Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới tới 6h sáng 11/3: Trên 118.900 ca mắc bệnh, 4.270 người tử vong

Ngày 10/3, dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra tiếp tục lây lan tại nhiều nước trên thế giới và số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu đã vượt 118.900 người.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được đưa tới điều trị tại bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 7/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được đưa tới điều trị tại bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc, ngày 7/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tính tới 6h ngày 11/3, thế giới đã ghi nhận 118.905 người mắc bệnh COVID-19 và 4.270 người tử vong, trong khi số người được chữa khỏi là 65.110. Số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng cao tại Italy và Iran, trong khi dịch bệnh có dấu hiệu chững lại ở Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong vòng 24h qua, thế giới có thêm 4.524 ca mắc bệnh mới và 245 người tử vong. Dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện tại 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những nước xác nhận ca nhiễm đầu tiên có Mông Cổ, CHDC Congo, CH Cyprus, Burkina Faso, Panama. Những nước có ca tử vong đầu tiên là ở Maroc (1), Thụy Sĩ (1), Liban (1), Canada (1).

Những nước và vùng lãnh thổ xác nhận các ca nhiễm mới như Nhật Bản (24), Campuchia (1), Indonesia (8), Thái Lan (3), Philippines (11), Saudi Arabia (5), Brunei (5), Kuwait (4).

Ngày 10/3 và rạng sáng 11/3, Italy trở thành điểm “nóng” nhất của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới. Riêng trong ngày này, Italy đã ghi nhận thêm 977 ca mắc bệnh mới và 168 người tử vong. Như vậy, tính tới nay, quốc gia Nam Âu này đã có 10.149 người mắc bệnh và 631 người tử vong vì virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, tổng số 1.004 ca đã hồi phục, tăng 280 trường hợp so với ngày 9/3.

Cảnh sát và binh sĩ Italy tuần tra tại nhà ga đường sắt ở Rimini trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, ngày 8/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát và binh sĩ Italy tuần tra tại nhà ga đường sắt ở Rimini trong bối cảnh quốc gia này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, ngày 8/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Với những diễn biến mới này, Italy tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đặt toàn bộ đất nước nằm dưới sự phong tỏa trong bối cảnh dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh tại nước này, theo đó, người dân trên toàn Italy sẽ phải hạn chế tối đa việc đi lại.

Thủ tướng Conte cũng công bố một số nội dung cơ bản của sắc lệnh mới bao gồm: đóng cửa các trường học ở tất cả các cấp và trường đại học đến ngày 3/4; ngừng tất cả các hoạt động thể thao, kể cả giải bóng đá Serie A; nghiêm cấm hoạt động tụ tập đông người. Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 10/3 - 3/4.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh, lãnh đạo vùng Lombardy dự định đề xuất với Chính phủ Italy tăng cường các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh tại vùng này, theo đó sẽ đình chỉ tất cả các hoạt động thương mại, đóng cửa các cửa hàng và trung tâm thương mại, ngoại trừ các cơ sở cung cấp thực phẩm và hiệu thuốc, hoạt động giao thông công cộng cũng sẽ bị đình chỉ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) thăm bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) thăm bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn, nơi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi dịch bệnh có dấu hiệu leo thang ở Italy, thì tại “tâm dịch” Trung Quốc đang đón nhận tín hiệu khởi sắc. Ngày 10/3, trừ tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc, trên toàn Trung Quốc đại lục đã không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới nào trong suốt 3 ngày qua đồng thời ngay ở Hồ Bắc, số ca nhiễm mới chỉ tập trung tại thành phố Vũ Hán trong khi tại các thành phố khác cũng không có thêm trường hợp nhiễm mới nào trong 5 ngày qua, Chính phủ Trung Quốc ngày 10/3 thông báo sẽ nới lỏng hạn chế đi lại tại tỉnh Hồ Bắc.

Theo đó, những người dân có tình trạng sức khỏe tốt tại tỉnh Hồ Bắc sẽ được phép tự do di chuyển tại khu vực vốn là nơi khởi phát dịch COVID-19 hồi tháng 12/2019. Một ứng dụng trên điện thoại di động sẽ được đưa vào sử dụng trong việc giám sát sức khỏe y tế cộng đồng và mỗi cư dân của tỉnh sẽ được cấp mã sức khỏe QR màu.

Trong chuyến thị sát đầu tiên đến thành phố Vũ Hán kể từ khi dịch COVID-19 khởi phát tại địa phương này vào tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát.

Nhiều nước trên thế giới tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Nhân viên y tế Hàn Quốc lấy mẫu bệnh phẩm của các nhân viên bị nghi nhiễm COVID-19 tại một tòa nhà ở Seoul, nơi phát hiện 46 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, ngày 10/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế Hàn Quốc lấy mẫu bệnh phẩm của các nhân viên bị nghi nhiễm COVID-19 tại một tòa nhà ở Seoul, nơi phát hiện 46 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, ngày 10/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị kéo dài việc hoãn hoặc hủy các sự kiện thể thao - văn hóa lớn do lo ngại dịch COVID-19, nhấn mạnh rằng ông muốn nhìn thấy hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Giới chức Hàn Quốc thông báo sẽ hoãn một loạt chương trình huấn luyện kết hợp đã lên kế hoạch giữa nước này và các binh sĩ nước ngoài do sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trên thế giới.

Ở Thái Lan, Chính quyền thủ đô Bangkok đã hủy các lễ hội cả do nhà nước lẫn tư nhân tổ chức trong dịp Tết cổ truyền Songkran (còn gọi là Lễ hội té nước) vào tháng 4 tới.

Thêm một bang ở Ấn Độ là Manipur đã đóng cửa biên giới với Myanmar trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Trước đó các bang Sikkim, Arunachal Pradesh và Mizoram của Ấn Độ cũng đã áp dụng biệp pháp tương tự với Myanmar và Bangladesh.

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại siêu thị ở Tehran, Iran, ngày 5/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại siêu thị ở Tehran, Iran, ngày 5/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi

Chính quyền thủ đô Baghdad của Iraq đã ban hành lệnh cấm tất cả các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng, kêu gọi người dân tránh đến thăm các thành phố và thánh địa linh thiêng của người Hồi giáo nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Giới chức Iraq cũng kêu gọi các công dân trở về từ các nước Iran, Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Kuwait và Bahrain ở trong nhà để tự cách ly trong 14 ngày.

Còn Chính phủ Kuwait thông báo tiếp tục kéo dài thời gian đóng cửa các trường học cho đến ngày 26/3 tới. Maroc và Tunisia cũng đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ Italy.

Trong khi đó, Văn phòng Đại giáo chủ Iran cho biết Đại giáo chủ Ali Khamenei đã quyết định hủy bỏ buổi diễn thuyết thường niên đánh dấu thời điểm bắt đầu năm mới theo niên lịch của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran trong ngày 10/3 ghi nhận thêm 54 ca tử vong và 291 trường hợp mắc bệnh mới, nâng tổng số người tử vong tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 291 và số người mắc COVID-19 là 8.042, nhiều thứ ba thế giới. Đây là con số tử vong cao nhất trong 1 ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.

Ngày 10/3, Ai Cập đã quyết định hoãn hàng loạt sự kiện thể thao và văn hóa trên quy mô toàn quốc, coi đây là một phần trong những động thái cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại châu Mỹ

Mỹ tính đến chiều 10/3 (sáng 11/3 theo giờ Việt Nam) đã ghi nhận có tổng cộng 974 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó 270 ca mới, và 30 người tử vong.

Dịch COVID-19 lây lan nhanh tại Italy và châu Âu. Ảnh: AP

Dịch COVID-19 lây lan nhanh tại Italy và châu Âu. Ảnh: AP

Tại châu Âu

Chính phủ CH Áo không cho phép những người đến từ Italy nhập cảnh, trừ những người có có giấy chứng nhận của bác sĩ xác nhận họ đang trong tình trạng khỏe mạnh. Ngoài ra, Áo cấm tổ chức các sự kiện trong nhà có sự tham gia của hơn 100 người cũng như các sự kiện ngoài trời với hơn 500 người tham dự. Các trường đại học nước này sẽ đóng cửa sớm nhất là vào ngày 16/3 và các công ty được yêu cầu cho nhân viên làm việc tại nhà.

Anh khuyến cáo những người Italy đến nước này phải tự cách ly trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự lo ngại của người dân Anh trước diễn tiến dịch bệnh lây lan nhanh tại Italy. Hãng hàng không British Airways của Anh hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Italy sau khi một sắc lệnh phong tỏa trên toàn Italy được áp dụng từ ngày 10/3 tới 3/4. Tương tự, hãng hàng không Wizz Air của Hungaria cũng đình chỉ tất cả chuyến bay tới Italy và Israel.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết mọi chuyến bay từ các vùng dịch đến nước này sẽ bị đình chỉ vào chiều 10/3. Chính phủ Moldova ban hành lệnh cấm nhập cảnh tất cả người nước ngoài đến nước này bằng đường không từ các quốc gia có dịch COVID-19.

Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố nước này sẽ đóng cửa tất cả các trường học từ cấp trung học trở xuống từ ngày 11/3 và cấm tổ chức các sự kiện có từ 100 người tham gia trở lên.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Sydney, Australia ngày 23/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Sydney, Australia ngày 23/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến sáng 11/3, một số quốc gia đang triển khai hiệu quả việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 khi đã có 65.105 người được xuất viện tại trên 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 10/3, thêm nhiều nước triển khai các chính sách ứng phó với dịch bệnh. Quốc hội Đức sẽ bổ sung thêm ngân sách 1 tỉ euro cho các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thông tin này được ông Ralph Brinkhaus, Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội liên bang đưa ra ngày 10/3.

Tại cuộc họp trực tuyến tối 10/3, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách trấn an doanh nghiệp và thị trường, đồng thời tuyên bố sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành tại châu Âu và trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen biết khối sẽ ra mắt một quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro, trong đó sẽ giải ngân ngay lập tức 7,5 tỷ để hỗ trợ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc làm và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/dien-bien-dich-covid19-tren-the-gioi-toi-6h-sang-113-tren-118800-ca-mac-benh-4267-nguoi-tu-vong-20200311033117304.htm