Điện Biên đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển bền vững
Sau 70 năm đi lên từ những hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, tỉnh Điện Biên hôm nay đã 'thay da, đổi thịt' với diện mạo đô thị khang trang, nông thôn đổi mới. Từ các tiềm năng, lợi thế sẵn có về tài nguyên rừng và đất rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch... địa phương này hiện đang chú trọng thu hút đầu tư để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Công ty Cổ phần Đại An ở tỉnh Hải Dương mới đây đã có chuyến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại Điện Biên. Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty cho biết, qua khảo sát thực tế một số dự án tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã quan tâm các lĩnh vực như: Phát triển khu đô thị mới tại thành phố Điện Biên Phủ; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng ở huyện Tuần Giáo, cùng một số khu du lịch sinh thái ở các địa phương…
"Lên đây, Đại An thấy là mình cần phải có trách nhiệm với bà con, đồng bào ở nơi mà lịch sử rất khốc liệt trong thời kỳ dựng nước và đến bây giờ là phát triển đất nước. Chúng tôi quan tâm đến phát triển các đô thị để góp phần đưa Điện Biên trở thành đô thị loại II vào năm 2025", bà Phương chia sẻ.
Công ty cổ phần Đại An mới chỉ là một trong số các doanh nghiệp đang quan tâm nghiên cứu để đầu tư các công trình, dự án tại Điện Biên. Thống kê trong hơn 2 năm trở lại đây, tỉnh Điện Biên đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 42 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại – dịch vụ, nông – lâm nghiệp, khu dân cư đô thị… với tổng số vốn đăng ký gần 17.000 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, có được kết quả này là nhờ tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư ở trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chú trọng rà soát, ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến; công nghiệp phụ trợ; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP. Điện Biên Phủ… để thu hút đầu tư. Cùng với đó là triển khai công tác xúc tiến đầu tư gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành và khu vực của tỉnh...
"Tỉnh cũng đã tổ chức định kỳ găp gỡ Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá tình hình thực hiện và giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; tập trung xây dựng, thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI để tiếp tục thu hút đầu tư, với kỳ vọng số dự án và tổng mức vốn đăng ký đầu tư năm sau cao hơn năm trước", ông Thắng nói.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, du lịch để thu hút đầu tư, thời gian qua, nhiều tổ chức, đơn vị ở Điện Biên đã chú trọng đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trà Phan Nhất tại Thành phố Điện Biên Phủ là một ví dụ. Sau hơn 10 năm thành lập đi vào hoạt động, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu riêng tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên với diện tích trang trại lên tới 20ha.
Ông Phan Xuân Nhất, chủ thương hiệu trà Phan Nhất Điện Biên cho biết, với phương châm “Giá trị làm nên thương hiệu”, ngay từ khi bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu, trà Phan Nhất đã kiên quyết đi theo mô hình sản xuất trà hữu cơ “Sạch từ đồi chè đến ấm trà”, tạo ra một sản phẩm trà hữu cơ sạch tuyệt đối, khi thưởng thức trà có vị chát đậm, hương vị thơm ngon, nước xanh trong, vị đậm đà… Hiện 2 sản phẩm của công ty là chè shan PH14 và sản phẩm chè shan Phan Nhất Mường Ảng đã chính thức ghi danh vào danh mục sản phẩm đặc sản, tiềm năng thế mạnh của địa phương với chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao:
"Bản thân tôi cũng đã hình thành ý thức từ hàng bao nhiêu năm nay là luôn luôn nỗ lực để có thể tạo ra các sản phẩm tốt nhất để mang đến giá trị tốt cho Điện Biên", ông Thắng bày tỏ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV xác định mục tiêu tổng quát của tỉnh đến năm 2025 phải đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, thu hút đầu tư được địa phương xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu này. Thời gian qua, tỉnh đã tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn hàng đầu đất nước đến tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký thỏa thuận hợp tác và thực hiện các dự án đầu tư lớn như: Tập đoàn Sun Group, Vin Group, Công ty Đèo cả, ONew...
Trong thời gian tới, để việc thu hút đầu tư đáp ứng được kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, địa phương sẽ đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương với việc thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư từ khi khảo sát lập dự án, xin chủ trương đầu tư đến khi triển khai thực hiện và kết thúc dự án.
"Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có vị trí hết sức quan trọng. Vì vậy, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư. Thứ hai là tỉnh tiếp tục cải thiện chỉ số về đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và có trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện các dự án của các nhà đầu tư, cũng như của các doanh nghiệp", Chủ tịch tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.
Ông Lê Thành Đô cũng cho biết, tỉnh Điện Biên đang tập trung vào kết hợp nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước với thu hút đầu tư từ các nguồn lực kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với phát triển đô thị; tích cực triển khai quy hoạch đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời rà soát, điều chỉnh lại đô thị thành phố Điện Biên Phủ, cùng các đô thị của tỉnh và tiếp tục tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như CME, Công ty cổ phần đầu tư Đại An, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Agroup… khảo sát, đầu tư một số dự án lớn tại địa phương.