Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 9/6: Mỹ Latinh 'gồng mình' trước đỉnh dịch, châu Âu-Á thúc đẩy nới lỏng
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 101.308 trường hợp mắc COVID-19 và 2.945 ca tử vong. Trong khi các nước Mỹ Latinh đang 'gồng mình' chuẩn bị bước vào đỉnh dịch, thì châu Âu và nhiều nước châu Á tiếp tục nỗ lực mở cửa lại, đặc biệt là kích cầu du lịch làm đòn bẩy hồi phục kinh tế.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 7.183.906 ca, trong đó có 408.028 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 3.506.717 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.780 và 3.269.161 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 8/6, các quốc gia châu Âu tiếp tục thử nghiệm các bước nới lỏng hạn chế, bao gồm chuẩn bị mở cửa biên giới cho khách du lịch, trong khi New Zealand tuyên bố chiến thắng hoàn toàn đại dịch COVID-19. Tuy vậy, dịch tiếp tục diễn biến khó lường tại Mỹ, Nga, các nước Mỹ latinh và Nam Á.
Mỹ: Thành phố New York chính thức mở cửa lại
Thành phố New York, bang New York ngày 8/6 đã chính thức mở cửa lại một phần hoạt động sau đúng 100 ngày kể từ khi ca dương tính với SARS CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại đây. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi của thành phố New York gần 22.000 sinh mạng, hơn 205.000 người nhiễm bệnh và hàng triệu người phải sống cách ly tại nhà, hạn chế ra đường. Khoảng 400.000 người lao động được trở lại làm việc tại 32.000 công trường xây dựng, chưa kể các công ty sản xuất và các cửa hàng bán lẻ. Lần đầu tiên thành phố New York có được một chút không khí nhộn nhịp bình thường như thời điểm trước khi dịch xảy ra – một điều mà chỉ cách đây mấy tuần thật khó tưởng tượng được khi New York đang ở đỉnh dịch với 800 người chết mỗi ngày.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới. với tổng số ca nhiễm virus tính đến 6 giờ ngày 9/6 (giờ Việt Nam) đã vượt ngưỡng 2 triệu ca, lên tới con số 2.025.440, bao gồm 113.048 ca tử vong, sau khi ghi nhận 17.991 ca nhiễm mới và 579 ca tử vong trong vòng 24 giờ.
Mặc dù vậy, theo trường đại học Johns Hopkins, đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất Mỹ ghi nhận trong vòng một tuần qua. Trước đó, vào trung tuần tháng 4, số ca tử vong mỗi ngày tại nước này xấp xỉ 3.000 ca. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ cảnh báo với việc các cuộc biểu tình lớn đang diễn ra khắp nơi trên cả nước phản đối nạn phân biệt chủng tộc, nhiều khả năng trong những tuần tới sẽ có một làn sóng lây nhiễm mới ở nước này.
Cũng tại khu vực Bắc Mỹ, Canada ngày 8/6 thông báo nới lỏng một số hạn chế biên giới dành cho thân nhân công dân Canada và thường trú nhân, trong đó có những người tìm cách nhập cảnh từ phía Mỹ. Tuy vậy, bất cứ người nào nhập cảnh vào Canada cũng vẫn phải tuân thủ yêu cầu cách ly 14 ngày. Canada hiện ghi nhận 96.140 ca bệnh COVID-19, tăng 441 ca trong 24 giờ qua, bao gồm 7.830 ca tử vong, tăng 30 ca, và 54.473 người đã hồi phục.
Cuba tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez ngày 8/6 tuyên bố Cuba đã kiểm soát được đại dịch COVID-19, theo đó nước này không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong hơn 1 tuần qua.Người đứng đầu Nhà nước Cuba nhận định diễn biến dịch bệnh trong tuần tới sẽ mang tính quyết định đối với thời điểm công bố mở cửa lại từng bước các hoạt động kinh tế - xã hội tại “hòn đảo tự do”.
Tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 tại Cuba hiện là 2200 người, trong đó 1868 trường hợp đã bình phục và 83 ca tử vong
Trong khi đó, cũng tại châu Mỹ, Mexico vẫn duy trì mức cảnh báo cao tuần thứ hai kể từ khi chính phủ nước này quyết định dần mở lại các hoạt động kinh tế và xã hội. Tình hình dịch COVID-19 tại 31 tiểu bang vẫn ở mức báo động đỏ, mức cao nhất trong 4 cấp độ theo thứ tự đỏ-cam-vàng-xanh để chính phủ dỡ bỏ các hạn biện pháp giãn cách xã hội. Trong 24 giờ qua, Mexico ghi nhận 3.484 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-12 mới cùng 188 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt 117.103 ca và 13.699 ca.
Brazil và Chile tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Chính phủ Brazil cùng ngày thông báo nước này đã ghi nhận tổng cộng 707.412 ca nhiễm (tăng 15.450 ca) với 37.134 ca tử vong (tăng 635 ca). Theo đó Brazil là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai ở châu Mỹ, chỉ sau Mỹ. Cũng trong ngày 7/6, Bộ Y tế Chile cho biết đã ghi nhận 4.696 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 138.846 ca với 2.264 ca tử vong.
Châu Âu dần trở lại trạng thái bình thường, kích cầu du lịch
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đang hướng dần tới việc trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch và cố gắng kích cầu ngành du lịch để kịp đón khách du lịch vào mùa Hè.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này có thể sẽ mở cửa lại biên giới vào đầu tháng 7 tới cho khách du lịch từ ngoài khu vực này, sau khi một số quốc gia trong khối tiến hành dỡ bỏ các hạn chế đối với khách du lịch từ các nước khác ở châu Âu.
Hiện Anh là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, sau Mỹ, với 40.597 ca tử vong trong tổng số 287.399 ca mắc. Kể từ ngày 8/6, Chính phủ Anh yêu cầu hầu hết người nhập cảnh phải tự cách ly trong 2 tuần để phòng dịch COVID-19. Quy định này được áp dụng đối với cả công dân Anh và người nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai từ nước ngoài.
Ba Lan ghi nhận thêm 599 ca nhiễm mới trong ngày 8/6, phần lớn liên quan đến một mỏ than ở miền Nam nước này. Theo Bộ Y Tế Ba Lan, gần 60% số ca nhiễm mới là công nhân mỏ than Zofiowka tại thành phố Jastrzebie-Zdroj, và người nhà của họ. Đến nay, Ba Lan đã ghi nhận tổng cộng 27.610 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.166 ca tử vong và 12.998 người đã khỏi bệnh. Số ca tử vong tại Ba Lan thấp hơn nhiều so với một số nước Tây Âu do nước này sớm áp đặt biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch từ tháng 3 vừa qua.
CH Séc cũng ghi nhận hàng trăm ca mắc mới COVID-19 liên quan đến mỏ khai khoáng Darkov do công ty OKD quản lý. Đến nay, CH Séc ghi nhận tổng cộng 9.628 ca mắc, trong đó có 327 ca tử vong và 6.891 ca đã bình phục.
Chính phủ Đan Mạch ngày 8/6 đã nới lỏng quy định hạn chế số người tụ tập tại các sự kiện áp đặt từ ngày 17/3 vừa qua, theo đó tăng số người được phép tham dự sự kiện từ 10 người lên 50 người.
Tại Italy, Viện thống kê quốc gia Italy (ISTAT) ngày 8/6 dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy trong năm 2020 có thể giảm tới 8,3% do tác động của dịch COVID-19. Giới phân tích cũng cho rằng nền kinh tế Italy có thể rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa trong hơn 2 tháng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, dự báo được ISTAT đưa ra vẫn còn cao hơn một số thể chế tài chính khác. Ngân hàng trung ương Italy dự báo GDP của nước này trong năm 2020 có thể giảm từ 9,2 - 13,1%, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) ước tính con số này là 9,5%.
Trong khi đó, cùng ngày, Cơ quan thống kê Destatis của Đức cho biết sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4 vừa qua giảm tới 17,9% so với tháng trước đó. Đây là mức giảm kỷ lục theo tháng kể từ tháng 1/1991, trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nếu so với cùng kỳ năm 2019, tỉ lệ giảm lên tới 25,3%.
Đức hiện có 186,205 ca COVID-19, tăng 336 ca trong 24 giờ qua, trong đó có 8.783 ca tử vong, tăng 7 trường hợp.
Nga: Thủ đô Moskva sắp bãi bỏ các biện pháp tự cách ly
Ngày 8/6, Thị trưởng thủ đô Moskva Sergei Sobyanin thông báo từ ngày 9/6, thủ đô của LB Nga sẽ bãi bỏ các biện pháp tự cách ly, gồm chế độ đi lại theo giấy thông hành điện tử và đi dạo theo lịch. Ông Sobyanin nhấm mạnh: “Người dân Moskva có trách nhiệm tuân thủ các khuyến nghị và các hạn chế theo yêu cầu (vẫn còn được áp dụng)”. Từ ngày 16/6, chính quyền thành phố cho phép mở lại các quán ăn, tiệm cà phê ngoài trời và phòng khám nha khoa, mở cửa các bảo tàng, thư viện, phòng triển lãm và vườn bách thú; từ ngày 23/6 bãi bỏ các hạn chế khi sử dụng các cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như mở lại các trường mẫu giáo và trung tâm thể thao, vận chuyển và đi lại dọc sông Moskva.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Mikhail Mishustin đánh giá số ca nhiễm mới COVID-19 mới ở thủ đô Moskva đang ở mức trung bình và chỉ tăng 1% mỗi ngày. Moskva là tâm điểm đại dịch COVID-19 ở Nga. Trong vòng 24 giờ qua, tại Nga có thêm 112 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 5.971 người; số ca nhiễm virus tăng thêm 8.985 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 476.658.
Ấn Độ mở cửa một số địa điểm công cộng
Ngày 8/6, các trung tâm thương mại và đền thờ tại một số thành phố của Ấn Độ đã mở cửa trở lại bất chấp số ca nhiễm mới trong ngày tại quốc gia Nam Á này vẫn tăng cao kỷ lục sau 10 tuần phong tỏa. Đây được xem là quyết định táo bạo của Chính phủ Ấn Độ nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo số liệu báo cáo mới nhất công bố ngày 8/6, Ấn Độ ghi nhận 9.983 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 256.611 ca, trở thành một trong những quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới cùng với các nước như Tây Ban Nha và Anh. Tuy nhiên, so với các nước khác trong nhóm này, số ca tử vong tại Ấn Độ lại thấp hơn - 7.135 ca. Các chuyên gia dự báo đỉnh dịch COVID-19 tại Ấn Độ sẽ rơi vào tháng Bảy tới.
Tai Pakistan, tổng số ca mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 100.000 ca, lên tới 103.671 (tăng 4.728 ca trong 24 giờ qua) trong đó có 2.067 ca tử vong. Trong tổng số 23.000 xét nghiệm được thực hiện 10 ngày qua, trên 20% xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19. Tỷ lệ này tăng cao gấp đôi so với chỉ 10% số ca dương tính ghi nhận trước thời điểm quốc gia Nam Á dỡ bỏ lệnh phong tỏa hôm 9/5 vừa qua.
Hàn Quốc đề phòng ổ dịch mới
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn cảnh giác cao độ đề phòng nguy cơ bùng phát các ổ dịch mới. Ngày 8/6, tất cả các câu lạc bộ bóng bàn ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã được yêu cầu tạm thời đóng cửa để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 sau khi một loạt ca nhiễm mới bùng phát tại một câu lạc bộ bóng bàn ở phía Tây thủ đô Seoul.
Chính quyền Seoul cũng đã yêu cầu người dân không tụ tập tham gia các chương trình khuyến mãi và các sự kiện quảng cáo bán hàng do các công ty tiếp thị đa cấp thực hiện. Theo Thị trưởng Seoul, trong trường hợp cần thiết, chính quyền thành phố sẽ có thêm các biện pháp cứng rắn hơn.
Trung Quốc đại lục không có thêm ca lây nhiễm trong nước
Ngày 8/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca mắc dịch COVID-19 nào ở trong nước cũng như không có ca tử vong trong ngày. Tuy nhiên, ủy ban trên cho biết có 4 ca "nhập khẩu" bao gồm 3 người ở tỉnh Tứ Xuyên và 1 người ở thành phố Thượng Hải, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh từ nước ngoài về lên 1.780 ca.
New Zealand tuyên bố không còn ca bệnh
Giới chức y tế New Zealand ngày 8/6 cho biết nước này hiện không còn trường hợp nào mắc COVID-19 sau khi bệnh nhân cuối cùng cũng đã khỏi bệnh và hết thời gian cách ly. Đây là lần đầu tiên New Zealand không còn ca bệnh nào kể từ ngày 28/2. Giới chức y tế New Zealand nhấn mạnh dù kết quả này là "thông tin thực sự tốt", là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch nhưng người dân vẫn phải duy trì cảnh giác.
New Zealand với 5 triệu dân đã ghi nhận 1.154 ca nhiễm và 22 ca tử vong. Cuối ngày 8/6, Thủ tướng Jacinda Ardern đã thông báo rằng New Zealand trong tuần này chuyển sang cảnh báo cấp 1, mức thấp nhất trong thang cảnh báo gồm 4 cấp độ về phản ứng với đại dịch. Theo đó, những quy định hạn chế tập trung đông người và giãn cách xã hội bắt buộc sẽ được hủy bỏ, tuy nhiên việc thắt chặt kiểm soát đường biên giới quốc gia vẫn được duy trì.
Đông Nam Á tiếp tục nới lỏng hạn chế
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Singapore đang thúc đẩy kế hoạch nới lỏng dần các biện pháp hạn chế, trong đó vẫn yêu cầu nhiều người tiếp tục làm việc ở nhà và chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình. Hồi tuần trước, Singapore đã mở cửa trở lại trường học và một số hoạt động kinh doanh sau gần hai tháng áp đặt lệnh phong tỏa. Singapore là nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất ở Đông Nam Á, với 38.296 ca nhiễm do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại các khu nhà ở cho người lao động nhập cư.
Cùng ngày, giới chức Philippines cho biết hàng chục triệu học sinh ở nước này sẽ chưa được đến trường cho đến khi có vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm vẫn rất lớn tại nước này. Tính đến thời điểm hiện tại, Philippines có 22.474 ca mắc COVID-19 và 1.011 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 579 ca nhiễm mới và 8 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Một số nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia vẫn tiếp tục có số ca nhiễm mới gia tăng trong 24 giờ qua. Cụ thể, ngày 8/6, Malaysia công bố ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 8.329 ca trong khi số ca tử vong vẫn là 117 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt hạn chế đối với hoạt động đi lại và kinh doanh hồi tháng Ba.
Bộ Y tế Indonesia thông báo có thêm 847 ca nhiễm mới và 32 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 32.033 trong đó có 1.883 ca tử vong. Quốc gia Đông Nam Á này đến nay đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 274.400 người. Khoảng 10.904 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện.