Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 3/7
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 3/7/2025.
Nga lần đầu sử dụng UAV Chernika tấn công thành phố Kharkov của Ukraine: Trong một bài đăng mới đây, Thị trưởng Kharkov Ihor Terekhov cho biết quân đội Nga đã lần đầu tiên sử dụng máy bay không người lái Chernika để tấn công khu vực này.
“Trong tuần qua, Nga đã triển khai 16 đợt tấn công vào thành phố Kharkov của Ukraine. Thường thì Nga tấn công bằng Shaheds, nhưng các chuyên gia từ Bộ Tình hình Khẩn cấp cũng ghi nhận cuộc tấn công đầu tiên bằng một loại máy bay không người lái mới có tên là Chernika", bài đăng cho biết.
Nga triển khai hệ thống tên lửa siêu vượt âm ở Belarus vào cuối năm 2025: Hôm 1/7, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thông báo hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung siêu vượt âm Oreshnik của Nga sẽ được triển khai tại Belarus vào cuối năm 2025.
Đây là hệ thống tên lửa do Nga phát triển, được quảng bá là có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại. Tính đến nay, loại vũ khí này mới chỉ được sử dụng một lần trong cuộc xung đột với Ukraine.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Nga tuyên bố chiếm được ngôi làng đầu tiên ở Dnipropetrovsk, Ukraine phủ nhận: Các kênh tuyên truyền của Nga mới đây lan truyền thông tin rằng lực lượng nước này đã tiến vào ngôi làng Dachne, thuộc vùng Dnipropetrovsk của Ukraine. Trong các video lan truyền trên mạng xã hội, một số binh sĩ Nga xuất hiện trong các hầm trú ẩn, được cho là ở Dachne, đồng thời giương cao cờ Nga.
Nếu đúng sự thật, đây sẽ là địa điểm đầu tiên trong vùng mà Nga kiểm soát được. Tuy nhiên, phía Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Chiến dịch mùa hè bùng nổ, quân tinh nhuệ Nga và Ukraine quyết đấu ở Sumy: Nga đã tiến hành chiến dịch tấn công mùa hè ở miền Đông Ukraine và đang tiến triển chậm rãi với lợi thế về nhân lực, đạn pháo và tên lửa. Những tháng tới là thời điểm quan trọng trong nỗ lực của Điện Kremlin nhằm buộc Kiev phải thừa nhận thất bại.
Trung tướng Kyrylo Budanov – người đứng đầu Cục tình báo quân sự Ukraine cho biết, Nga cũng điều động những đơn vị tinh nhuệ nhất của họ vào cuộc chiến tại Sumy. Pháo binh Nga đã tiến sâu hơn vào khu vực, đưa nhiều thị trấn và làng mạc vào trong tầm ngắm.
Chiến thuật xe máy của Nga: Đột phá trên chiến trường hay ván cược liều lĩnh?: Bộ Tư lệnh Quân đội Nga đang đào tạo binh sĩ sử dụng xe máy trong các chiến dịch tấn công nhằm tăng cường tính cơ động trên các địa hình phức tạp. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, hiệu quả thực tế của hình thức tác chiến này vẫn còn là một câu hỏi mở.
Nga đã gia tăng tần suất triển khai các nhóm tấn công bằng xe máy, đặc biệt là tại mặt trận Donetsk. Việc sử dụng các đội mô tô được xem như một nỗ lực nhằm duy trì áp lực chiến thuật và giữ thế chủ động trên chiến trường trước khi mùa đông quay trở lại.
Vì sao Ukraine rút khỏi hiệp ước cấm dùng mìn chống bộ binh?: Tổng thống Zelensky mới đây tuyên bố Ukraine có thể sẽ sớm rút khỏi Hiệp ước Ottawa – một thỏa thuận quốc tế cấm sử dụng mìn sát thương, trong bối cảnh cuộc chiến với Nga ngày càng khốc liệt.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga thay đổi phương thức tác chiến, giảm phụ thuộc vào lực lượng thiết giáp và tăng cường sử dụng bộ binh. Việc Ukraine rút khỏi các cam kết của hiệp ước cũng đồng nghĩa với khả năng sản xuất và tích trữ mìn trong nước, mở đường cho việc triển khai chúng với quy mô rộng lớn và trong thời gian dài hơn.
Điện đàm Nga-Pháp có thể mở ra các kênh liên lạc giải quyết xung đột Ukraine: Điện Kremlin hôm 1/7 thông báo, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, Tổng thống Vladimir Putin đã điện đàm kéo dài 2 giờ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thảo luận về vấn đề Ukraine, Iran. Tổng thống Putin nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Nga với Ukraine "đều phải toàn diện và lâu dài, đảm bảo loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng Ukraine”.
Ông nhấn mạnh "xung đột Nga - Ukraine là hậu quả trực tiếp từ chính sách của các quốc gia phương Tây", và phương Tây trong nhiều năm "phớt lờ lợi ích an ninh của Nga và tạo ra đầu cầu chống Nga tại Ukraine". Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt và khởi động các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine để giải quyết xung đột một cách bền vững, lâu dài.
Mỹ tạm dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine vì kho dự trữ cạn kiệt: Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm thời ngừng chuyển giao một số loại vũ khí do nước này sản xuất cho Ukraine, trong bối cảnh kho dự trữ đang dần cạn kiệt. Theo các hãng tin Politico và NBC News, quyết định này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth yêu cầu tiến hành một cuộc rà soát nội bộ về mức độ hao hụt kho vũ khí, trong bối cảnh ngày càng gia tăng lo ngại về tốc độ tiêu thụ đạn dược hiện nay.