Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Thị trường diễn biến tiêu cực và không có nổi mã nào trong nhóm khuyến nghị của các công ty chứng khoán ngược dòng thành công. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 105.000 đồng/CP

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 105.000 đồng/CP

Trong dài hạn chúng tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng của FPT và kỳ vọng mức sinh lời hàng năm khi nắm giữ đạt trên 20%/năm. FPT hiện đang được giao dịch ở mức P/Ef 2022 ở mức 15,4x, ngang trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 105.000 đồng/CP trong vòng 1 năm (Upside 30% từ thị giá hiện tại).

Mặc dù kết quả kinh doanh 8 tháng khả quan với doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số, nhưng cổ phiếu FPT vẫn trong xu hướng giảm kể từ cuối tháng 8 đến nay. Ngoài ra, một thông tin đáng chú ý khác tại FPT là mới đây, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra lượng lớn cổ phiếu FPT và giảm sở hữu xuống còn 54,64 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,9807%, chính thức không còn là cổ đông lớn tại FPT từ ngày 3/10.

Trong tuần đầu tiên của tháng 10, cổ phiếu FPT đã đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 6.500 đồng (-8,07%) từ mức giá 80.500 đồng/CP xuống 74.000 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị mua cổ phiếu MWG, với giá mục tiêu 87.800 đồng/CP

Chúng tôi duy trì ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 và 2023 lần lượt là 5,48 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và 7,19 nghìn tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ). Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, với giá mục tiêu là 87.800 đồng/cổ phiếu.

Dù được phân tích và đánh giá khả quan, nhưng cổ phiếu MWG tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh thị trường chung lao dốc mạnh. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm mạnh, trong đó có 2 phiên nằm sàn và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 10.000 đồng (-15,63%) từ mức giá 64.000 đồng/CP xuống 54.000 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị trung lập cho TCM, STK, TNG với giá mục tiêu là 45.600 đồng/CP

Chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của TCM trong năm tiếp theo dựa trên (i) giá bông nguyên liệu đầu vào sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn quý IV/2022 giúp cải thiện biên lợi nhuận, (ii) điều chỉnh kỳ vọng công suất tăng thêm từ nhà máy Vĩnh Long giai đoạn 2 từ 18% xuống còn 11% trong năm 2022, và (iii) tình hình đơn hàng quý IV kém khả quan. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị trung lập cho TCM với giá mục tiêu 45.600 đồng/CP.

Chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của STK trong năm tiếp theo dựa trên (i) tình hình đơn đặt hàng trong quý IV/2022 không khả quan, (ii) tỷ trọng doanh thu sợi tái chế trong năm nay giảm 4% so với năm ngoái, và (iii) động lực dài hạn đến dự án nhà máy Unitex giai đoạn 1 dự kiến vận hành từ 2023. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị trung lập cho STK với giá mục tiêu 44.600 đồng/CP.

Chúng tôi tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của TNG trong năm tiếp theo dựa trên (i) dự kiến tình hình đơn hàng sẽ kém tích cực tại các thị trường xuất khẩu chủ đạo từ quý IV/2022, (ii) ảnh hưởng bất lợi từ các khoản nợ bằng USD, (iii) kỳ vọng vào vào sự hỗ trợ đến từ doanh thu bất động sản. Vì vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập cho TNG với giá mục tiêu là 21.400 đồng/CP.

Có thể thấy, thông tin được Diamond ETF có thể thêm mới TCM trong kỳ cơ cấu quý IV/2022 tới đây đã phần nào giúp cổ phiếu TCM thoát đà lao dốc trong tuần giảm mạnh của thị trường chung. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng duy nhất ngày 5/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM giảm nhẹ 800 đồng (-1,85%) từ mức giá 43.200 đồng/CP xuống 42.400 đồng/CP.

Cũng như người anh em cùng ngày, STK đã thoát được cơn bão của thị trường khi chỉ điều chỉnh nhẹ trong tuần đầu tháng 10. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng trần ngày 5/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK giảm 1.200 đồng (-2,96%) từ mức giá 40.600 đồng/CP xuống 39.400 đồng/CP.

Trái với diễn biến của cặp đôi cùng ngành – TCM và STK – cổ phiếu TNG đã có tuần lao dốc mạnh, bất chấp thông tin tích cực từ hoạt động kinh doanh khả quan với doanh thu quý III ghi nhận con số kỷ lục, đạt 2.018 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Theo đó, với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày 5/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG giảm 4.300 đồng (-22,16%) từ mức giá 19.400 đồng/CP xuống 15.100 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu VSC, giá mục tiêu 48.500 đồng/CP

Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VSC, giá mục tiêu 48.500 đồng/CP, tương ứng với mức sinh lời 35,1% so với giá đóng cửa ngày 15/09/2022.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường chung diễn ra tiêu cực với những phiên liên tiếp bị bán tháo mạnh, thì cổ phiếu điều chỉnh nhẹ hoặc giữ được thăng bằng đã là một thành công lớn. Trong đó, VSC là một trong những mã tích cực đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 6.10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VSC chỉ giảm 50 đồng (-0,14%) từ mức giá 35.350 đồng/CP xuống 35.300 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BID, VCB, VPB

Định giá nhóm ngân hàng theo P/B (1,4x) vẫn đang ở dưới mức trung bình 5 năm (2,0x). Do vậy, Agriseco Research đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư, đồng thời khuyến nghị mua dành cho 3 mã là BID, VCB, VPB.

Mặc dù được định giá hấp dẫn nhưng trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục bị xả bán ồ ạt và giao dịch nhìn chung khá tiêu cực. Trong đó, cổ phiếu BID đã đón nhận 4 phiên giảm, trong đó phiên đầu tuần 3/10 giảm sàn và 1 phiên tăng duy nhất ngày 5/10. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BID giảm 4.700 đồng (-13,86%) từ mức giá 33.900 đồng/CP xuống 29.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn trong ngành là VCB đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 6.500 đồng (-8,88%) từ mức giá 73.200 đồng/CP xuống 66.700 đồng/CP.

Tương tự BID, cổ phiếu VPB đã đón nhận 4 phiên giảm, trong đó phiên cuối tuần ngày 7/10 giảm sàn và 1 phiên tăng duy nhất ngày 5/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB giảm 2.650 đồng (-14,72%) từ mức giá 18.000 đồng/CP xuống 15.350 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị giá mục tiêu dành cho cổ phiếu MBB là 32.700 đồng/CP

Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh P/B và phương pháp giá trị thặng dư (RI) đưa ra ước tính giá mục tiêu cho MBB là 32.700 đồng/CP.

Không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, cổ phiếu MBB đã đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB giảm 3.050 đồng (-15,25%) từ mức giá 20.000 đồng/CP xuống 16.950 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PLX, với giá mục tiêu 44.500 đồng/CP

Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi đánh giá tình hình kinh doanh của công ty sẽ ổn định lại và hiệu quả tăng lên, dự báo doanh thu cả năm đạt 291 nghìn tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 2,3 nghìn tỷ, bằng 172% và 61% của năm 2021. Với quy mô và vị thế của công ty, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 44.500 đồng/cổ phần cho 12 tháng tới.

Cũng như phần lớn các cổ phiếu trên thị trường, PLX tiếp tục có thêm tuần mất điểm, ghi nhận đà giảm từ cuối tháng 8 đến nay. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày 5/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX giảm 1.100 đồng (-3,34%) từ mức giá 32.900 đồng/CP xuống 31.800 đồng/CP.

* TPS khuyến nghị khả quan DPR và PHR

TPS giữ triển vọng khả quan đối với DPR nhưng điều chỉnh giảm mức PE mục tiêu theo diễn biến chung của ngành. Áp dụng mức EPS dự phóng 9,814 lên PE mục tiêu 8x, giá trị hợp lý của DPR được xác định ở mức 78.500 đồng/CP, cao hơn 26.6% so với giá đóng cửa vào 03/10/2022.

Đồng thời khuyến nghị khả quan dành cho PHR. Dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) giá trị hợp lý của PHR được xác định ở ở mức 65.500 đồng/CP, tương ứng với lợi nhuận kỳ vọng 27.7% so với giá đóng cửa ngày 03/10/2022. Hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch ở mức 10.2x, chiết khấu 7% so với giá trị trung vị 5 năm gần nhất.

Trái với nhận định của TPS, cặp đôi cổ phiếu ngành cao su cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi có tuần giao dịch đầu tháng 10 khá tiêu cực. Trong đó, với việc đón nhận nhận tới 4 phiên giảm, trong đó cũng có 2 phiên nằm sàn và chỉ 1 phiên tăng duy nhất ngày 5/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPR giảm 13.000 đồng (-19,85%) từ mức giá 65.500 đồng/CP xuống 52.500 đồng/CP.

Còn PHR đón nhận 3 phiên giảm (2 phiên giảm sàn) và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR giảm 8.650 đồng (-15,7%) từ mức giá 55.100 đồng/CP xuống 46.450 đồng/CP.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post307362.html