Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
Thị trường có tuần giao dịch đầy ấn tượng, nhưng diễn biến không đồng đều bởi mức tăng mạnh chủ yếu tập trung ở các mã đầu ngành. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* TPS khuyến nghị mua cổ phiếu HSG, AGR khuyến nghị mua HPG và HSG
Theo TPS, nhà đầu tư có thể thiết lập chiến lược giải ngân thăm dò với cổ phiếu HSG tại vùng giá quanh 17.400 – 17.700 đồng/CP và vùng giá 17.000 – 17.200 đồng/CP. Đồng thời thiết lập mức cutloss chặt chẽ nếu giá <16.800 đồng/CP (khi mô hình bị vô hiệu có thể dẫn đến trạng thái tích lũy kéo dài).
Cũng có quan điểm tương tự, AGR cho rằng, cổ phiếu bám sát MA20 tăng giá, nên khuyến nghị mua HSG ở vùng giá hiện tại, mục tiêu sau khi cổ phiếu bứt phá kháng cự MA200 thoát khỏi xu hướng giảm và tiến về đáy tích lũy tháng 8/2024, tương ứng 19.000 đồng/cp, cắt lỗ theo nguyên tắc ở mức -5%.
Đối với cổ phiếu HPG, AGR cho rằng, các đường trung bình động ngắn hạn tiếp tục hướng lên trên cho củng cố tín hiệu tăng giá, kết hợp cùng chỉ báo Stochastic dao động quanh vùng 70 cho thấy tín hiệu tích cực về mặt xung lực, do đó khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 25.500 đồng/cổ phiếu, cắt lỗ nếu giá xuống dưới 22.000 đồng/ cổ phiếu.
Thị trường đã có tuần giao dịch thành công ngoài mong đợi khi chỉ số VN-Index chinh phục thành công mốc 1.400 điểm và tiếp tục phá đỉnh mới của năm nhờ dòng tiền mạnh mẽ với điểm tựa vững chắc là các cổ phiếu lớn và các nhóm ngành trụ cột. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép không nằm ngoài xu hướng khởi sắc chung của thị trường, đặc biệt vẫn là các mã đầu ngành.
Cụ thể, bên cạnh thanh khoản sôi động với mức khớp lệnh trung bình lên tới 65,4 triệu đơn vị/phiên, cổ phiếu HPG có tuần tăng khá mạnh về giá. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu HPG tăng 2.750 đồng (+11,83%) từ mức 23.25 đồng/CP lên 26.000 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu HSG kém tích cực hơn bởi những pha rung lắc và điều chỉnh nhẹ do chịu áp lực bán. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu HSG tăng 700 đồng (+4,13%) từ mức 16.950 đồng/CP lên 17.650 đồng/CP.
* SHS khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VGC
Chúng tôi khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera (HSX: VGC). Tại mức giá mục tiêu VGC giao dịch với mức P/E Forward năm 2026 là 12,9 lần, thấp hơn so với mức trung bình của ngành là 16,5 lần.
Mặc dù thị trường thuận lợi và VGC đã tìm lại sự hồi phục sau tuần điều chỉnh đầu tháng 7, nhưng cổ phiếu này vẫn khá rung lắc và kết thúc tuần qua chỉ ghi nhận mức tăng hạn chế. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VGC tăng 1.250 đồng (+2,82%) từ mức 44.300 đồng/CP lên 45.550 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu BID, SHS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MBB
VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2025 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID – sàn HOSE) đạt 35.698 tỷ đồng (tăng 13,7% so với năm trước), tương đương EPS đạt 4.001 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 24.180 đồng/cổ phiếu. Theo đó, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cơ hội đầu tư vào cổ phiếu BID với mức giá mục tiêu là 44.238 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, SHS khuyến nghị khả quan với cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB - sàn HOSE) trên cơ sở luận điểm đầu tư sau: Hạn mức tăng trưởng tín dụng và hiệu quả sử dụng vốn thuộc nhóm dẫn đầu hệ thống tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của MBB.
Thị trường liên tục phá đỉnh mới của năm với điểm tựa khá vững chắc từ nhóm trụ cột ngân hàng. Trong đó, cổ phiếu BID dù không bứt tốc nhưng cũng đã có tuần giao dịch khởi sắc. Tính chung tuần qua, với 5 phiên tăng liên tiếp, tổng cộng giá cổ phiếu BID tăng 1.750 đồng (+4,8%) từ mức 36.550 đồng/CP lên 38.300 đồng/CP.
Trong khi đó, cổ phiếu MBB tăng “chậm hơn” bởi giá đang ở vùng đỉnh lịch sử. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MBB tăng 700 đồng (+2,7%) từ mức 26.000 đồng/CP lên 26.700 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu GEG, NT2, REE; CTCK Shinhan khuyến nghị mua GEG
Trong năm 2025, VCBS kỳ vọng CTCP Điện Gia Lai (GEG – sàn HOSE) sẽ tăng trưởng đột phá với doanh thu dự phóng ở mức 3.354 tỷ đồng (tăng 44% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 657 tỷ đồng (tăng 614%). Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEG với giá mục tiêu 18.900 đồng/CP.
Năm 2025, CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch (NT2 – sàn HOSE) lên kế hoạch sản lượng 3,5 tỷ kWh, doanh thu 8.212 tỷ đồng (tăng 34% so với năm ngoái) lợi nhuận trước thuế đạt 310 tỷ đồng (tăng 198%), lợi nhuận sau thuế ở mức 279 tỷ đồng (tăng 226%). Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2 với giá mục tiêu 23.500 đồng/CP.
Trong năm 2025, VCBS kỳ vọng CTCP Cơ điện lạnh (REE – sàn HOSE) tăng trưởng từ nền thấp của năm 2024, doanh thu dự kiến đạt 10.216 tỷ đồng (tăng trưởng 22%). Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE với giá mục tiêu 79.200 đồng/CP.
Cũng có quan điểm tương tự VCBS, CTCK Shinhan cho rằng, dựa vào phương pháp SOTP và EV/EBITDA nên khuyến nghị mua đối với GEG ở mức giá 18.300 đồng/cổ phiếu.
Trái với sự kỳ vọng của các công ty chứng khoán, nhóm cổ phiếu điện nói chung có tuần giao dịch không mấy thành công khi hầu hết các cổ phiếu đều biến động giằng co với các phiên tăng giảm nhẹ. Trong đó, cổ phiếu GEG không nằm ngoài xu hướng chung khi đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu GEG giảm nhẹ 50 đồng (-0,3%) từ mức 16.300 đồng/CP xuống 16.250 đồng/CP.
Cũng có diễn biến tương tự GEG, cổ phiếu điện khác là NT2 đã đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NT2 giảm nhẹ 100 đồng (-0,51%) từ mức 19.500 đồng/CP xuống 19.400 đồng/CP.
Cổ phiếu REE tiếp tục có thêm tuần rung lắc và điều chỉnh giảm. Theo đó, với 1 phiên tăng, 2 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu REE tăng nhẹ 300 đồng (+0,45%) từ mức 66.600 đồng/CP lên 66.900 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu PHR, TRC, DRI và nắm giữ DPR
Chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR, TRC, DRI, với giá mục tiêu lần lượt 72.800 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 21,6% (bao gồm 2,2% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24); 94.500 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 45,1% (bao gồm 3,7% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24) và 18.000 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 44,5% (bao gồm 3,9% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24); đồng thời khuyến nghị nắm giữ dành cho DPR với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP, tiềm năng tăng giá là 9,6% (bao gồm 4,8% tỷ suất cổ tức tiền mặt FY24).
Cũng như các cổ phiếu điện, nhóm cổ phiếu cao su cũng có tuần giao dịch yên tĩnh. Trong đó, với cổ phiếu PHR – cùng trong ngành bất động sản khu công nghiệp, cũng có tuần giao dịch giằng co nhẹ. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PHR tăng 1.200 đồng (+2,01%) từ mức 59.600 đồng/CP lên 60.800 đồng/CP.
Các cổ phiếu khác trong nhóm ngành cao su cũng đều ghi nhận tuần tăng nhẹ. Trong đó, cổ phiếu TRC đã đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần giá cổ phiếu TRC tăng 900 đồng (+1,36%) từ mức 66.300 đồng/CP lên 67.200 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu DRI tăng nhẹ 200 đồng (+1,55%) từ mức 12.900 đồng/CP lên 13.100 đồng/CP; còn cổ phiếu DPR đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần tăng 700 đồng (+1,77%) từ mức 39.450 đồng/CP lên 40.150 đồng/CP.
* CTCK Shinhan khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DXG
Trong năm 2025, chúng tôi dự phóng doanh thu của DXG đạt 5.406 tỷ (tăng 14,2%) và doanh thu ròng công ty mẹ đạt 311 tỷ (tăng 23% so với năm trước) nhờ (1) mở bán và bàn giao các sản phẩm giai đoạn tiếp theo của dự án Gem Sky World, (2) mảng môi giới tiếp tục có sự hồi phục rõ ràng của công ty con DXS cùng với các dự án do DXS tự phát triển như dự án Regal Legend, dự án Cara River Park. Chúng tôi dự phóng dự án trọng điểm The Privé sẽ bắt đầu mở bán vào nửa cuối 2025 và sẽ đóng góp vào lợi nhuận của DXG từ năm 2027.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã có tuần lạc quan cùng thị trường, tuy nhiên, điểm nhấn là các cổ phiếu nhà Vingroup, còn lại phần lớn đều giao dịch phân hóa nhẹ. Trong đó, cổ phiếu DXG không nằm ngoài trạng thái của phần lớn các mã bất động sản, khi đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm. Tính chung cả tuần qua, giá cổ phiếu DXG giảm nhẹ 50 đồng (-0,3%) từ mức 17.100 đồng/CP xuống 17.050 đồng/CP.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post372926.html