Diễn biến mới vụ rắn hổ trâu hay hổ chúa

Sau khi bị truy tố do mua rắn hổ chúa, người phụ nữ tiếp tục bị đề nghị xử phạt hành chính về hai con kỳ đà vân.

Liên quan vụ án rắn hổ trâu hay hổ chúa mà Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông vừa chuyển hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh này xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Xuân (ngụ thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Trước đó, bà này đã bị VKSND huyện Cư Jút truy tố về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm và bà kêu oan.

Bà Xuân cho rằng chỉ mua rắn hổ trâu chứ không phải hổ chúa. Ảnh: QN

Bà Xuân cho rằng chỉ mua rắn hổ trâu chứ không phải hổ chúa. Ảnh: QN

Vừa xử lý hình sự vừa xử phạt hành chính

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Công Trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc đến UBND tỉnh để tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Xuân về việc vận chuyển hai con kỳ đà vân.

“Phía Chi cục Kiểm lâm đã gửi văn bản đến UBND tỉnh để tham mưu về việc xử phạt hành chính đối với bà Xuân. Còn mức tiền xử phạt thì theo quy định của pháp luật. Trong vụ án này, phần hình sự công an đã xử lý rồi, còn hai động vật hoang dã (hai con kỳ đà vân - PV) nằm ở khung hành chính, thẩm quyền ra quyết định xử phạt thuộc UBND tỉnh Đắk Nông” - ông Trường nói.

Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, công văn của Chi cục Kiểm lâm về việc đề nghị xử phạt hành chính bà Lê Thị Xuân mới được chuyển tới văn phòng UBND tỉnh. Sắp tới, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ xem xét.

Trước đó, trao đổi với PV về việc này, ông Lê Văn Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư Jút, cho biết sau khi nhận được công văn của Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút về việc chuyển hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính đối với bà Xuân về hành vi vận chuyển hai con kỳ đà, hạt đã chuyển hồ sơ đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh để tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền.

“Trước đó, hạt cũng đã mời bà Xuân đến để làm việc. Tuy nhiên, do mức phạt hành chính vượt thẩm quyền của hạt, chúng tôi đã chuyển hồ sơ lên Chi cục Kiểm lâm để tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền” - ông Hà nói.

“Trong vụ án này, phần hình sự công an đã xử lý rồi, còn hai động vật hoang dã (hai con kỳ đà vân) nằm ở khung hành chính, thẩm quyền ra quyết định xử phạt thuộc UBND tỉnh Đắk Nông” - ông Trường nói.

Người bán rắn là ai?

Trước đó, VKSND huyện Cư Jút đã ban hành cáo trạng truy tố bà Xuân về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm theo điểm a khoản 1 Điều 244 BLHS.

Bà Xuân đã có đơn gửi đến cơ quan chức năng để kêu oan về việc bị truy tố. Theo bà, khi bắt giữ, công an không lập biên bản, không niêm phong vật chứng tại hiện trường theo quy định.

“Từ lúc người đàn ông gọi cho tôi đến lúc tôi trả tiền mua rắn, hai bên đều xác định đây là rắn hổ trâu. Giá 400.000 đồng một con thì chỉ có rắn hổ trâu chứ rắn hổ chúa phải đến mấy triệu đồng” - bà Xuân nói.

Vào ngày bà bị bắt, một người lạ gọi cho bà bằng số điện thoại có đuôi 244 để hỏi về việc mua bán rắn hổ trâu. Bà đã đề nghị công an làm rõ chủ thuê bao số điện thoại này để đối chất.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Cư Jút sau đó có đơn trả lời cho rằng qua xác minh cho thấy chủ thuê bao số điện thoại có đuôi 244 là của ông TVG (57 tuổi, ngụ Ninh Bình). Qua làm việc, ông G khai không đăng ký sử dụng số thuê bao trên và không bán rắn, kỳ đà cho bà Xuân. Ông G từ trước đến nay sinh sống tại địa phương nên cũng không biết bà Xuân là ai. Do đó, không có căn cứ xử lý đối với ông G.

Còn theo thông báo trả lời của VKSND huyện Cư Jút đối với bà Xuân, việc yêu cầu đối chất với ông G đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

“Trong đơn đề ngày 14-5, bà Xuân cho rằng mình bị oan nhưng đơn không nêu cụ thể, hành vi, quyết định tố tụng nào bị khiếu nại nên VKS không có căn cứ để thụ lý, giải quyết theo trình tự giải quyết đơn trong khiếu nại, tố cáo hoạt động tư pháp” - thông báo có đoạn.

Bị truy tố vì mua rắn hổ chúa

Sáng sớm 25-5-2021, một người đàn ông lạ gọi điện thoại hỏi bà Xuân có mua rắn hổ trâu không. Bà Xuân đồng ý mua và hẹn gặp tại một cửa hàng cám gạo trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Ea T’Ling.

Tại đây, người đàn ông đưa cho bà một bao tải, bên trong có một con rắn. Bà Xuân mua con rắn nặng 2 kg với giá 430.000 đồng. Bà đưa cho người bán tờ 500.000 đồng. Người này hỏi bà có mua luôn hai con kỳ đà không thì bà từ chối.

Người này không trả lại tiền thừa mà bỏ cả bao đựng hai con kỳ đà lại rồi bỏ đi. Sau khi người bán bỏ đi, bà Xuân bỏ hai bao đựng rắn, kỳ đà lên xe máy chạy về hướng Đắk Lắk thì bị công an bắt giữ.

Theo giám định, con rắn mà bà Xuân mua là rắn hổ chúa, cùng hai con kỳ đà vân đều thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm.

Theo VKS, quá trình điều tra, bị can Xuân nhiều lần thay đổi lời khai, khai báo quanh co, không đúng sự thật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án.

HUY TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/dien-bien-moi-vu-ran-ho-trau-hay-ho-chua-post684478.html