Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngày 6/7/2025
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 6/7/2025.
Ukraine tấn công nhà máy sản xuất đầu đạn cho UAV Shahed tại Nga. Ngày 4/7, Ukraine cho biết các máy bay không người lái tầm xa của nước này đã tấn công một cơ sở sản xuất quan trọng của Nga chuyên chế tạo đầu đạn cho các máy bay không người lái cảm tử Shahed – loại vũ khí đang gieo rắc nỗi ám ảnh trên khắp các thành phố Ukraine.
Theo thông tin từ Ukraine, mục tiêu bị tấn công là Viện Nghiên cứu Hóa học Ứng dụng FNPC, trực thuộc tập đoàn công nghiệp quốc phòng nhà nước Rostec của Nga. Cơ sở này nằm trong danh sách các thực thể bị quốc tế trừng phạt do liên quan trực tiếp tới cuộc chiến ở Ukraine. Ngoài việc sản xuất linh kiện cho hệ thống tên lửa và pháo binh, viện này còn đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển các đầu đạn nhiệt áp dành cho UAV Shahed.

Ukraine sử dụng máy bay không người lái tấn công các căn cứ của Nga. Ảnh: Reuters
Tình báo Ukraine thừa nhận không thể đảo ngược cục diện chiến trường. Người đứng đầu cơ quan Tình báo quân đội Ukraine (HUR), ông Kyrylo Budanov, thừa nhận lực lượng Ukraine không đủ khả năng đẩy lùi quân đội Nga. Trả lời phỏng vấn trong tuần này khi được hỏi về phát biểu gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Budanov cho rằng nhà lãnh đạo Nga “nói đúng về mặt quân sự”.
Ông Budanov cho biết không kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn trên chiến trường trong thời gian tới, khi quân đội Nga vẫn đang tiến từng bước chậm nhưng vững chắc. “Những diễn biến đáng kể, nếu có, sẽ chỉ xảy ra sau khi các cuộc đàm phán hòa bình được tiến hành”, ông nhận định.
Nga tuyên bố vẫn "hành động" dù ông Trump "không vui". Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết Moscow đang "rất chú ý" đến bất kỳ tuyên bố nào từ tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nga coi trọng mọi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, nhưng có lợi ích sống còn trong việc đạt được các mục tiêu của mình trong cuộc xung đột ở Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. Bình luận của ông được đưa ra sau phát biểu của Tổng thống Trump rằng ông "không vui" về việc thiếu tiến triển hướng tới hòa bình.
Nga khẳng định không chấp nhận thỏa thuận hòa bình nếu bị phớt lờ lợi ích. Ngày 4/7, trong cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Saudi Arabia, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine, nếu giải pháp đó không tính đến đầy đủ các lợi ích hợp pháp của Nga.
Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Nga sẽ không hài lòng với một kịch bản giải quyết xung đột với Ukraine mà không tính đến lợi ích hợp pháp của Nga trong lĩnh vực an ninh. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nêu rõ nhu cầu “cần phải loại bỏ và ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền của người nói tiếng Nga tại Ukraine trong tương lai”.
Bước lùi của Ukraine tại một trong những thời điểm nguy hiểm nhất. Việc Mỹ dừng hỗ trợ các hệ thống phòng không và các vũ khí khác cho Ukraine có thể trở thành bước lùi đáng kể với các lực lượng của Kiev tại một trong những thời điểm nguy hiểm nhất của cuộc xung đột.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), dẫn nguồn từ các báo cáo truyền thông phương Tây, cho biết việc Mỹ tạm ngừng viện trợ cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung các tên lửa đánh chặn PAC-3 dùng cho hệ thống phòng không Patriot, tên lửa phòng không vác vai Stinger, đạn pháo 155mm nổ mạnh và tên lửa không đối đất Hellfire. Việc cung cấp tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS), súng phóng lựu và tên lửa không đối không AIM cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Mỹ buông, Nga siết: Ukraine lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Trong khi Tổng thống Mỹ Doanld Trump tuyên bố ý định rút lui khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine thì Tổng thống Nga Putin đang đẩy mạnh nỗ lực thực hiện các mục tiêu đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Ukraine đang đối mặt với tình thế vô cùng cam go.
Theo giới phân tích, quyết định của Mỹ trong tuần này về việc ngừng cung cấp một số vũ khí quan trọng cho Ukraine đã trao cho Nga cơ hội lớn trong nỗ lực nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây, vốn đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì sự kháng cự của Kiev.
Ông Zelensky điện đàm với ông Trump giữa lúc Nga tăng cường không kích. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Tổng thống Zelensky đề nghị nối lại viện trợ các hệ thống phòng không, trong bối cảnh Ukraine hứng chịu đợt không kích lớn nhất của Nga vào thủ đô Kiev.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 4/7, trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường năng lực phòng không cho Kiev trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga ngày càng leo thang.
Tổng thống Pháp Macron tiết lộ nội dung cuộc điện đàm với ông Putin. Tổng thống Pháp Macron đã tiết lộ nội dung cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Nga Vladimir Putin - lần đầu tiên sau gần 3 năm.
Trong cuộc điện đàm Tổng thống Putin tiếp tục nhấn mạnh rằng cuộc xung đột tại Ukraine là kết quả của việc phương Tây trong nhiều năm đã phớt lờ các mối quan ngại an ninh chính đáng của Nga. Theo ông Putin, bất kỳ giải pháp nào cũng phải “toàn diện và lâu dài”, giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, đồng thời tính đến “những thực tế lãnh thổ mới” mà Moscow đang đề cập.
Lý do Nga chính thức công nhận chính quyền Taliban. Nga tuyên bố việc công nhận Taliban nhằm hợp pháp hóa hợp tác song phương đang mở rộng và tiến tới thiết lập quan hệ chính trị toàn diện với chính quyền mới tại Afghanistan.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh RT ngày 4/7, đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov cho biết việc Nga chính thức công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan là nhằm hợp pháp hóa mối quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng giữa hai bên, cũng như tiến tới thiết lập quan hệ chính trị toàn diện.