Điện Biên Đông phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP

ĐBP - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đăng ký bao tiêu sản phẩm bí xanh Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) với số lượng hơn 70 tấn/năm; đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP của địa phương.

Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao quà cho học sinh nghèo vượt khó của Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Na Son.

Tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh do huyện Điện Biên Đông tổ chức ngày 7/4, lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông đã giới thiệu điều kiện, tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương và tình hình triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của huyện về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trong thời gian qua; một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.

Thời gian qua, huyện Điện Biên Đông đã tập trung triển khai, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn và đã đạt những kết quả tích cực. Vấn đề liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP đã bước đầu có kết quả quan trọng, các sản phẩm OCOP đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Thời gian tới, huyện Điện Biên Đông quy hoạch phát triển 29 sản phẩm, bao gồm: 24 sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dược liệu; 2 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, nội thất và trang trí; 3 sản phẩm du lịch. Trong đó, huyện sẽ tập trung vào các sản phẩm chủ lực có thế mạnh như: Nếp tan, nếp thơm hạt to Pú Hồng, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son… Đến nay, huyện đã có 6 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm cấp huyện, 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm cấp tỉnh.

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đã trao đổi với huyện xung quanh vấn đề tạo cơ chế, thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP. Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường cần có sự vào cuộc không chỉ của cấp ủy, chính quyền mà cần sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân và cả nhà khoa học. Sản phẩm đưa ra thị trường phải đáp ứng đầy đủ các quy trình, thủ tục hướng dẫn các tổ chức và cá nhân về cách sản xuất, thu hoạch, sơ chế sản phẩm đảm bảo an toàn. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính xác nhất… Cũng trong hội nghị, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đăng ký bao tiêu cho sản phẩm bí xanh Tìa Dình với số lượng hơn 70 tấn/năm, đây là điều kiện thuận lợi để Điện Biên Đông phát triển mở rộng các sản phẩm đặc trưng.

Nhân dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã trao tặng 100 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Na Son, huyện Điện Biên Đông với tổng giá trị các phần quà là 30 triệu đồng.

Tin, ảnh: Đức Thái

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186110/dien-bien-dong-phoi-hop-doanh-nghiep-ho-tro-phat-trien-san-pham-ocop