Điện Biên: Nỗ lực khắc phục nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng

Trước tình trạng ngập úng, sạt lở, gây ách tắc giao thông tại nhiều điểm trên địa bàn Điện Biên, các lực lượng chức năng đã khẩn trương khắc phục sự cố.

Chiều ngày 9/9, chia sẻ với Báo Công Thương, ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết, sau khi đổ bộ vào Bắc Bộ, bão số 3 (Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, đặc biệt tại tỉnh Điện Biên. Tình trạng mưa liên tục trong 3 ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường giao thông tại địa phương bị ngập úng, sạt lở, gây ách tắc giao thông tại nhiều điểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Về các công trình thủy điện, theo ông Sơn, hiện tại chưa ghi nhận thấy thiệt hại. Tại các hồ thủy điện vẫn thực hiện đúng quy trình xả lũ. Sở Công Thương Điện Biên luôn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị cung ứng điện bảo đảm cung ứng đủ điện cho người dân và có phương án kịp thời khắc phục nếu xảy ra sự cố.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cũng chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân, đặc biệt là các khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra.

Điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn qua xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 279, đoạn qua xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Về tình hình thiên tai trên địa bàn, theo thông tin mới nhất Báo Công Thương nhận được từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra mưa lũ lớn, ngập lụt, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân trên địa bàn. Tổng hợp thông tin báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên tính đến 10h sáng ngày 9/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thống kê có 7 nhà bị thiệt hại dưới 30%, 182,19 ha lúa bị sạt lở, ngập lụt; 9 tuyến đường giao thông bị sạt lở, ách tắc.

Trong đó, tại huyện Mường Chà, 2 tuyến tại Km113+240/QL.12 Huổi Lèng vào lúc 5h sáng ngày 9/9 do mưa rất to, đất trên taluy tràn ra đường gây tắc đường. Hạt đường bộ của Công ty đường bộ 226 đã cấm đường, điều hành giao thông, hướng dẫn các xe dừng đỗ tại các vị trí an toàn. Đến thời điểm 7h sáng đã xúc sạt và thông đường tạm thời.

Điểm sạt lở tại xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Điểm sạt lở tại xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Từ km 8 đến km 23 Quốc lộ 4H đang bị sạt lở tại một số điểm. Hiện Công ty đường bộ 226 đang điều hành giao thông, hướng dẫn các xe dừng đỗ tại các vị trí an toàn và khắc phục tạm thời, đảm bảo lưu thông trên tuyến.

Tại huyện Điện Biên Đông gồm 3 tuyến: Xã Nong U, 1 cây to đổ ngang đường và làm tắc đoạn đường từ bản Tìa Ló A,B xuống đường DT 143. UBND xã đã chỉ đạo dân quân ra chặt, dọn và thông đường. Xã Tìa Dình 1 cây đổ ngang đường, với khoảng 10 m3 đất tuyến đường Háng Lìa – Tìa Dình. UBND xã đã chỉ đạo dân quân ra chặt, dọn và thông đường. Tại tuyến đường vào khu sản xuất Háng Phả Chử bản Tìa Ló A,B đã sạt từ taluy dương xuống mặt đường với khối lượng khoảng 1.200 m3. Ước tính thiệt hại 14,4 triệu đồng.

Huyện Tủa Chùa gồm 1 tuyến đường Mường Đun - Xá Nhè tại trường THPT Quyết Tiến bị ngập hiện tại các phương tiện không thể lưu thông được.

Huyện Nậm Pồ gồm 2 tuyến: Tuyến đường Chà Tở - Nậm Khăn: Sạt lở ta luy dương 01 vị trí; hệ thống thoát nước bị đất vùi lấp làm nước tràn mặt đường, gây xói lề đường (hiện tại các phương tiện không thể lưu thông).

Tuyến đường Vân Hồ - Long Dạo, xã Si Pa Phìn: Nước lũ dâng cao cống không kịp thoát nước, gây chảy tràn mặt đường; xói lề đường. Hiện tại, các phương tiện không thể lưu thông.

Một tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 12 đi bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, có 24 điểm sạt lở taluy gây tắc đường. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Một tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 12 đi bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, có 24 điểm sạt lở taluy gây tắc đường. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Tại huyện Điện Biên, 1 tuyến đường giao thông từ Quốc lộ 12 đi bản Nậm Ty, xã Hua Thanh, có 24 điểm sạt lở taluy gây tắc đường, trong đó, 18 điểm sạt lở nhỏ và 4 điểm sạt lở lớn, ước khoảng 6.000 m3 đất, đá.

Bên cạnh đó, có 1 điểm trường Mầm non bị sạt lở hơn 350 m2, tại xã Nậm Khăn. Ước tỉnh tổng thiệt hại khoảng 3,1 tỷ đồng.

"Hiện tại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện phối hợp với các xã, các đơn vị xuống cơ sở xác minh thiệt hại và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp cơ sở giúp đỡ các gia đình sửa chữa, khắc phục nhà ở, hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại về cây trồng để ổn định cuộc sống" - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin.

Đặc biệt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ bố trí nhân lực, máy móc dọn sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.

Nhiều tuyến đường tại Điện Biên sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Nhiều tuyến đường tại Điện Biên sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Trao đổi với Báo Công Thương, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng Công an tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp. Cụ thể, ứng trực 100% quân số, toàn bộ lực lượng công an đã được huy động để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, phối hợp với các lực lượng chức năng khác để sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Các lực lượng chức năng đã tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông, nhằm sớm thông tuyến và phục hồi giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã kịp thời có mặt tại hiện trường phân luồng, điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân và phương tiện tránh trú tại các khu vực an toàn đến khi lực lượng chức năng thông tuyến. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường nhân lực, máy móc, phương tiện để khắc phục hậu quả.

"Đến thời điểm hiện tại, nhiều tuyến đã được khắc phục, còn một vài tuyến vẫn đang được các lực lượng chức năng phối hợp thực hiện nhanh chóng, đảm bảo giao thông thông suốt cho bà con. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực hỗ trợ thu gom lúa cho người dân đến nơi an toàn tránh ngập úng" - đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên thông tin.

Trước đó, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó bão, lũ theo chỉ đạo của Chính phủ; trong đó ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tiếp tục rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Sạt lở khiến giao thông ở nhiều tuyến đường bị tê liệt, người dân chỉ có thể đi bộ qua. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

Sạt lở khiến giao thông ở nhiều tuyến đường bị tê liệt, người dân chỉ có thể đi bộ qua. Ảnh: Công an Điện Biên cung cấp

UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các đơn vị, thực hiện theo nhiệm vụ phân công, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, nhà máy; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.

Đỗ Nga - Nguyễn Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dien-bien-no-luc-khac-phuc-nhieu-tuyen-duong-giao-thong-bi-sat-lo-nghiem-trong-344550.html