĩ giấu tên được cho là đã xem một tài liệu tóm tắt mật của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia. Trong khi đó, New York Times cũng thận trọng cho biết thương vong ước tính với quân đội hai bên chỉ mang tính chất suy đoán và những số liệu này có thể chênh lệch hàng chục nghìn người.
Thủ tướng Áo chỉ trích EU đang khiến các thành viên thất bại về việc mua khí đốt: Thủ tướng Áo - Karl Nehammer đã chỉ trích Ủy ban châu Âu và cho rằng các quốc gia thành viên thất bại trong việc đưa ra các chỉ thị trái ngược về việc mua khí đốt, đồng thời không thực hiện lời hứa của chính mình. Thủ tướng Nehammer cho rằng việc áp đặt lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga là không thể. Bởi lẽ, các biện pháp trừng phạt hiện nay không có quá nhiều tác dụng và lập trường của Áo là không thể cấm vận khí đốt vì sự phụ thuộc của các nền kinh tế như Áo, Đức cùng nhiều quốc gia khác vào khí đốt của Nga.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, EU cấm vận khí đốt Nga giống như tự đâm đầu vào tường. Thủ tướng Hungary cho rằng, kế hoạch của EU khi giảm tiêu thụ 15% khí đốt có thể đẩy liên minh này phải thiết lập kinh tế thời chiến và rơi vào suy thoái. Ông Orban đề nghị các nước phương Tây nên "thay đổi chiến lược" trong cuộc xung đột ở Ukraine và tìm kiếm các giải pháp "đem lại lợi ích cho Ukraine, EU, nền kinh tế các nước thành viên và các hộ gia đình đang trả hóa đơn tiền điện".
Điểm yếu chí mạng của EU trong cuộc chiến năng lượng với Nga: EU tự định nghĩa mình là một liên minh đoàn kết nhưng trước những thách thức nghiêm trọng và lợi ích riêng của từng nước thành viên, EU đang bộc lộ điều ngược lại.
3 thách thức lớn khiến thỏa thuận giữa Nga và Ukraine “dậm chân tại chỗ”: Dù Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận đột phá về nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cho các thị trường quốc tế qua Biển Đen nhưng các công ty vận tải biển không vội vàng tham gia hoạt động này do lo ngại nhiều rủi ro.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện nay cao hơn cả trong Chiến tranh Lạnh: Cố vấn An ninh Quốc gia Anh cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc, giữa bối cảnh những kênh đối thoại toàn cầu thời Chiến tranh Lạnh đã không còn. Theo ông Lovegrove, cuộc xung đột ở Ukraine cũng là một biểu hiện của sự cạnh tranh rộng khắp cho thấy những gì xảy ra với trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh.
"Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên nguy hiểm mới", Cố vấn Lovegrove bình luận, đồng thời dẫn ra sự mở rộng của các vũ khí hiện đại và chiến tranh mạng.
Ý đồ của Nga trong cuộc “tấn công quyến rũ” ở châu Phi giữa xung đột Ukraine: Ngoại trưởng Nga Lavrov đang có chuyến thăm châu Phi trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn liên quan đến xung đột Ukraine. Chuyến thăm cho thấy Nga đang rất cần châu Phi.
Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev khẳng định “đối với phản ứng của chúng tôi trước việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, như Tổng thống Putin đã nói, phản ứng này sẽ đối xứng”. Ông Dmitry Medvedev giải thích rằng, Nga sẽ thực hiện các bước đáp trả tùy thuộc vào mức độ của Phần Lan và Thụy Điển cho phép NATO triển khai căn cứ quân sự, lực lượng và vũ khí ở các nước này.
Nga tái tuyên bố muốn giải phóng các "thành phố của Nga" ở Ukraine: Đó là đánh giá của Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau khi bình luận về những nhận định của lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) Denis Pushilin rằng "đã đến lúc để giải phóng các thành phố của Nga" ở Ukraine.
"Điện Kremlin ủng hộ lập trường rằng cần giải phóng Ukraine khỏi những biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa tân phát xít, đó là điều cần thiết. Ngoài ra, cũng cần thực hiện một số biện pháp (nằm trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt) để bảo vệ người dân các nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk", ông Peskov cho hay.
Đức tắt đèn cắt nước nóng, Pháp tìm nguồn từ Trung Đông: Áp lực thiếu năng lượng đè nặng lên các nước châu Âu khiến họ phải tìm cách thích ứng. Đức đã khởi động tắt đèn cắt nước nóng để tiết kiệm. Trong khi đó, Pháp chủ động đón tiếp Thái tử Saudi Arabia để tìm kiếm thêm nguồn cung năng lượng.
Mỹ không có bằng chứng Nga mua UAV của Iran: Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ không có bằng chứng cho thấy Nga mua máy bay không người lái (UAV) của Iran, trái ngược với tuyên bố trước đó của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Bán vũ khí cho Ba Lan, Hàn Quốc tiến gần cuộc chiến ở Ukraine: Phát ngôn viên Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc cho biết các thỏa thuận mới nhất với Warsaw không liên quan đến việc giúp Ukraine, mà là nhằm hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Ba Lan.
“Phân công ngầm” giữa Nga và Trung Quốc ở Trung Á đang thay đổi: Ngoại trưởng Trung Quốc đang công du 3 nước Trung Á và dự Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - cơ hội để Trung Quốc đẩy mạnh vai trò và sự hiện diện tại khu vực này, đồng thời thể hiện quan điểm của mình trong SCO.
Lực lượng ly khai nói 40 tù binh người Ukraine chết do đạn pháo: Lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine cho hay, ít nhất 40 tù binh người Ukraine bị bắt trong giao tranh ở Mariupol vừa bị chết do chính đạn pháo của Ukraine.
Phản công tại Kherson là phép thử với bộ binh và pháo binh Ukraine: Nga đang tái triển khai lực lượng tới miền Nam Ukraine khi Kiev chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn nhằm giành lại thành phố Kherson./.