Điện Biên Phủ - nơi quá khứ hào hùng không bao giờ bị lãng quên

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã qua tròn 70 năm, quá khứ đã khép lại. Mảnh đất và con người Điện Biên giờ đang đổi thay như một bức tranh đa sắc màu của sự sống.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã qua tròn 70 năm, quá khứ đã khép lại, giờ đây mảnh đất và con người Điện Biên đang đổi thay như một bức tranh đa sắc màu của sự sống.

- Đây, chỗ này là chiến hào dưới chân đồi Him Lam mà trước tôi chiến đấu.

- Đâu, ở đoạn nào cơ? Giờ mắt tôi kém lắm rồi, chẳng nhìn rõ được.

- Ông vịn vào tay tôi, để tôi dẫn ông lại gần nhìn cho rõ.

Chín cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa đều đã gần trăm tuổi. Họ dựa vai vào nhau, người còn khỏe dìu người yếu hơn đi tham quan bức tranh panorama tái hiện lại chiến trường ác liệt mà 70 năm về trước, họ từng kề vai sát cánh suốt "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Những cựu binh của chiến dịch lịch sử

Cụ Bùi Kim Điều (SN 1930) nhập ngũ tháng 2/1952, thời điểm quân đội ta chuẩn bị mở chiến dịch Tây Bắc. Sau thời gian huấn luyện tân binh, cụ được phân công làm chiến sĩ thông tin ở Đại đội 405, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Kỷ niệm đầu tiên của cụ tại chiến trường là được tham gia trận chiến mở màn tại “Cánh cửa thép” Him Lam với chiến thắng oanh liệt song cũng nhiều đau thương, mất mát.

- Tôi nhớ đó là thời điểm 17h5 ngày 13/3/1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 mm của ta đồng loạt nã đạn vào các vị trí của quân Pháp ở đồi Him Lam. Tiếng pháo là bộ đội ta xuất kích, bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ

- Đánh đến 23h30 đêm đó thì xong. Đại đoàn 312 của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị...

Là chiến sĩ thông tin, cụ Điều tự ví mình như "con thoi" khi liên tục di chuyển trên các chiến hào ác liệt nhất. Trong trận chiếm đồi Độc Lập, do bom đạn phá hủy làm mất thông tin liên lạc, có một công văn khẩn của trung đoàn xuống 3 tiểu đoàn buộc phải chạy bộ đi giao.

"Từ trung đoàn xuống tiểu đoàn chỗ xa nhất 3 km, chúng tôi phải chạy, luồn lách qua giao thông hào, lúc không có giao thông hào thì phải khom lưng chạy trong mịt mù của đạn pháo binh. Khi hai đồng chí của tôi bị thương nặng vì dính đạn pháo, tôi thì bị thương ở chân nhưng trong đầu khi đó chỉ nghĩ phải nhanh chóng đưa kịp công văn hỏa tốc, tôi tự băng bó vết thương rồi nhảy lò cò và bò dọc theo giao thông hào đến được chỗ chỉ huy trung đoàn, giao công văn đó cho đồng chí Trung đoàn trưởng rồi ngất lịm đi". Cụ Điều nhớ lại.

Đã 70 năm trôi qua, trong lần hiếm hoi về thăm lại chiến trường xưa trên ngọn đồi A1 một thời bom đạn rực lửa, đại tá Lê Quyên (SN 1932, người tham gia từ những ngày đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ) không khỏi bồi hồi và xúc động.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Thanh Hóa anh hùng, khi vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, cụ nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, hăng hái tham gia bộ đội. “Khi đó, tôi không nghĩ gì nhiều, tham gia kháng chiến chỉ có một mục đích duy nhất là để bảo vệ tổ quốc”, Đại tá Lê Quyên chia sẻ.

Người chiến sĩ trẻ Điện Biên Phủ năm ấy nhớ lại khi ông đặt bước chân đầu tiên đến chiến trường Điện Biên Phủ vào cuối tháng 1/1954, quân ta đã "kéo pháo vào trận địa".

- Tôi nhớ mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được quân y dùng lá ngải cứu bọc xung quanh đầu để giảm đau sau một đêm trăn trở suy nghĩ về việc có đánh hay không. Ngày 25/1/1954, quân ta chuẩn bị "đánh nhanh, thắng nhanh" trong 2 ngày 3 đêm, tận dụng thời cơ Pháp chưa hoàn thiện trận địa. Sau cuộc họp Đảng ủy ngày 26/1/1954, Đại tướng quyết định hoãn tấn công, phương án tác chiến được đổi thành "đánh chắc, tiến chắc". Bộ đội lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo cách đánh mới.

Đồi A1 được quân Pháp gọi là "Cổ họng" của toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là điểm cao nằm trong dãy điểm cao ở phía Đông, có giá trị đặc biệt về chiến lược. Chính vì vậy, địch quyết giữ còn ta thì quyết đánh. Đó cũng là nguyên nhân trận đồi A1 là trận đánh ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ đội ta dũng cảm tiến công chiến đấu giành giật với quân Pháp trên đồi A1. Ảnh tư liệu: TTXVN. Ảnh chụp đồi A1 trong ngày 5/5/2024. Ảnh: Việt Linh.

- 30 quả đồi mà địch chiếm đóng thì đa số ta chỉ đánh trong một đêm là giải quyết được. Nhưng riêng đồi A1 khiến chúng ta tổn thất rất nhiều. Tôi vẫn nhớ rất rõ ngày 29/3/1954, khi đó một đại đội chủ công của tiểu đoàn tôi biên chế đến 180 người được cử lên đánh đồi A1. Đến 8h sáng hôm sau, thu quân chỉ còn có 10 người. Nhiều anh em đã sống chết với nhau hàng mấy năm rồi, thân ái lắm, thương lắm... Cứ nói đến đó là tôi lại nghẹn ngào không thở được...

Bản thân cụ Quyên cũng bị thương khi tham gia chiến đấu tại đồi A1 vào ngày 30/3/1954. Trong trận, cụ bị sức ép của pháo địch làm chảy máu tai và mảnh đạn phạt qua đỉnh đầu, khi máu chảy lênh láng xuống mặt cụ mới nhận ra mình đã dính đạn.

Rồi ngày chiến thắng cũng đến. Đúng 17h30 ngày 7/5/1954, khi thấy lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, cụ Quyên và những người đồng đội mới vỡ òa trong sung sướng. Đây là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi, cũng là thời khắc thiêng liêng, đáng nhớ với bất kỳ người dân Việt Nam nào khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm ròng rã “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu. Ảnh chụp nóc hầm tướng De Castries ngày 5/5/2024. Ảnh: Việt Linh.

Trong buổi chiều muộn của những ngày đầu tháng 5 lịch sử, khi ánh mặt trời vàng rực rót xuống chiếu sáng toàn bộ quang cảnh nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, người cựu binh già Nguyễn Phương Đàn năm nay đã 99 tuổi ngồi lặng lẽ bên một ngôi mộ một liệt sĩ chưa biết tên. Trong chiến dịch Điện Biên năm ấy, cụ tham gia chiến đấu cùng ba người anh em họ. Cả ba đều hy sinh trước ngày toàn thắng 7/5/1954.

Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ hay còn được người dân địa phương biết đến với cái tên nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 xây dựng năm 1958, cách di tích lịch sử đồi A1 vài trăm mét về phía Nam. Đây hiện là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết là phần mộ của các liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Tại đây, có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can.

Lặng lẽ đi dọc bức tường ghi tên những người đồng đội đã sống, chiến đấu cùng nhau qua mùa hè đỏ lửa năm 1954, cựu chiến binh Trần Đình Đường (chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) lầm rầm đọc tên từng người: "Đội ơi, Mậu ơi, Thao ơi... khi vào trận thì đều có tên cả nhưng đau xót quá khi nằm xuống thì vẫn chưa có thông tin".

"Tôi đến đây thắp cho đồng đội nén tâm hương và các thế hệ kế tiếp vẫn sẽ ra nghĩa trang liệt sĩ. Không cần biết là mộ có tên hay vô danh, hãy thắp một nén hương thơm để tỏ lòng với những người đã làm nên lịch sử", cụ Điều nghẹn ngào nói.

Chiều 5/5, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đông đúc hơn thường lệ khi hàng nghìn người dân từ khắp cả nước đổ về Điện Biên tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa vào dòng người có ba cựu binh Pháp từng tham gia đánh trận tại Điện Biên năm 1954.

Cả ba người nay đều đã ngoài 90 tuổi. Để đi tham quan bảo tàng nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật, họ được các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam giúp di chuyển bằng xe lăn.

Trầm ngâm khá lâu trước những bức ảnh tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu binh William Schilardi chậm rãi nói: "Tôi nghĩ việc truyền lại những ký ức lịch sử này tới lớp trẻ là rất quan trọng. Đây là những câu chuyện rất xúc động. Và chính phủ hai nước cần luôn tìm cách để giáo dục giới trẻ về quá khứ của hai dân tộc".

Vui vẻ chụp ảnh chung với một em nhỏ trong khi tham quan bảo tàng, cựu binh Jean Yves Guinard vui vẻ hỏi "Cháu có biết tiếng Pháp không?"

Ông sau đó chia sẻ với báo giới: "Tôi có mặt ở đây để nhớ về lịch sử, nhớ về đồng đội đã mất. Cách tôn trọng họ là không né tránh lịch sử. Nhiều cựu binh sau ngày tham chiến ở Việt Nam đã nỗ lực góp phần vào bình thường hóa quan hệ hai nước với các dự án như hỗ trợ học bổng cho sinh viên".

Lễ diễu binh hoành tráng nhất lịch sử tại Điện Biên Phủ

Đúng 8h30 phút ngày 7/5, biên đội bay gồm 11 chiếc trực thăng chia làm 4 tốp cất cánh trên đường băng sân bay Điện Biên. Đây là những chiếc trực thăng thuộc các đơn vị Trung đoàn 916, 917 và 930 (Quân chủng Phòng không - Không quân). Đây là lần đầu tiên Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ sử dụng máy bay trực thăng.

Những lá cờ treo dưới máy bay dài 5,4 m, rộng 3,6 m, nối vào dây cáp dài 8 m treo cố định dưới gầm trực thăng bằng một quả đối trọng nặng 120 kg.

Biên đội sẽ bay nhiều vòng quanh thành phố Điên Biên Phủ và nhiều di tích quan trọng như sân vận động tỉnh, Đồi A1, Đền thờ Liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1, cánh đồng Mường Thanh và đường 7/5 là khu hành chính mới của thành phố.

Những chiếc trực thăng bay qua tuyến đường trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, nơi người dân vỗ tay chào đón.

Ngày 5/5, tại khu vực sân chính của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên), 15 khẩu pháo lễ cỡ nòng 105 mm đồng loạt khai hỏa trên nền Quốc thiều của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là pháo hiệu mở màn lễ tổng duyệt diễu binh diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đây là những khẩu pháo được Lữ đoàn 45 Binh chủng pháo binh tiếp nhận từ cụm kho 79 (CK 79 - Quân khu 2). Đúng 17h5 ngày 13/3 cách đây 70 năm, Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh (khi đó là Trung đoàn 45) là đơn vị vinh dự bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các khẩu pháo được đánh số thứ tự từ 001-015, một phần nòng pháo được sơn Quốc kỳ Việt Nam trên nền xanh rêu. Phần viền bánh lốp các khẩu pháo được sơn trắng. Để phục vụ cho buổi Lễ kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ, các chiến sĩ ưu tú của Lữ đoàn 45 đã phải trải qua quá trình luyện tập liên tục trong nhiều ngày dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt của tỉnh Điện Biên.

Đúng 9h30 sáng ngày 7/5, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, trục đường chính và lớn nhất của thành phố Điện Biên Phủ, khối diễu hành của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam mang trên mình bộ quân phục của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đi đều bước trên nền nhạc ca khúc Hát Mãi Khúc Quân Hành.

Bộ quân phục với tấm áo trấn thủ đặc trưng cùng những đường may chéo hình quả trám, mũ lưới cài cành lá ngụy trang, vai bồng súng trường gắn lưỡi lê được tái hiện đúng như hình ảnh người lính Cụ Hồ 70 năm trước. Đây là hình ảnh của những chiến sĩ đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chiến sĩ anh hùng đầu nung lửa sắt, "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt; Máu trộn bùn non; Gan không núng; Chí không mòn".

Khối Chiến sĩ Điện Biên diễu hành trên đường phố gây xúc động mạnh cho nhiều người dân khi tái hiện lại hình ảnh những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay đã thành huyền thoại.

Một trong những lực lượng đóng góp không nhỏ vào thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ là dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ được ví như "Vua vận tải" của chiến trường.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài từ ngày 13/3 tới 7/5/1954, gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được huy động vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men và những nhu yếu phẩm cần thiết ra chiến trường, Việt Nam đã làm nên một điều kỳ diệu mang tên Điện Biên Phủ.

Bất chấp cơn mưa lớn nặng hạt trút xuống thành phố Điện Biên Phủ sáng sớm ngày 7/5, hàng chục nghìn người dân từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đều ra đường đón chào các lực lượng tham gia lễ diễu binh, diễu hành.

Ông Nguyễn Hồng Sơn (cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ) cùng các đồng đội của mình cho biết nhóm của ông đã xếp hàng từ 5h sáng để chờ đoàn diễu binh diễu hành. "Dù mưa hay nắng, chúng tôi quyết phải chờ xem bằng được và cổ vũ tinh thần các chiến sĩ". Ông Sơn chia sẻ.

Sau cơn mưa lớn lúc sáng sớm ngày 7/5, thời tiết tại thành phố Điện Biên Phủ tuy không quá nắng nhưng nhiệt độ tăng nhanh, chặng đường diễu hành dài hơn 5 km đã khiến nhiều chiến sĩ thấm mệt, đặc biệt là các nữ chiến sĩ. Thấu hiểu nỗi vất vả, rất nhiều gia đình và đồng bào các dân tộc tại tỉnh Điện Biên đã chuẩn bị nước chanh, bánh kẹo đến điểm cuối của tuyến diễu hành để tiếp sức cho các chiến sĩ kèm những lời động viên thân mật "Cố gắng lên em ơi, sắp về đến đích rồi. Mau uống nước, ăn bánh cho lại sức nhé...".

Từ hơn hai tuần nay, bất kể ngày nắng hay mưa, chị Huệ cùng các cô giáo trường mầm non số 2 Pá Khoang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đều cố gắng dậy sớm đi chợ để mua chanh, muối, đường pha nước phục vụ các chiến sĩ tham gia lễ diễu hành.

"Thấy các em đổ mồ hôi tập luyện dưới trời nắng gay gắt, tôi thương lắm, coi như chính người thân trong nhà mình vậy nên toàn bộ nguyên vật liệu để pha nước đều được chúng tôi tự bỏ tiền túi của mình ra để mua phục vụ mọi người. Đây đều là những hành động xuất phát từ chính trái tim của những người con vùng cao Tây Bắc gửi tới các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam". Chị Huệ (giáo viên trường mầm non số 2 Pá Khoang) chia sẻ.

Chặng cuối cùng của lễ diễu hành, đón chờ đoàn chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam là hàng trăm người con vùng cao Tây Bắc. Họ cùng nhau nắm tay nhảy điệu xòe Thái, chia sẻ với nhau những cốc nước mát lành và cùng chia vui trong ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ tham gia khối diễu binh của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam bắt tay một em nhỏ trên đường Võ Nguyên Giáp (Thành phố Điện Biên Phủ).

Diện mạo mới thành phố nơi cực Tây tổ quốc sau 70 năm chiến thắng lịch sử

Ngày 24/12/2013 vừa qua, sân bay Điện Biên mở rộng đã chính thức được khánh thành với đường cất hạ cánh được xoay trục xây mới có chiều dài 2,4 km, rộng 45 m, sân quay hai đầu, sân đậu tàu bay mới với 4 vị trí, đồng bộ kết cấu bê tông xi măng; xây dựng hệ thống đèn tiếp cận CAT I... đảm bảo tiếp thu các loại tàu bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương.

Nhà ga hành khách được mở rộng, nâng công suất thiết kế từ 300 nghìn lên 500 nghìn khách/năm, nâng cao được năng lực khai thác, tạo điều kiện kết nối hiệu quả Điện Biên với các vùng kinh tế khác trên cả nước bằng tàu bay phản lực hiện đại và cũng là tiền đề cho các đường bay quốc tế trong tương lai; góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực Tây Bắc Tổ quốc.

Trục đường chính tại thành phố Điện Biên Phủ được mang tên Võ Nguyên Giáp, những địa danh lịch sử năm xưa như đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ, hầm chỉ huy của tướng De Castries nay nằm xen kẽ với những căn nhà cao tầng khang trang, hiện đại của nhân dân địa phương.

Tháng 11/1953, Mường Thanh đang êm ả, thanh bình, thì tai họa ập đến. Từ trên trời, hàng nghìn lính Pháp nhảy dù xuống lòng chảo, tái chiếm Điện Biên. Người dân bị dồn vào ở các trại tập trung, tài sản bị vơ vét, ruộng đồng bị tàn phá, bỏ hoang. Suốt những tháng sau đó, cánh đồng Mường Thanh gồng mình hứng chịu biết bao trận mưa bom, lửa đạn, in dấu những trận đánh ác liệt của quân dân ta chống thực dân Pháp.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953. Ảnh: Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Cánh đồng Mường Thanh năm 2024. Ảnh: Việt Linh.

Đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa, cánh đồng Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn vùng Tây Bắc với diện tích hơn 140 km2. “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói nổi tiếng từ lâu về 4 cánh đồng lớn, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trong đó, Mường Thanh đứng vị trí đầu tiên.

Xen giữa nhịp sống hiện đại, những vết tích còn lại của chiến tranh vẫn còn đó giữa lòng thành phố, cùng chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất lịch sử, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi dấu trang sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam.

Việt Linh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dien-bien-phu-noi-qua-khu-hao-hung-khong-bao-gio-bi-lang-quen-post1474027.html