Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 4/5: Thế giới trên 3.561.000 ca bệnh, đại dịch 'hạ nhiệt' tại nhiều nước
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 80.516 trường hợp nhiễm COVID-19 và 3.421 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu tăng lên trên 3.561.000 người. Nhìn chung, đại dịch đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới và nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.561.887, trong đó có 248.084 người đã thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.152.993 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 50.041 người trong tình trạng nguy kịch và 2.160.810 đang phải điều trị tích cực.
Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ và Anh là hai quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì COVID-19 nhất thế giới. Với 275 người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2, quốc gia Nam Mỹ Brazil bất ngờ đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong trong 24 giờ qua.
Mỹ và Nga là hai nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới trong ngày 3/5.
Quốc gia chịu tác động mạnh nhất tiếp tục là Mỹ với tổng cộng hơn 1.187.035 ca nhiễm và 68.559 ca tử vong, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info tính tới 6 giờ sáng 4/5 (theo giờ Việt Nam).
Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 26.261 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.115 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19, mức thấp nhất trong nhiều ngày qua. Đây có thể là tín hiệu cho thấy "tâm dịch" Mỹ bắt đầu làm phẳng được đồ thị dịch bệnh sau giai đoạn đỉnh dịch.
Giới chức y tế Mỹ cho biết hiện có ít nhất 14 loại vaccine ngừa virus đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy quá trình đưa vaccine vào sử dụng từ đầu tháng 1/2021.
Số vaccine trên được lựa chọn từ 93 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm rút ngắn việc sản xuất vaccine chỉ trong thời gian tối đa 8 tháng.
Ngày 3/5, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Thụy Sĩ Roche cho biết đã được Cơ quan quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đối với bộ xét nghiệm kháng thể trong máu để xác định xem bệnh nhân có nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Thomas Schinecker (Thô-mát Xchi-nếch-cơ), phụ trách mảng chẩn đoán của Roche, cho biết tập đoàn này sẽ đẩy mạnh sản xuất để tăng số lượng xét nghiệm từ 50 triệu bộ/tháng lên hơn 100 triệu bộ/tháng vào cuối năm nay.
Các chính phủ, công ty dược phẩm lẫn các nhà khoa học đang tìm kiếm hình thức xét nghiệm huyết thanh nhanh chóng, chính xác như vậy để xác định người nhiễm bệnh COVID-19, người có một số miễn dịch để từ đó có các chiến lược sơ bộ giúp chấm dứt tình trạng "phong tỏa" hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới nhằm ngăn ngừa đại dịch lan rộng.
Tại Pháp, tính đến sáng 4/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì COVID-19 ở Pháp đã tăng 135 trường hợp - lên thành tổng cộng 24.895 người. Tổng số ca dương tính tại Pháp tới nay là 168.693 ca.
Hiện Pháp cũng ghi nhận 25.815 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện, trong đó có 3.819 trường hợp đang được điều trị đặc biệt - giảm 8 ca. Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực ở Pháp đã giảm liên tiếp trong suốt 25 ngày qua.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, những người dân đã chọn về quê hoặc đến ở tại nhà nghỉ gia đình trong thời gian phong tỏa trên toàn quốc đã được phép trở lại nơi ở chính của họ. Mục đích của quy định mới là nhằm chuẩn bị cho việc đi làm hoặc đi học trở lại, dự tính từ ngày 11/5.
Liên quan đến hoạt động vận chuyển hàng không, sân bay Paris-Orly đóng cửa từ ngày 31/3 sẽ tiếp tục dừng hoạt động cho đến mùa Thu. Sân bay Roissy-Charles de Gaulle hiện chỉ có 3 trong tổng số 9 nhà ga được phép mở cửa. Lãnh đạo sân bay này đang có kế hoạch đóng cửa thêm 1 nhà ga để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra y tế.
Hiện nay ở Pháp, ngoại trừ Air France duy trì các chuyến bay đến Marseille, Nice và Toulouse, cũng như các chuyến chở hàng và sơ tán công dân, tất cả các hãng hàng không gần như ngừng hoạt động. Theo Ban Giám đốc Air France-KLM, việc trở lại nhịp độ bình thường sẽ mất ít nhất là 2 năm.
Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy, trong ngày 3/5, số ca tử vong do COVID-19 ở quốc gia Nam Âu này đã tăng 174 trường hợp, lên 28.884 người. Như vậy, số ca tử vong mới do virus SARS-CoV-2 ở Italy đã giảm mạnh so với hôm 2/5 - với 474 người, và là ngày có số ca tử vong thấp nhất kể từ hôm 10/3.
Cũng theo cơ quan trên, số ca mắc COVID-19 ở Italy cũng đã giảm mạnh so với 1 ngày trước đó (1.900 ca) xuống còn 1.389 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 210.717 người.
Cùng ngày, Italy cũng ghi nhận 1.740 bệnh nhân COVID-19 phục hồi sức khỏe, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 81.654 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân phải điều trị đặc biệt tiếp tục giảm 38 ca, xuống còn 1.501 người
Tại Anh, ngày 3/5, Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove cho hay, vào tuần tới, Anh sẽ thử nghiệm một chương trình mới truy vết virus SARS-CoV-2 ở Đảo Wight, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Nam của nước này. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Anh đang tìm cách tối thiểu hóa nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Gove nói: "Trong tuần tới, chúng tôi sẽ thí điểm các thủ tục xét nghiệm, tìm kiếm và truy vết mới ở Đảo Wight với kế hoạch triển khai chương trình một cách rộng rãi hơn sau đó trong tháng này".
Cùng ngày, Chính phủ Anh cho biết đã ghi nhận 315 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở các bệnh viện, viện dưỡng lão và cộng đồng, đưa tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 thiệt mạng ở nước này lên 28.446 người - cao thứ hai ở châu Âu sau Italy. Trong ngày 3/5, Anh còn ghi nhận 4.339 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 186.599 người.
Ngày 3/5, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo 164 ca tử vong vì dịch COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tại quốc gia này lên 25.264 ca. Đây cũng là ngày có số ca tử vong ở mức thấp nhất được ghi nhận kể từ ngày 18/3 vừa qua.
Với hơn 1.533 ca nhiễm trong ngày 3/5, Tây Ban Nha hiện có tổng cộng 247.122. Quốc gia này đang triển khai kế hoạch 4 giai đoạn để dần nối lại các hoạt động vào cuối tháng 6 tới. Cuối tuần này cũng là lần đầu tiên người dân Tây Ban Nha được tự do ra khỏi nhà sau 7 tuần hạn chế ra ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ở Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến hết ngày 3/5 (giờ địa phương), nước này trong vòng 24 giờ qua ghi nhận 10.633 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm lên tới 134.687 ca tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang.
Đáng chú ý, có tới 50,3% số ca nhiễm mới không có biểu hiện lâm sàng.
Trong một ngày qua, Nga ghi nhận 58 bệnh nhân tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 1.280 ca. Bên cạnh đó, có 1.626 bệnh nhân khỏi bệnh, đưa tổng số ca bình phục lên 16.639 ca. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm COVID-19 nhiều nhất với 5.948 ca vòng 24 giờ qua, đưa tổng số ca lên 68.606 ca. Moskva cũng ghi nhận 729 ca tử vong và 7.029 ca bình phục.
Tại châu Á, sau một ngày không có ca nhiễm mới, Hàn Quốc ngày 3/5 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trở lại mức trên 10 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh và dỡ bỏ cách ly đã tăng lên trên 300 ca.
Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tổng số ca nhiễm tại quốc gia này là 10.793 ca và số ca tử vong là 250 ca.
Ngày 3/5, Chính phủ Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ tuần tới, quốc gia này sẽ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội vốn được áp đặt từ cuối tháng 3, trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh đã chậm lại.
Cùng ngày, Chính phủ Iran thông báo từ ngày 4/5 các đền thờ Hồi giáo tại 132 tỉnh có nguy cơ thấp sẽ mở cửa trở lại sau thời gian tạm đóng cửa từ đầu tháng 3 do dịch bệnh. Iran cũng đang cân nhắc mở cửa các trường học vào khoảng ngày 16/5 tới để các lớp học hoạt động trở lại khoảng một tháng trước kỳ nghỉ Hè.
Các hoạt động kinh tế sẽ được thực hiện dần dần nhưng vẫn cảnh báo người dân chuẩn bị tâm lý cho các kịch bản xấu là dịch bệnh kéo dài tới mùa Hè.
Kể từ khi phát hiện các ca nhiễm mới đầu tiên hồi giữa tháng 2, đến sáng 4/5, Iran đã ghi nhận 97.424 người mắc bệnh và hơn 6.203 người tử vong, tăng 47 ca so với một ngày trước đó.
Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo số ca nhiễm tăng 2.806 ca tính tới sáng 4/5 trong khi số ca tử vong cũng tăng 68 ca, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Á này lên lần lượt là 42.505 và 1.391 ca.
Theo các quan chức Bộ Y tế Ấn Độ, tới nay có 10.887 bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện sau khi hồi phục trong khi số ca đang được điều trị là 28.070 ca.
Nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm dịch bệnh, Ấn Độ đã đặt mua thêm gần 6,3 triệu bộ xét nghiệm RT-PCR từ nước ngoài. Theo Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), quy trình tiêu chuẩn để phát hiện COVID-19 sử dụng kỹ thuật RT-PCR thông qua dịch nhầy ở mũi và họng, có thể giúp phát hiện virus ở giai đoạn đầu.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 48.616 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.431 ca so với 1 ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.636 người dân ở khu vực này, tăng 21 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.185 trường hợp.
Trong vòng 24 giờ qua, Singapore tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực với 657 trường hợp, đồng thời tới nay cũng là nước thành viên ASEAN có tổng số ca COVID-19 cao nhất. Indonesia ghi nhận nhiều ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 nhất khu vực trong ngày 3/5, với 14 ca.
Nhìn chung, ở Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đang có xu thế hạ nhiệt và dịch đáng lo ngại hơn tại nhóm 4 quốc gia gồm Singapore, Philippines, Indonesia và Malaysia. Thái Lan đa kiểm soát tốt hơn tình hình và số ca bệnh mới đang giảm dần đều. Trong khi các nước thành viên ASEAN còn lại đang khống chế và ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.
Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về phòng chống đại dịch COVID-19 khi chặn đứng số ca mắc bệnh ở mức 271 trong hai tuần liên tiếp và số ca khỏi bệnh hiện là 219. Ngoài Việt Nam, Campuchia cũng thành công trong cuộc chiến chống COVID-19 khi nước này chỉ có 122 ca mắc bệnh, không ca tử vong và nhiều ngày qua không ghi nhận ca dương tính mới.
Ngày 3/5, Bộ Y tế Brazil thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã lên tới 101.147 trường hợp, trong đó có 7.025 ca tử vong.
Thông cáo của cơ quan y tế Brazil nêu rõ, trong 24 giờ qua quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 4.588 ca mắc với 275 trường hợp tử vong do dịch COVID-19. Bộ Y tế Brazil cũng xác nhận tới nay tổng số người được chữa khỏi là 42.991 người, chiếm 42,5% tổng số ca bệnh, trong khi 51.131 người khác (50,6%) hiện đang trong quá trình chữa trị và 1.364 trường hợp tử vong vẫn đang được điều tra để xác định nguyên nhân.
Brazil là quốc gia Mỹ Latinh chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, với hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang gần như "sụp đổ" do quá tải trong khi các ca mắc hàng ngày vẫn tăng theo cấp số nhân.
Ở quốc gia châu Phi Algeria, ngày 3/5, Ủy ban giám sát khoa học về sự phát triển của đại dịch COVID-19 của Algeria cho biết, tính đến chiều 3/5 theo giờ địa phương, quốc gia Bắc Phi này đã ghi nhận 179 ca mắc và 4 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc ở Algeria này lên 4.474 người và 463 ca tử vong.
Ông Djamel Fourar - người phát ngôn của Ủy ban cho biết, cùng ngày đã có 46 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện là 1.936 người. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan tại toàn bộ 48/48 tỉnh thành phố ở Algeria, trong đó những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Blida, Algiers, Oran, Sétif, Constantine, Ain Defla, Tipaza,... Những ca mắc ở Algeria có độ tuổi trung bình từ 25-60, chiếm 56%, và 65% ca tử vong có độ tuổi từ 65 trở lên.
Algeria xếp thứ 4 ở châu Phi về tổng số ca mắc COVID-19, sau Nam Phi, Ai Cập và Maroc, nhưng lại là nước có số ca tử vong cao nhất châu lục, với tỷ lệ gần 10%. Hiện quốc gia Bắc Phi đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn dịch.