Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/4
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 4/4/2025.
Nga triển khai hàng loạt UAV tấn công thành phố Kharkov của Ukraine: Lực lượng Nga đã triển khai một loạt máy bay không người lái tấn công Kharkov – thành phố lớn thứ 2 của Ukraine vào cuối ngày 2/4. Cuộc tấn công kéo dài một giờ, dẫn đến một số vụ hỏa hoạn nhưng không gây ra thương vong.
Lực lượng Nga đã triển khai một loạt máy bay không người lái tấn công Kharkov – thành phố lớn thứ 2 của Ukraine vào cuối ngày 2/4. Cuộc tấn công kéo dài một giờ, dẫn đến một số vụ hỏa hoạn nhưng không gây ra thương vong.
Nga tấn công dữ dội miền Đông Ukraine, kiểm soát thêm một ngôi làng ở Donetsk: Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/4 tuyên bố các lực lượng nước này đã kiểm soát được làng Rozlyv ở khu vực Donetsk phía Đông Ukraine, vốn được coi trọng tâm của cuộc tiến công liên tục trong thời gian gần đây.
Quân đội Ukraine cho biết, lực lượng Nga đã tiến hành 5 cuộc tấn công vào Rozlyv và ngôi làng Kostiantynopil gần đó, song không thừa nhận Rozlyv đã nằm trong tay Nga. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, 3 trận chiến ác liệt vẫn đang diễn ra trong khu vực.
Tại Zaporizhzhia nằm ở phía Nam Ukraine, Thống đốc khu vực, ông Ivan Fedorov cho biết cuộc pháo kích của Nga đã khiến một người thiệt mạng tại một khu định cư trên tiền tuyến. Các quan chức ở khu vực Dnipropetrovsk lân cận nói rằng cuộc pháo kích của Nga đã khiến 3 người bị thương tại thị trấn Nikopol.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Getty
Cái kết không thể tránh khỏi của Ukraine khi đánh cược vào Kursk: Trước áp lực quân sự mạnh mẽ từ Nga, Ukraine có thể sẽ sớm buông bỏ “con bài mặc cả” Kursk, khép lại một canh bạc táo bạo nhưng đầy rủi ro nhằm tìm kiếm thêm lợi thế trên bàn đàm phán.
Dữ liệu từ Oryx, đơn vị theo dõi tổn thất quân sự thông qua nguồn tin mở, cho thấy từ cuối tháng 2/2025 đến giữa tháng 3/2025, Ukraine mất 122 phương tiện, trong khi Nga chỉ mất 51 phương tiện, chủ yếu là xe bọc thép, xe cơ động bộ binh, pháo tự hành và xe tăng. Tổng thiệt hại về trang bị trong chiến dịch Kursk được ước tính vào khoảng 790 phương tiện của Ukraine so với 740 của Nga.
"Từ khoảng đầu tháng /2025, việc Ukraine ở lại Kursk không còn khả thi nữa", chuyên gia Janovsky của Oryx cho biết, đồng thời gọi việc kéo dài thời gian bám trụ lại Kursk là "một quyết định chính trị thiển cận".
Lý do ông Trump “thiên vị” Nga, chĩa mũi tên vào Ukraine trên bàn đàm phán: Nỗ lực của Tổng thống Trump theo đuổi chính sách ngoại giao nước rút để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine dường như đang mâu thuẫn với cách tiếp cận của Nga và Ukraine. Bất chấp các động thái vừa mềm mỏng lại vừa gia tăng sức ép đối với các bên, ông Trump vẫn chưa thực hiện được mục tiêu.
Cho đến nay, Nga chưa phải đưa ra bất cứ sự nhượng bộ nào, trong khi đó, việc Ukraine sẵn sàng ngừng bắn theo các điều khoản của Trump đã mang lại lợi ích cho Moscow. Ông Volodymyr Dubovyk, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Odesa, Ukraine, cho rằng: "Có vẻ như mọi cây gậy đều dành cho Kiev và củ cà rốt dành cho Moscow".
Theo ông Dubovyk, dưới áp lực phải ký thỏa thuận khoáng sản, lựa chọn tốt nhất của Ukraine là tham gia đàm phán với Washington để cải thiện các điều khoản. Nhưng nếu Washington khăng khăng đòi thỏa thuận theo hình thức mới nhất, Kiev sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc ký thỏa thuận đầy bất lợi đối với họ trong tương lai, hoặc từ chối và khiến Nhà Trắng tức giận.
Cú đánh kép của châu Âu với Nga giữa lúc Mỹ thúc đẩy đàm phán về Ukraine: Một số quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine đã tăng cường nỗ lực để phong tỏa hàng tỷ USD tài sản của Nga bị đóng băng trong khi công bố các gói viện trợ mới dành cho Kiev.
Mỹ, EU và các đồng minh khác của Ukraine đã đóng băng hơn 300 tỷ USD tài sản của Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phần lớn trong số đó được giữ ở Euroclear, một tổ chức tài chính có trụ sở tại Brussels.
Tháng trước, Anh cho biết họ đã đóng băng 25 tỷ USD của Nga và các lệnh trừng phạt mà một số quốc gia áp đặt lên Nga đã khiến nền kinh tế của Moscow mất hơn 400 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, tương đương với 4 năm chi tiêu quân sự của Nga.
NATO cam kết viện trợ hơn 21 tỷ USD cho Ukraine: Ngày 2/4, Tổng Thư ký Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - Mark Rutte cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, các quốc gia thành viên đã cam kết viện trợ quân sự hơn 20 tỷ euro (khoảng 21,65 tỷ USD) cho Ukraine trong năm 2025.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời tái khẳng định cam kết hỗ trợ lâu dài với Kiev của các đồng minh NATO trong bối cảnh những thách thức an ninh hiện nay.
Ông Rutte cho biết thêm rằng, trong năm 2024, các quốc gia thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine hơn 50 tỷ euro viện trợ quân sự. Con số này vượt quá cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào tháng 7 năm ngoái, nơi các đồng minh cam kết cung cấp ít nhất 40 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2024. Hơn một nửa trong tổng số viện trợ vào năm 2024 đến từ các đồng minh châu Âu và Canada, trong khi Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp lớn nhất.