Mạnh tay chi tiêu quốc phòng có giúp kinh tế Đức hưởng lợi?

Ngành công nghiệp quốc phòng Đức đang khởi sắc nhờ chương trình đầu tư lớn do chính phủ điều hành. Nhưng liệu toàn bộ nền kinh tế Đức có được hưởng lợi từ điều này?

Thời hoàng kim cho các nhà sản xuất vũ khí Đức

Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận chung ở Pabrade, Litva. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận chung ở Pabrade, Litva. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo kênh DW (Đức), ngày 18/3, các nhà lập pháp nước này đã phê duyệt gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, đồng thời cũng dỡ bỏ giới hạn chi tiêu quốc phòng. Mục đích chính là cung cấp các khoản ngân sách cần thiết để Đức và lực lượng vũ trang của nước này "sẵn sàng cho chiến tranh", như Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius đã nhiều lần yêu cầu. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng vào đầu năm nay, ông Friedrich Merz cũng thể hiện quan điểm muốn Đức sở hữu quân đội chính quy mạnh nhất châu Âu.

Trong nhiều thập niên, ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã mất đi tầm quan trọng về mặt kinh tế. Năm 2020, cổ phiếu của Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, có giá 59 euro. Đến tháng 6/2025, chúng được giao dịch trong khoảng từ 1.700 đến 1.800 euro mỗi cổ phiếu. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự báo giá cổ phiếu Rheinmetall sẽ tiếp tục tăng, có thể lên mức 2.200 euro.

Đây được coi là thời kỳ hoàng kim cho các nhà sản xuất vũ khí Đức. Nhiều nhân vật chóp bu trong ngành công nghiệp quốc phòng khẳng định rằng điều này không chỉ có lợi cho ngành của họ mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.

CEO của nhà thầu quốc phòng Hensoldt - ông Oliver Dorre - vào tháng 3 chia sẻ với DW: “Chi tiêu quốc phòng là một chương trình kích thích kinh tế khổng lồ".

Trong khi đó, các nhà lập pháp Đức hy vọng rằng đợt chi tiêu này sẽ giúp hiện đại hóa ngành công nghiệp Đức và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học đã không quá phấn khích ngay cả trước khi quốc hội thông qua gói đầu tư. Giáo sư Tom Krebs tại Đại học Mannheim thừa nhận rằng tăng chi tiêu quân sự sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Đức nhưng mức kích thích dự kiến ở mức vừa phải.

Chi đậm ngân sách nhưng thu về ít?

Hệ thống phòng không Patriot của Đức tại căn cứ quân sự gần Zamosc, Ba Lan. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Hệ thống phòng không Patriot của Đức tại căn cứ quân sự gần Zamosc, Ba Lan. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Giáo sư Krebs và đồng nghiệp Patrick Kaczmarczyk đã tiến hành một nghiên cứu xem xét mức độ chi tiêu bổ sung của chính phủ sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức. Họ nhận ra rằng chi tiêu quân sự dự kiến có tác động tối đa 0,5. Điều này đồng nghĩa với việc trong trường hợp tối ưu nhất, 1 euro chi tiêu của chính phủ sẽ chỉ tạo ra 50 xu hoạt động kinh tế bổ sung.

Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục sẽ giúp tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lợi nhuận đầu tư. "Theo góc độ kinh tế, kế hoạch quân sự hóa nền kinh tế Đức là một canh bạc rủi ro với lợi nhuận kinh tế tổng thể thấp", ông Krebs kết luận.

Nguyên nhân có thể được giải thích một cách đơn giản. Sau khi chế tạo xong một chiếc xe tăng, nó sẽ đỗ ở đâu đó hoặc trong trường hợp xấu nhất là bị phá hủy trong trận chiến. Nói cách khác, một chiếc xe tăng không tạo ra bất kỳ giá trị kinh tế bổ sung nào. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng cũng giống như mua bảo hiểm. Bạn chi tiền để được bảo vệ trong trường hợp khẩn cấp.

Mặt khác, nếu nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, hàng hóa có thể được vận chuyển đến các doanh nghiệp nhờ những con đường, cây cầu và tuyến đường sắt này. Tại đó, chúng có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm bán ra thị trường. Nếu xây dựng thêm trường mẫu giáo, cha mẹ sẽ được tạo điều kiện để làm việc và kiếm tiền. Hơn nữa, đầu tư vào trường học giúp trẻ em có được nền giáo dục cần thiết cho tương lai.

Sản xuất quốc phòng hiện chỉ đóng góp rất ít vào tăng trưởng kinh tế nói chung, mặc dù các công ty vũ khí Đức đã ghi nhận số lượng đơn đặt hàng tăng đột biến. Ví dụ, Rheinmetall có đơn hàng tồn đọng trị giá khoảng 63 tỷ euro trong quý đầu tiên của năm 2025. Trước năm 2022, con số này chỉ hơn 24 tỷ euro. Các công ty quốc phòng khác của Đức cũng đang bận rộn, với sản lượng đạt công suất tối đa. Nếu nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng, điều này thường khiến giá tăng. Do đó, giáo sư Krebs và đồng nghiệp Kaczmarczyk cảnh báo rằng tăng chi tiêu quốc phòng sẽ chỉ giúp tăng biên lợi nhuận và cổ tức của các công ty vũ khí thay vì cải thiện năng lực quốc phòng Đức.

Các công ty không thuộc lĩnh vực quốc phòng cũng đang tìm cách để có được “miếng bánh”. Hãng sản xuất ô tô Đức Volkswagen là một ví dụ. Công ty đang trong cơn khủng hoảng và đã cắt giảm hàng nghìn việc làm, với nhà máy Osnabruck phải đóng cửa. Hiện tại, Rheinmetall đang xem xét liệu có thể chế tạo xe tăng tại đó hay không. Đây là ví dụ cho thấy chi tiêu quốc phòng lớn hơn có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung bằng cách bù đắp tổn thất, thay vì tạo ra tăng trưởng bổ sung.

Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/manh-tay-chi-tieu-quoc-phong-co-giup-kinh-te-duc-huong-loi-20250706132749863.htm