Điện Biên đưa cây dược liệu quý trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện Tuần Giáo
Tỉnh Điện Biên đặt ra mục tiêu đưa cây dược liệu, đặc biệt là các cây dược liệu quý trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và cả nước.
Xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân
Nhận thấy huyện Tuần Giáo – tỉnh Điện Biên dồi dào tiềm năng để phát triển mạnh mẽ các cây dược liệu, tạo nên chuỗi giá trị và mang lại kinh tế cho người dân địa phương, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định "Phương án phát triển vùng dược liệu quý giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện Tuấn Giáo".
Quyết định này cũng nêu rõ phương hướng của huyện Tuần Giáo là khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, môi trường dưới tán rừng; sử dụng nguồn lao động địa phương và áp dụng kinh nghiệm gây trồng một số cây thuốc trên địa bàn để mở rộng diện tích, phát triển thành vùng dược liệu tập trung quy mô lớn; đưa cây dược liệu, đặc biệt là các cây dược liệu quý trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh và cả nước.
Quy mô, diện tích vùng phát triển dược liệu (vùng có độ cao từ 1.000 m trở lên so với mực nước biển) khoảng 3.980 ha, trong đó diện tích có rừng khoảng 1.741 ha, chưa có rừng khoảng 1.489 ha (thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp) và 750 ha đất khác (ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp, đang được người dân canh tác nương luân canh) tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo.
Về mục tiêu chung của huyện nhằm mở ra phương hướng đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân; cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân trong nước.
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế; định hướng quy mô khu vực phát triển dược liệu làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư, tiến tới đưa nghề trồng, phát triển cây dược liệu thành nghề có thể mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện và của tỉnh. Sử dụng hiệu quả diện tích môi trường dưới tán rừng, từ đó thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bền vững.
Giai đoạn 2026-2030 trồng mới thêm 500-700ha
UBND tỉnh Điện Biên cũng đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2022-2025 xây dựng, hình thành vùng sản xuất cây dược liệu quý tập trung có chất lượng cao tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 200-300 ha trồng các cây dược liệu gồm sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng,... gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 100 hộ với hơn 200 lao động; khoảng 200 lao động thời vụ; giảm nghèo cho trên 100 hộ. Thu hút đầu tư xây dựng 01 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu. Xây dựng tối thiểu 1 nhãn hiệu dược liệu.
Giai đoạn 2026-2030 đặt mục tiêu trồng mới thêm khoảng 500-700 ha cây dược liệu, mục tiêu đến năm 2030 toàn xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có khoảng 700-1.000 ha cây dược liệu. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 250 hộ với hơn 400 lao động; khoảng 500 lao động thời vụ (bao gồm cả lao động của các xã lân cận); xã không còn hộ nghèo. Nâng cấp cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm dược liệu; xây dựng thêm các nhãn hiệu dược liệu khác của vùng trồng.
Đặc biệt, tỉnh Điện Biên cũng đặt kế hoạch cho huyện Tuần Giáo giai đoạn 2022-2025 phát triển khoảng 200-300 ha các loài dược liệu: sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng, tập trung tại các bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa,... xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; tiếp tục chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích trồng cây thảo quả, sa nhân và sơn tra trên địa bàn xã; đồng thời nghiên cứu mở rộng phát triển một số loài dược liệu phù hợp, cho thu hoạch sớm như atiso, đẳng sâm, đương quy,...
Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục đầu tư chăm sóc, quản lý, khai thác hiệu quả diện tích dược liệu đã trồng giai đoạn 2022-2025 và các cây dược liệu sẵn có; phát triển thêm khoảng 500-700 ha các loài dược liệu: sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất bắc, hoàng tinh hoa trắng tại toàn bộ 05 bản: Ten Hon, Xá Tự, Há Dùa, Thắm Nặm, Huổi Anh, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; tiếp tục thử nghiệm, nhân rộng các loài cây dược liệu phù hợp và có thị trường tiêu thụ.