Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/6

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 3/6/2024.

Tổng thống Ukraine tìm kiếm sự ủng hộ của châu Á tại Đối thoại Shangri-La. Tổng thống Ukraine Zelensky đã có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 2/6, trong đó ông kêu gọi sự ủng hộ của thế giới, bao gồm cả châu Á, đối với kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt xung đột với Nga.

“Chúng tôi tin rằng thế giới muốn đoàn kết và có khả năng hành động một cách hài hòa”, ông Zelensky nhấn mạnh trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ bảy và cũng là phiên cuối cùng tại Đối thoại Shangri-La 2024 ngày 2/6.

Theo ông Zelensky, hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ “không phải là về viện trợ vũ khí mà là về sự hỗ trợ cho đến khi kết thúc chiến tranh”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giúp đỡ Ukraine chấm dứt cuộc xung đột với Nga hiện đã bước sang năm thứ ba. Ông Zelensky nhấn mạnh rằng, thời gian không còn nhiều khi Nga đang tiến hành chiến dịch tấn công mới.

Lữ đoàn xung kích số 92 khai hỏa về phía các vị trí của Nga ở khu vực Kharkov ngày 15/5/2024. Ảnh: AFP

Lữ đoàn xung kích số 92 khai hỏa về phía các vị trí của Nga ở khu vực Kharkov ngày 15/5/2024. Ảnh: AFP

Nga tấn công tầm xa quy mô lớn, phá hủy cơ sở năng lượng, kho vũ khí của Ukraine. Trong tuyên bố hôm 1/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các vũ khí phóng từ trên không và trên biển có độ chính xác cao đã được sử dụng trong đợt tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine chuyên hỗ trợ cho hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Ngoài ra, đợt tấn công cũng nhằm vào các kho chứa vũ khí do phương Tây sản xuất và cung cấp cho Ukraine.

“Mục đích của cuộc tấn công đã đạt được. Tất cả các mục tiêu đều đã bị tấn công”, tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, đợt tấn công mới nhất là phản ứng trước những nỗ lực của Kiev nhằm vào các cơ sở năng lượng và vận tải của Nga.

Chính quyền Ukraine cũng đã lên tiếng xác nhận những thiệt hai do đợt tấn công của Nga gây ra. Trong đó Ukrenergo, nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukraine, cho biết các cơ sở năng lượng ở 5 khu vực đã bị tấn công. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, cuộc tấn công của Nga có sự tham gia của hơn 50 tên lửa các loại, và khoảng 50 máy bay không người lái (UAV). Theo ông, hầu hết vũ khí Nga đã bị bắn hạ.

Ukraine nã loạt tên lửa HIMARS vào lãnh thổ Nga. Tạp chí Forbes ngày 1/6 đưa tin quân đội Ukraine đêm 31-5 (theo giờ địa phương) đã triển khai một số hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS nhắm tới thành phố Belgorod của Nga - cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 32km.

Động thái trên của Kiev diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngầm cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công hạn chế vào một số khu vực thuộc lãnh thổ Nga bên kia Kharkov. “Đây là bước tiến đáng mừng cho phép chúng tôi bảo vệ đất nước và người dân Ukraine khỏi các cuộc tấn công của Nga, cũng như những nỗ lực leo thang xung đột”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố trên mạng xã hội X, trước khi Ukraine trút hàng chục tên lửa có tầm bắn lên đến 300km xuống thành phố Belgorod đêm 31/5.

NATO vạch kịch bản kích hoạt phản ứng quân sự tập thể. Một cuộc tấn công mạng quy mô lớn do nhà nước bảo trợ nhằm vào một thành viên trong liên minh có thể kích hoạt Điều 5, và dẫn tới phản ứng quân sự tập thể. Đây là tuyên bố hôm 1/6 của Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO tại Đối thoại Shangri-La, hội nghị an ninh thường niên do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức tại Singapore.

“Tại NATO, chúng tôi đã nhất trí với tất cả các đồng minh rằng, về nguyên tắc, một cuộc tấn công mạng có thể là bước khởi đầu kích hoạt Điều 5. Không chỉ là tấn công vũ trang, mà một cuộc tấn công mạng cũng có thể là cơ sở cho việc thảo luận Điều 5, và dẫn tới các bước tiếp theo”, Đô đốc Bauer nói.

Tuy nhiên, ông thừa nhận phản ứng tập thể đối với một cuộc tấn công mạng có thể đối mặt với nhiều điều không chắc chắn. Bởi theo ông, khác với tấn công vũ trang, khó có thể xác định chính xác ai đứng đằng sau hay có tác nhân cấp nhà nước nào liên quan tới vụ tấn công mạng hay không.

Lãnh đạo phương Tây tham gia cuộc họp kín Bilderberg, bàn về Nga – Ukraine. Các quan chức phương Tây đã gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp và học giả tại hội nghị thượng đỉnh Bilderberg lần thứ 70 ở Madrid (Tây Ban Nha). Đằng sau cánh cửa đóng kín, những người tham gia thảo luận về Nga, Ukraine, trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai của chiến tranh.

Được tổ chức hằng năm từ 1954, hội nghị Bilderberg quy tụ những người giàu có và quyền lực từ châu Âu và Bắc Mỹ để thảo luận về các vấn đề kinh tế và chính sách.

Sự kiện chỉ dành cho những người được mời, không có tuyên bố hoặc thông cáo chính thức nào được đưa ra. Cuộc họp năm nay, được tổ chức tại Madrid, bắt đầu vào 30/5 và kết thúc vào 2/6. Trong số những người tham dự có Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Finer, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg... cùng các bộ trưởng ngoại giao của Tây Ban Nha, Ukraine, Thụy Điển, Ba Lan.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-36-post1099033.vov