Điện Biên nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em

Trong những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong nỗ lực phòng chống phòng ngừa lao động trẻ em thông qua triển khai những chương trình, dự án phòng chống lao động trẻ em.

Hành động để phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em

Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới có đường biên giới tiếp giáp với Lào là 360 km và đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc là 40,86 km. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với 129 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 9 phường, 5 thị trấn và 115 xã. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 25,68% (35.922 hộ), trong đó huyện Tuần Giáo là 33,59%; Mường Ẳng là 22,13%. Đáng chú ý, hiện toàn tỉnh có khoảng 216.300 trẻ em dưới 16 tuổi và nguy cơ lao động trẻ em vẫn luôn hiện hữu.

Trước thực trạng đó, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều chương trình, kế hoạch về bảo vệ trẻ em như chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030; kế hoạch phòng ngừa lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025; kế hoạch bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu về bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em giai đoạn 2021-2025….

 Tổ chức các hoạt động truyền thông tương tác cho các các em và phụ huynh

Tổ chức các hoạt động truyền thông tương tác cho các các em và phụ huynh

Đặc biệt, năm 2022 tỉnh Điện Biên phối hợp với Tổ chức World Vision International tổ chức dự án Phòng chống các hình thức lao động trẻ em trong môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trong môi trường mạng và vi phạm các điều kiện lao động tối thiểu (dự án ACE). Dự án được triển khai tại 8 xã của huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo. Với mong muốn trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Ngay từ khi bắt đầu, ACE đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thực thi chính sách cũng như chương trình kế hoạch về phòng ngừa lao động trẻ em.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Quá trình triển khai, Dự án tập trung chủ yếu vào các hoạt động gồm: Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là tại cấp cơ sở; truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cha mẹ và trẻ em về lao động trẻ em; phân loại, xác định nhóm trẻ em nguy cơ là nạn nhân để có kế hoạch can thiệp kịp thời. Trọng tâm là đội ngũ cán bộ cấp xã, cán bộ phụ trách bản và các giáo viên trường THCS nội trú, những người trực tiếp thường xuyên làm việc và dạy dỗ trẻ. Dự án xác định rằng, muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng thì người thực hiện cần nắm vững các kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là luật pháp và chính sách về lao động trẻ em.

 Thực hiện rà soát, sàng lọc trẻ có nguy cơ lao động trẻ em

Thực hiện rà soát, sàng lọc trẻ có nguy cơ lao động trẻ em

Đến nay đã có hơn 300 lượt cán bộ được tập huấn về các nội dung: Luật pháp chính sách, các tiêu chí xác định lao động trẻ em; thanh tra lao động; cơ chế báo cáo, xử lý; kỹ năng truyền thông; kỹ năng đi xa an toàn dành cho trẻ; Nguyên tắc và kỹ năng khi làm việc với trẻ… Tính đến 30.8.2024, sau hơn 2 năm triển khai, tại đại bàn 8 xã triển khai dự án đã có 100% cán bộ cấp xã, cộng tác viên thôn/bản và đội ngũ giáo viên THCS đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng về phòng ngừa lao động trẻ em. 100% công chức văn hóa xã hội và đội ngũ giáo viên (mỗi trường có 2-3 giáo viên chuyên trách) đã tự tin thực hiện định kỳ các hoạt động truyền thông tại cộng đồng và các buổi ngoại khóa tại trường học cho trẻ em, cung cấp cho trẻ em các kiến thức và kỹ năng quan trọng về phòng ngừa và bảo vệ bản thân khỏi lao động trẻ em.

Tổ chức 63 buổi truyền thông cho 3.991 lượt cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người sử dụng lao động; tổ chức 3 lễ phát động với trên 1000 người tham gia…. Đặc biệt, thành lập 1 điểm tham vấn tại huyện Mường Ảng góp phần cải thiện các dịch vụ cung cấp cho trẻ em, bao gồm trẻ nạn nhân và có nguy cơ lao động trẻ em. Tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện. Tiến hành rà soát, phân loại nhóm trẻ em có nguy cơ lao động trẻ em cho 2.300 hộ gia đình. Có kế hoạch can thiệp cụ thể với nhóm nguy cơ cao; 1.046 trẻ được nhận các hỗ trợ từ dự án, bao gồm: bàn ghế, xe đạp, balô, máy tính, và tham gia vào các hoạt động truyền thông, …

Trưởng phòng trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên bà Trần Thị Nhuần chia sẻ “điều khiến tôi ấn tượng nhất là dự án luôn lắng nghe nguyện vọng và nhu cầu của địa phương, từ đó triển khai các hoạt động, can thiệp phù hợp với bối cảnh cũng như phát huy nguồn lực sẵn có của địa phương. Xác định đây là công tác phải thực hiện thường xuyên, liên tục, vì thay đổi nhận thức và hành vi là một quá trình lâu dài”.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-bien-no-luc-xoa-bo-lao-dong-tre-em-post395557.html