VDSC dự báo VN-Index dao động 1.240 - 1.320 trong tháng 7

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sang tháng 7, mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quý II sẽ mang lại sự sôi động cho thị trường chứng khoán (TTCK) trên cơ sở tiếp đà phục hồi của tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần từ cuối quý I/2024. Các chuyên gia của VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.240 - 1.320 trong tháng 7.

Kết quả kinh doanh quý II tiếp đà phục hồi

Trong quý II/2024, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,93%, vượt kịch bản cao nhất đã đề ra là 6,32%. Trong đó, các ngành có tỷ trọng đóng góp cao trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của rổ VN-Index phải kể đến sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, bán lẻ tăng 7,6% và vận tải tăng 11,5% duy trì được động lượng tăng trưởng bền bỉ trong bốn quý liên tiếp.

Cấu phần dịch vụ tài chính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, cũng như tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023 và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Điều đó cho thấy một gam màu sáng trong bức tranh lợi nhuận của nhóm ngân hàng và dịch vụ tài chính.

“Các luật liên quan tới thị trường bất động sản chính thức có hiệu lực sớm hơn từ 1/8 tới vẫn đang là điểm nhấn đáng chú ý. Mặc dù chưa tác động tích cực được ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên những điểm nghẽn lớn của lĩnh vực này sẽ được giải quyết sớm hơn.” - Chuyên gia VDSC cho biết.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản đã có tín hiệu phục hồi trong 3 quý liên tiếp. Dự báo, kết quả kinh doanh của nhóm ngành này sẽ bắt đầu thể hiện sự phục hồi rõ nét từ quý II.

Với các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, trong quý II/2024, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản sẽ đảo chiều trở lại khi chỉ báo tăng trưởng tín dụng theo báo cáo mới nhất là tăng 4,45% so với đầu năm và gần 14% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia của VDSC, cơ sở cho cách tiếp cận này đến từ việc ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế ở các nước phát triển như Việt Nam. Do đó, những năm qua tăng trưởng tín dụng là phương tiện có thể tin cậy để đo lường mối quan hệ mật thiết với tăng trưởng tài sản trong nền kinh tế, sự tương quan này cũng đã được thể hiện trong những năm qua.

Trước đó, vòng quay tài sản đã tạo đáy từ quý I/2024 và sẽ có xu hướng phục hồi về trạng thái bình thường trong các quý tới khi hiệu ứng “lãi suất cho vay giảm và đã có dấu hiệu chạm đáy” sẽ không còn lấn át hiệu ứng “tăng trưởng tín dụng” vốn đã yếu trong suốt năm 2023 và quý I/2024.

Đồng thời, số liệu tăng trưởng về sản xuất và tiêu dùng được cải thiện qua các quý là cơ sở để tin rằng vòng quay tài sản ở các nhóm ngành khác cũng sẽ được cải thiện.

Đối với biên lợi nhuận ròng, dự báo yếu tố mùa vụ và biên lợi nhuận nhóm ngân hàng có thể chưa cải thiện thêm do tiềm ẩn rủi ro nợ xấu vẫn còn, là những nhân tố khiến biên lợi nhuận ròng có sự điều chỉnh nhẹ so với quý I.

Doanh thu sẽ bắt đầu có sự phục hồi so với quý trước, tuy nhiên tăng trưởng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước đạt 13% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo mặt bằng lãi suất tăng mức hợp lý nửa cuối năm

Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá và vấn đề lãi suất vẫn sẽ là gánh nặng đối với thị trường. Nhìn lại nửa đầu năm 2024, lãi suất huy động đã trải qua một đợt phục hồi từ vùng đáy, bình quân tăng khoảng 30 - 50 điểm so với cuối tháng 3/2024, tuy nhiên, vẫn thấp hơn khoảng 15 - 45 điểm so với cuối năm ngoái.

Các chuyên gia VDSC kỳ vọng, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của áp lực về tỷ giá còn dai dẳng. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các ngân hàng trung ương khác.

Thêm vào đó, do yếu tố vụ mùa, nhu cầu ngoại tệ (để nhập khẩu hàng hóa) có thể tăng cao trở lại vào cuối quý III, trước khi FED chính thức đảo chiều chính sách lãi suất, khiến áp lực tỷ giá vẫn sẽ kéo dài trong giai đoạn này.

“Nếu áp lực tỷ giá không suy giảm, chúng tôi không loại trừ khả năng NHNN sẽ phải tăng lãi suất điều hành trong quý III/2024. Động thái này là hợp lý nếu xảy ra, nhằm kiềm chế đà mất giá của tiền đồng trong khi vẫn bảo vệ được dự trữ ngoại hối.” - Chuyên gia VDSC dự báo.

Trong khi đó, sau 10 tuần liên tiếp thực hiện bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá (kể từ ngày 22/4), ước tính Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán hơn 5,8 tỷ USD để can thiệp, tương đương khoảng 30% mức tiêu hao (cho vấn đề tỷ giá) của năm 2022.

Giai đoạn sắp tới, trong kịch bản vừa để bảo vệ dự trữ ngoại hối, đồng thời ổn định được vấn đề tỷ giá, các chuyên gia của VSDC cũng không loại trừ khả năng NHNN sẽ có một đợt tăng lãi suất điều hành (25 - 50 điểm cơ bản) trong quý III.

"Chúng tôi xem kịch bản NHNN nâng lãi suất điều hành ngay trong quý III/2024 là kịch bản rủi ro hơn là kịch bản cơ sở khi đánh giá xu hướng thị trường cho giai đoạn sắp tới" - Chuyên gia VDSC nhận định.

Ngoài ra, sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm nay cũng là một điểm cần lưu ý. Tính đến cuối tháng 6/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 4,45% so với đầu năm và dự báo sẽ phục hồi mạnh dần về cuối năm. Điều này cộng hưởng với lượng tiền hút ròng qua kênh bán ngoại tệ có thể tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và môi trường lãi suất trong nửa sau năm 2024.

Theo phân tích, mức tăng sẽ không đột biến như 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau. Năm 2024 còn thiếu những nhân tố gây “shock” về cầu tín dụng và sự thay đổi đột ngột về chính sách tiền tệ như năm 2022 để gây ra sự đột biến về mặt bằng lãi suất.

Bên cạnh đó, "áp lực rút ròng ngoại tệ sẽ dịu lại đáng kể nếu có thêm hiệu ứng “hội tụ” về lãi suất (FED giảm lãi suất trong khi NHNN tăng lãi suất trong nửa cuối năm). Vì vậy, mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 50 - 100 điểm cơ bản để trở về mức trung bình trước dịch là một kịch bản hợp lý" - Chuyên gia của VDSC dự báo thêm./.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vdsc-du-bao-vn-index-dao-dong-1240-1320-trong-thang-7-154527.html