Điện Biên có cầu nối hiệu quả đưa du khách, nhà đầu tư đến tìm hiểu vùng đất lịch sử
Tỉnh Điện Biên xác định mục tiêu đến năm 2025 đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, thu hút đầu tư được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu này.
Điện Biên có đường biên giới với Lào và Trung Quốc dài gần 456 km. Đây là điều kiện giúp kinh tế cửa khẩu địa phương phát triển.
Bên cạnh đó, quy mô đất đai rộng lớn, có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, thủy văn... là những điều kiện thuận lợi để phát triển vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, chuyên canh lúa gạo, khai khoáng, thủy điện...
Mảnh đất này còn sở hữu những nền tảng tốt để phát triển du lịch như di tích lịch sử Điện Biên Phủ cùng hệ thống di sản văn hóa các dân tộc phong phú, cảnh quan tươi đẹp.
Đặc biệt, sau 8 tháng dừng hoạt động để đầu tư mở rộng, ngày 2/12, ngay khi khai thác bay thương mại trở lại, hai máy bay hiện đại cỡ lớn của Vietnam Airline và Vietjet Air đã hạ cánh xuống sân bay Điện Biên. Vận tải hàng không sẽ mở ra những cơ hội mới, góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, là cầu nối hiệu quả đưa du khách, các nhà đầu tư tìm hiểu, khám phá vùng đất lịch sử.
Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Để “mở đường” cho phát triển kinh tế xã hội, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành 9 nghị quyết chuyên đề, 6 chương trình hành động, 08 kế hoạch và hàng trăm văn bản chỉ đạo thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành 98 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực.
Nhờ vậy, trong hơn 2 năm trở lại đây, nhiều lĩnh vực có tiềm năng đã được các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, khảo sát và tiến hành đầu tư như: Cây dược liệu, mắc ca tại huyện Tuần Giáo; nông - lâm nghiệp tại huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng; du lịch trải nghiệm tại huyện Mường Ảng, Tuần Giáo…
Trong hơn 2 năm, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 42 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu dân cư đô thị… với tổng số vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng (gần 700 triệu USD).
Theo ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ở trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, chú trọng rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP. Điện Biên Phủ… để thu hút đầu tư.
Cùng với đó là triển khai công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh.
Ông Bùi Văn Thắng nhấn mạnh: "Ngoài ra, tỉnh Điện Biên thường xuyên tổ chức định kỳ gặp gỡ Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tiếp tục thu hút đầu tư. Điện Biên kỳ vọng, số dự án và tổng mức vốn đăng ký đầu tư năm sau cao hơn năm trước".
Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được công bố với những mục tiêu, phương án cụ thể bao trùm, rộng khắp.
Trong đó, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt 10,5%/năm. Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh xác định phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng.
Đây là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên cho biết: “Quy hoạch tỉnh Điện Biên được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt giúp tỉnh có định hướng chỉ đạo, quản lý toàn diện và thống nhất về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hội nhập, đối ngoại trên địa bàn.
Đây cũng là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư, kiến tạo động lực phát triển, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư cũng như nâng cao vị thế của địa phương".
Điện Biên xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, thu hút đầu tư được địa phương xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu này.
Trong thời gian tới, để việc thu hút đầu tư đáp ứng được kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Điện Biên sẽ đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho hay: "Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện chỉ số về đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và có trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện các dự án của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp".
Với những điều kiện thuận lợi cùng nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, Điện Biên sẽ đón nhiều nhà đầu tư hơn đến nơi đây để hợp tác và phát triển.